🔥 Bài đăng hot nhất

Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có nguy hiểm không?

Các bệnh tuyến giáp ở phụ nữ thường gặp nhất là cường giáp, suy giáp và ung thư tuyến giáp. Cùng tìm hiểu xem bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có nguy hiểm không trong bài viết dưới đây nhé.

1. Có những bệnh lý tuyến giáp nào?

Tuyến giáp sản xuất nhiều hormone, trong đó có hormone T3, T4 chịu trách nhiệm trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể. Hoạt động của tuyến giáp chịu ảnh hưởng bởi vùng hạ đồi và tuyến yên, thông qua hormone kích thích.

Vấn đề ở tuyến giáp hoặc các tuyến điều khiển hoạt động của tuyến giáp đều gây ra bệnh lý ở cơ quan này, phổ biến gồm:

1.1. Bệnh suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể, nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng như: biến chứng sau cắt bỏ tuyến giáp, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, xạ trị vùng liên quan, rối loạn chức năng vùng hạ đồi hoặc tuyến yên,…

Suy giáp là bệnh lý tuyến giáp khá thường gặp, sẽ gây ra những triệu chứng sau cho người bệnh: mệt mỏi, táo bón, khô da, tăng cân, nhạy cảm với thời tiết lạnh, nhịp tim chậm, tâm lý buồn phiền, chán nản,… Nguy hiểm hơn, suy giáp nặng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, gây kém phát triển, giảm chuyển hóa.

1.2. Bệnh cường giáp

Cường giáp ngược lại với suy giáp, là tình trạng hormone tuyến giáp được sản xuất nhiều hơn bình thường gây ra chuyển quá mức và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nguyên nhân gây cường giáp thường gặp là bướu giáp độc đa nhân, bệnh Graves, người hấp thu iot quá mức,…

Cường giáp là bệnh tuyến giáp khá ít gặp, sẽ gây các triệu chứng như buồn nôn, nhịp tim nhanh, run tay, tăng nhu động ruột, đổ mồ hôi quá mức, khó tập trung, sụt cân,…

1.3. Viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp này liên quan đến rối loạn tự miễn của cơ thể, khi tế bào bạch cầu tấn công và kiểm soát hoạt động của tuyến giáp, từ đó gây giảm sản xuất hormone tuyến giáp.

Triệu chứng bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto tương tự với suy giáp do cùng gây giảm hormone tuyến giáp sản xuất ra.

1.4. Bệnh basedow

Basedow cũng là một dạng bệnh tự miễn khi tế bào bạch cầu tấn công vào mô tuyến giáp khỏe mạnh, gây rối loạn chức năng cơ quan này. Song trái ngược với Hashimoto, tuyến giáp bị Basedow sản xuất quá mức hormone tuyến giáp nên có triệu chứng tương tự với cường giáp.

1.5. Bướu cổ

Bướu cổ là tình trạng phì đại bất thường kích thước tuyến giáp khiến vùng cổ có bướu, kích thước bướu giai đoạn đầu khá nhỏ nên rất khó phát hiện. Bệnh nhân bị bướu cổ sẽ có các triệu chứng như: ho nhiều, khàn tiếng, sưng cổ và có cảm giác siết chặt trong cổ họng, khó thở, khó nuốt,…

1.6. Bệnh bướu giáp hạt

Đây là tình trạng xuất hiện các hạt cụm tế bào đột biến trong tuyến giáp, rải rác hoặc tụ lại thành cụm với số lượng nhiều. Đa phần giáp hạt là lành tính, song vẫn có nguy cơ chuyển hóa phát triển thành ung thư nên cần theo dõi thường xuyên và điều trị nếu bướu giáp hạt nguy hiểm.

Bướu giáp hạt thường gây triệu chứng tương tự như suy giáp song một số trường hợp triệu chứng bệnh có thể khác biệt do gây rối loạn tuyến giáp khác.

1.7. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp chủ yếu gặp ở phụ nữ trung niên, tùy theo loại tế bào đột biến phát triển thành ung thư mà có nhiều dạng ung thư tuyến giáp khác nhau. So với các loại ung thư khác, ung thư xảy ra ở tuyến giáp có tiên lượng thường tốt hơn, tỉ lệ sống cao hơn, có thể chữa khỏi nếu phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu.

2. Vì sao nữ giới dễ mắc bệnh lý tuyến giáp?

Các lý do khiến nữ giới dễ mắc bệnh tuyến giáp bao gồm:

  • Thiếu iod, đặc biệt giai đoạn dậy thì 8-10 tuổi và khi mang thai
  • Tâm lý thường không ổn định, nhạy cảm với tác động cuộc sống nên dễ bị sang trấn tinh thần, mất ngủ.
  • Thay đổi sinh lý giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
  • Thừa iod.
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh lý liên quan đến tuyến giáp.
  • Từng phẫu thuật, xạ trị, dùng thuốc có ảnh hưởng đến tổng hợp hormone.

3.Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?

Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết có vai trò quan trọng nhất đối với cơ thể. Do đó, các bệnh tuyến giáp gây rối loạn chức năng sản xuất hormone sẽ kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: bệnh về tim mạch, loãng xương, sức khỏe tinh thần giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản,…

Nhiều người bệnh thắc mắc bệnh tuyến giáp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Bệnh tuyến giáp thường không có các triệu chứng rõ ràng, do đó đa số người bệnh đều không nhận ra bệnh ở giai đoạn đầu, bỏ lỡ điều trị sớm. Đặc biệt, với ung thư tuyến giáp, nếu phát hiện trễ khi tế bào ung thư đã di căn thì điều trị phức tạp hơn.

Phụ nữ mang thai bị bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc tiền sản giật. Ngoài ra, các bệnh tuyến giáp ở phụ nữ mang thai rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thai nhi, đặc biệt trong những tháng đầu thai kỳ. Bởi trong giai đoạn này thai nhi không thể tự sản xuất hormone tuyến giáp mà phải nhận hoàn toàn từ cơ thể mẹ.

Sự thiếu hụt hoặc rối loạn hormone của người mẹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành và phát triển các cơ quan trong cơ thể thai nhi. Do đó, nếu mẹ bầu bị bệnh tuyến giáp thì con sinh ra có thể bị dị tật, chậm phát triển trí tuệ, mắc bệnh tim bẩm sinh,…

4.Những cách phòng tránh bệnh tuyến giáp ở phụ nữ

Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tuyến giáp ở phụ nữ nhưng có một số biện pháp phòng tránh và hỗ trợ sức khỏe có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số cách phòng tránh bệnh tuyến giáp ở phụ nữ mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ tới bạn:

  • Đảm bảo cung cấp đủ iodine: Iodine là yếu tố cần thiết để tuyến giáp sản xuất hormone. Đảm bảo cơ thể được cung cấp iodine đủ thông qua thực phẩm như cá, tôm, rong biển, muối iodine được bổ sung và các loại thực phẩm giàu iodine khác.
  • Ăn uống cân đối và lành mạnh: Hãy ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và thịt tươi để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể.
  • Kiểm soát stress: Stress có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch và cơ thể. Hãy tìm cách kiểm soát stress, thư giãn và tạo điều kiện sống tích cực hàng ngày.
  • Tập luyện thể thao đều đặn: Vận động thể dục thể thao thường xuyên giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ hệ thống miễn dịch tốt hơn.
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại: Cố gắng tránh tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường, hóa chất công nghiệp, hóa chất độc hại trong thực phẩm hoặc sản phẩm hàng ngày.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Cần định kỳ kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là kiểm tra chức năng tuyến giáp nếu có triệu chứng bất kỳ hoặc yếu tố di truyền liên quan đến bệnh tuyến giáp.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng chỉ định: Nếu bạn có triệu chứng hoặc các yếu tố rủi ro liên quan đến bệnh tuyến giáp ở phụ nữ, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và nhận lời khuyên về điều trị cũng như cách phòng tránh bệnh.

Với những chia sẻ trên đây hy vọng rằng bạn đọc đã hiểu rõ hơn Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có nguy hiểm không?. Cũng như nắm được các nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!

❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!

Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có nguy hiểm không?Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có nguy hiểm không?
Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận

0 bình luận

Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!