🔥 Bài đăng hot nhất

Hiện tượng buồn nôn nhưng không nôn được do đâu?

Buồn nôn nhưng không nôn được là tình trạng rất khó chịu gặp phải ở nhiều người. Vậy buồn nôn nhưng không nôn được cảnh báo bệnh gì? Cùng tìm hiểu thông tin qua bài chia sẻ dưới đây nha:


Nguyên nhân buồn nôn nhưng không nôn được

Ốm nghén ở phụ nữ mang thai

Khi mang thai, phụ nữ có sự thay đổi nội tiết tố gây ra tình trạng chóng mặt, buồn nôn nhưng không nôn được kèm theo mệt mỏi, chán ăn.

Do stress dài ngày, căng thẳng thần kinh

Stress không chỉ gây mệt mỏi, mất ngủ và suy nhược mà còn kích thích cảm giác buồn nôn và nôn mửa cả ngày. Nếu bạn làm việc quá sức hoặc lo lắng quá mức gây căng thẳng thần kinh làm cho dạ dày và tiêu hóa bị ảnh hưởng. Thì thỉnh thoảng bạn sẽ bị buồn nôn. Do đó nếu cảm thấy triệu chứng này xuất hiện bạn cần đi khám để chẩn đoán sớm hơn.

Do chứng trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (Hội chứng GERD) là một trong những bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa của chúng ta. Hội chứng này có thể gây buồn nôn nhưng không nôn được, đau rát cổ họng, khó nuốt, ợ hơi và ợ chua.

Do hội chứng nôn ói chu kỳ

Hội chứng nôn ói chu kỳ có thể xuất hiện triệu chứng nôn ọe trong ngày. Hội chứng này có thể gây ra một số biến chứng nặng nề nếu không kiểm soát kịp thời những triệu chứng như nôn ra máu, mất nước, rách thực quản, xuất huyết tiêu hóa, viêm thực quản, loét dạ dày,…

Do tác dụng phụ của thuốc điều trị

Các loại thuốc có khả năng gây buồn nôn khi sử dụng, bao gồm các loại thuốc kháng sinh, thuốc trị huyết áp cao, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin H1,…

Do có dị vật vướng bên trong họng

Khi bạn có dị vật vướng trong cổ họng có thể gây nghẹn khi nuốt, đau họng, buồn nôn và khó chịu. Với những trường hợp như vậy, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ xử lý đúng cách. Việc bạn tự ý lấy dị vật tại nhà có thể khiến dị vật đi sâu vào bên trong, gây tổn thương vòm họng hoặc thực quản.

Do ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rối loạn tiêu hóa khi ăn phải thực phẩm ôi thiu và nhiễm khuẩn. Các triệu chứng điển hình của trúng thực là chóng mặt, đi ngoài, đau bụng, có cảm giác buồn nôn và nôn oẹ.

Do ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu thực chất là ngộ độc methanol có trong rượu và đồ uống có cồn khác. Nếu để kéo dài, bạn có thể cảm thấy buồn nôn, nôn ọe hoặc buồn nôn nhưng không nôn được. Thậm chí gây tụt huyết áp, rối loạn điện giải, thở chậm, hôn mê và co giật.

Do túi mật có vấn đề

Khi mắc các bệnh lý về túi mật, bạn thường gặp phải một số triệu chứng phổ biến như vàng da, đau ở vùng ngực, thượng vị và buồn nôn kéo dài. Nhất là sau khi ăn các thực phẩm giàu chất béo bão hòa.

Do ảnh hưởng của tiểu đường type I

Tiểu đường type I xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để thực hiện việc chuyển hóa đường thành năng lượng. Người mắc bệnh lý này dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi do không có đủ năng lượng cung cấp cho cơ thể, và thường xuyên khát nước. Hoặc có cảm giác buồn nôn nhưng không nôn được kèm khó chịu ở bụng, mệt mỏi.

Do rối loạn tiền đình

Đây là tình trạng tổn thương khu vực tai trong và não khiến cơ thể người bệnh mất khả năng kiểm soát cân bằng. Từ đó làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo…

Biểu hiện của ung thư

Ung thư ở vòm họng, thực quản và dạ dày có thể nhận biết bằng các triệu chứng buồn nôn. Triệu chứng nêu trên thường xảy ra vào giai đoạn đầu của bệnh và có thể đi kèm với những biểu hiện khác như đau thượng vị/ đau ngực, nghẹn vướng khi ăn uống, khó thở, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua.


Buồn nôn nhưng không nôn được cảnh báo bệnh gì?

Trào ngược dạ dày

Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng buồn nôn nhưng không nôn được. Để có thể nhận biết bạn có bị trào ngược dạ dày, thông thường người bệnh có thể dựa vào triệu chứng buồn nôn đi kèm với đau ngực, cảm giác có cục u trong cổ họng và khó khăn trong việc nuốt thức ăn.

Viêm đại tràng cấp và mạn tính

Khi có dấu hiệu buồn nôn kèm theo triệu chứng đại tiện thất thường, táo bón xen lẫn phân lỏng, chướng bụng và đầy hơi thì rất có thể bạn bị viêm đại tràng mãn tính hoặc cấp tính.

Viêm dạ dày – tá tràng

Tình trạng buồn nôn nhưng không nôn được xuất hiện sau khi ăn kèm theo tình trạng chướng bụng, ợ nóng, đây được cho là dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày – tá tràng.

Tắc ruột

Khi thức ăn đang bị ứ lại, quá trình tiêu hóa bị gián đoạn sẽ khiến bạn bị buồn nôn cả ngày. Kèm theo đó là triệu chứng đau bụng, cảm giác quặn ruột, khó đi vệ sinh.


Cách điều trị buồn nôn nhưng không nôn được

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc được khuyên dùng phổ biến như: thuốc giảm đau và chống co thắt, thuốc diệt khuẩn đường ruột, thuốc chống táo bón,…Tuy nhiên việc điều trị bằng thuốc dễ gây những tác dụng phụ lên gan, thận, dạ dày, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Thực hiện chế độ ăn uống khoa học

Khi bạn có cảm giác buồn nôn, bạn nên tránh xa các thực phẩm như:

  • Sữa lạnh, bơ.
  • Đồ ăn cay nóng.
  • Đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế bia rượu.
  • Không ăn quá no, quá vội.

Điều trị bằng mẹo dân gian

  • Gừng: Ngậm vài miếng gừng tươi. Hoặc uống từng ngụm trà gừng tươi bằng cách thái mỏng 2 lát gừng pha với nước sôi, để ấm rồi uống. Việc này giúp bạn bớt cảm giác buồn nôn, khó chịu.
  • Chanh: Mùi thơm từ chanh sẽ xoa dịu cơn buồn nôn và mang đến cảm giác dễ chịu cho bạn. Bạn có thể ngửi vỏ quả chanh hoặc thái mỏng 1 lát chanh và 1 lát gừng pha với nước sôi, để ấm rồi uống.
  • Bạc hà: Tương tự như chanh, mùi hương bạc hà sẽ giúp bạn quên đi cơn khó chịu dạ dày. Để giảm buồn nôn, bạn có thể sử dụng tinh dầu bạc hà để xông trong phòng.


Cách phòng ngừa hiện tượng buồn nôn hiệu quả

Để đề phòng hiện tượng buồn nôn nhưng không nôn được, ngay trong cách ăn uống và sinh hoạt hằng ngày, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên kiêng bớt các đồ ăn cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ. Đặc biệt là rượu bia.
  • Không nằm ngay sau khi ăn.
  • Không nên ngửi những mùi hương quá nồng nặc hoặc khác lạ.
  • Không dùng thuốc lá. Nếu có hãy cố gắng cai thuốc sớm hơn.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao với cường độ vừa phải.


Buồn nôn nhưng không nôn được hay còn gọi là nôn khan gây ra khá nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Chính vì vậy, lời khuyên cho những ai gặp triệu chứng trên là theo dõi tình trạng của mình và kịp thời đến các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị.

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
1536

0 bình luận

Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!