backup og meta

Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?

Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?

Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành bước bắt buộc phải có trong chế độ chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều “sự cố” khi bôi kem chống nắng khiến các chị em khó chịu. Một trong số đó là bôi kem chống nắng bị vón cục khiến sản phẩm không phát huy hết công dụng bảo vệ da khỏi các tác hại của ánh nắng mặt trời. 

Trong bài viết này, chuyên viên chăm sóc da Lai Ngọc Hiền sẽ giúp bạn tìm hiểu:

  • Nguyên nhân tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục
  • Cách bôi kem chống nắng đúng cách để khắc phục hiện tượng trên.

Chuyên gia lý giải tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục

Hiện tượng kem chống bị nắng vón cục xảy ra thường do nhiều nguyên nhân từ phía sản phẩm, cũng như thao tác thực hành chăm sóc da không đúng trình tự hoặc không đúng cách. Sau đây chúng ta cùng điểm qua những lý do khiến bạn bôi kem bị vón cục hoặc có cảm quan bôi kem chống nắng bị mốc. 7 lý do thường gặp bao gồm:

  • Sử dụng quá nhiều kem chống nắng: Việc sử dụng lượng nhiều sản phẩm dù là tinh chất hay kem chống nắng sẽ khiến da quá tải và các dưỡng chất sẽ không kịp hấp thu. 
  • Quy trình chăm sóc da buổi sáng không chuẩn: Trong quy trình chăm sóc da, nếu bạn thực hiện thiếu một trong các bước như tẩy trang, rửa mặt và tẩy tế bào chết phù hợp cũng có thể khiến da trở nên sần sùi, tế bào da không được thay mới. Lúc này, bôi kem chống nắng sẽ bị bết dính, có vệt trắng như bị mốc. Điều này khiến làn da trở nên loang lổ, không đều màu.
  • Da quá khô hoặc da nhiều dầu: Đối với da quá khô, kem chống nắng có khuynh hướng đọng lại khiến da không trơn láng. Điều này tạo ra vẻ ngoài bị vón cục. Khi da quá nhờn, công thức chống nắng – đặc biệt nếu kem chứa  gốc nước – không kết hợp tốt với chất nhờn tự nhiên trên mặt khiến việc bôi kem tạo ra lớp nền bóng, không đồng đều.
  • Thành phần kem chống nắng và kem dưỡng hoặc kem lót ở bước trước đó không tương thích nhau.
  • Nồng độ silicon trong sản phẩm cao.
  • Sản phẩm không được bảo quản tốt; quá hạn sử dụng hoặc chất lượng không đạt yêu cầu.
  • Cuối cùng là khoảng thời gian mà bạn dành thoa các sản phẩm chăm sóc da quá ngắn trước khi bôi kem chống nắng.

Bôi kem chống nắng bị vón cục

Cách khắc phục tình trạng bôi kem chống nắng bị vón cục

Sau khi hiểu được nguyên nhân tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục, bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng cách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa trong quy trình chăm sóc da, bao gồm:

1. Bước làm sạch

Bạn phải luôn bắt đầu với làn da sạch và khô trước khi thoa các sản phẩm chăm sóc da. Da luôn có lớp dầu tự nhiên để giữ cho da mềm mại. Tuy không thể làm mất hoàn toàn lượng dầu tự nhiên đó ra khỏi da nhưng việc loại bỏ một phần chúng cùng với bụi bẩn tích tụ trong ngày là điều cần thiết. 

Theo đó, bạn hãy bắt đầu bằng cách sử dụng sữa rửa mặt phù hợp để tạo bề mặt sạch sẽ cho kem chống nắng dễ hấp thu. Các thao tác rửa mặt cần chuyển động nhẹ nhàng, tránh chà xát để đảm bảo loại bỏ mọi lớp trang điểm cùng lớp tế bào chết đã bong tróc.

2. Dưỡng ẩm cho da

Theo trình tự chăm sóc da, tinh chất và toner sẽ được sử dụng đầu tiên vì da dễ hấp thu nhất, tiếp theo là serum dạng lỏng, sau đó là lotion và kem dưỡng. Bôi kem chống nắng phải luôn là bước cuối cùng trong quy trình chăm sóc da trước khi trang điểm. Tuy nhiên, bạn hãy cân nhắc cẩn thận, chỉ sử dụng những sản phẩm  bạn thực sự cần cho da như kem dưỡng ẩm và kem chống nắng.

Trên thực tế, nhiều chị em thắc mắc nên thoa kem chống nắng hay kem dưỡng ẩm trước. Cách tốt nhất là bạn nên bổ sung độ ẩm cho làn da trước khi thoa kem chống nắng. Bởi vì làn da được dưỡng ẩm sẽ không bị bong tróc góp phần khiến kem chống nắng dễ bám vào bề mặt da hơn.

3. Đảm bảo da khô

Sau khi thoa sản phẩm điều trị, tinh chất hay kem dưỡng ẩm, thông thường, bạn cần để khoảng 2-3 phút để da hấp thụ, chờ da khô sẽ giúp kem chống nắng bám tốt hơn trên bề mặt và đảm bảo sản phẩm không bị loãng. Bước này sẽ giúp bạn tạo được một lớp nền mịn đẹp, thuận lợi cho việc trang điểm tiếp theo dễ dàng.

4. Chấm kem chống nắng thành từng điểm phân bố đều trên mặt

5 điểm cần lưu ý chấm kem chống nắng trước khi thoa đều là: Trán, 2 bên gò má, mũi và cằm. Việc phân bố này nhằm đảm bảo các vùng da đều được phủ một lượng kem nhất định, tránh nơi lượng ít hoặc nơi quá dày sản phẩm.

Bôi kem chống nắng bị vón cục
Bạn nên chấm kem chống nắng ở trán, mũi, 2 gò má và cằm trước khi thoa đều để da hấp thụ đều.

5. Thao tác nhẹ nhàng, phù hợp

Động tác thoa, miết mạnh vào da khi bôi kem chống nắng sẽ khiến tình trạng vón cục trở nên tệ hơn. Cách thoa kem chống nắng không bị vón cục đúng được các bác sĩ da liễu khuyên đó chính là vỗ và tán nhẹ, giúp kem thẩm thấu vào da nhanh hơn, hạn chế tình trạng tạo ra các vệt trắng, không đều màu.

Lưu ý khi sử dụng để bôi kem chống nắng đúng cách

Bên cạnh việc tìm hiểu về nguyên do tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục và cách khắc phục để việc sử dụng kem chống nắng vừa đạt hiệu quả và mỹ quan, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Lắc đều sản phẩm trước khi sử dụng
  • Tẩy tế bào chết 2 lần trong tuần, thực hiện tẩy trang và rửa mặt thường xuyên
  • Không nên thoa kem chống nắng ngay khi sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc tinh chất dưỡng da
  • Trước khi bôi kem chống nắng, bạn nên đảm bảo da đã khô ráo, vì nước hoặc mồ hôi còn đọng lại trên da mặt cũng là nguyên nhân khiến bôi kem chống nắng bị vón cục.
  • Hạn chế thoa, miết kem chống nắng trên da, thay vào đó hãy tán và vỗ nhẹ vào da.
  • Sử dụng lượng sản phẩm vừa đủ.
  • Sản phẩm cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay những nơi có nhiệt độ cao để tránh các tác nhân bên ngoài gây thay đổi cấu trúc sản phẩm và gây vón cục.
  • Tránh các sản phẩm chứa nhiều silicon
  • Sử dụng các sản phẩm có kết cấu phù hợp với từng loại da và tương thích nhau. Ví dụ, bạn nên sử dụng kem chống nắng gốc nước nếu bạn có làn da dầu hoặc da dễ bị mụn trứng cá.
bôi kem chống nắng đúng cách
Lựa chọn kem chống nắng phù hợp với tình trạng da để tránh hiện tượng kem chống nắng bị vón cục khi thoa lên da.

Nếu bạn đã kiểm soát tốt các yếu tố trên mà vẫn còn tình trạng bôi kem chống nắng bị vón cục, thì bạn hãy cân nhắc đổi sang một loại kem chống nắng khác có kết cấu mỏng nhẹ hơn với công thức chứa axit hyaluronic và các thành phần dưỡng ẩm khác trong cùng một sản phẩm chống nắng. Bạn cũng có thể chọn kem chống nắng dạng sữa hoặc  gel để sản phẩm dễ dàng thẩm thấu vào da hơn.

Hi vọng sau bài viết này, Hellobacsi có thể giúp bạn hiểu rõ và thực hành đúng hơn để việc sử dụng kem chống nắng vừa mang lại hiệu quả vừa giúp bạn thoải mái, tự tin với làn da sáng, khỏe, nhẹ nhàng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5 common sunscreen mistakes and hơ to avoid them?

https://www.aad.org/public/everyday-care/sun-protection/shade-clothing-sunscreen/common-sunscreen-mistakes 

Ngày truy cập: 23/4/2024

Skin aging and its treatment

https://pathsocjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/path.2098

Ngày truy cập: 23/4/2024

A Review of Sunscreen Safety and Efficacy

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1751-1097.1998.tb09677.x

Ngày truy cập: 23/4/2024

Sunscreen isn’t enough

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1011134401001956

Ngày truy cập: 23/4/2024

A new sunscreen application technique to protect more efficiently from ultraviolet radiation

https://www.irjmets.com/uploadedfiles/paper/issue_12_december_2023/46910/final/fin_irjmets1701445581.pdf

Ngày truy cập: 23/4/2024

Sunscreen Use among a Population of Saudi University Students

https://www.hindawi.com/journals/drp/2020/4732721/

Ngày truy cập: 23/4/2024

The Role of Skin Care as an Integral Component in the Management of Acne Vulgaris: Part 1: The Importance of Cleanser and Moisturizer Ingredients, Design, and Product Selection

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3997205/

Ngày truy cập: 23/4/2024

Phiên bản hiện tại

25/04/2024

Tác giả: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Xịt khoáng cho da dầu mụn có công dụng gì và nên chọn như thế nào?

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Ngày cập nhật: 25/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo