🔥 Bài đăng hot nhất

Trẻ bị viêm phổi nguyên nhân do đâu? Cần lưu ý điều gì khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi?

Trẻ bị viêm phổi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sức đề kháng của trẻ. Do một lý do nào đó như: Thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng kém… dẫn đến trẻ mắc viêm phổi sẽ bị tái đi tái lại nhiều lần, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.

Vì sao trẻ dễ bị viêm phổi?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Các phế nang, đường dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Có nhiều tác nhân gây ra bệnh viêm phổi, nhưng thường do vi khuẩn, virus và nấm. Viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhẹ, đến viêm nặng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ có miễn dịch kém.

Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.

Môi trường ô nhiễm, thời tiết giao mùa, độ ẩm cao, virus, vi khuẩn động lực cao phát triển mạnh cộng với khả năng thích nghi kém là những yếu tố chính khiến trẻ em dễ mắc viêm phổi, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, vui chơi, học tập, sức khỏe và tính mạng trẻ.

BS Trương Hữu Khanh cho biết, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, đường hô hấp nhỏ hẹp và ngắn, dẫn đến khi trẻ gặp một vài vấn đề về sức khỏe phải thở bằng miệng, không khí không được đi qua mũi để sưởi ấm và lọc sạch. Lúc này, mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào mũi, miệng, họng,… gây phù nề niêm mạc đường thở, lan rộng tình trạng viêm và khiến trẻ bị khó thở.

Mặt khác, lá phổi là trung tâm của hệ hô hấp của trẻ nhưng rất yếu, ít đàn hồi, màng phổi mỏng khiến trẻ dễ bị viêm nhiễm. Bệnh viêm phổi ở trẻ nguy hiểm hơn các bệnh đường hô hấp khác với biến chứng nhanh, đột ngột, nguy cơ gây suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Những biểu hiện của trẻ bị viêm phổi mẹ cần biết

Những biểu hiện viêm phổi ở trẻ diễn tiến khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi khuẩn, virus gây bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của trẻ, thậm chí có trẻ không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Các dấu hiệu và triệu chứng trẻ bị viêm phổi thường nhẹ và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm, nhưng điểm khác biệt dấu hiệu đó có thể kéo dài hơn.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ mà bố mẹ cần biết bao gồm:

  • Khó thở, thở nhanh, thở rít;
  • Sốt cao, co giật;
  • Đau ngực khi thở hoặc ho;
  • Ho, ho có đờm;
  • Bứt rứt, mệt mỏi;
  • Đổ mồ hôi và ớn lạnh;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Trẻ khó thở, bỏ bú, bỏ ăn;
  • Tím tái, li bì, rút lõm lồng ngực;

BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực, tức là khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị cơ này kéo lõm thay vì nở ra như bình thường, xuất hiện dấu hiệu này thì viêm phổi đã trở nặng, cần khẩn cấp đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm phổi ở trẻ rất nguy hiểm, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm phổi có thể ngăn chặn tình trạng biến chứng, giảm thiểu nguy cơ tử vong cho trẻ.

Trẻ bị viêm phổi có tắm được không?

ĐƯỢC! Những triệu chứng của viêm phổi có thể khiến phụ huynh lo lắng không dám để cơ thể trẻ tiếp xúc với nước vì lo ngại tình trạng bệnh sẽ nặng thêm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên, nếu trẻ đang bị viêm phổi nhưng không sốt cao thì vẫn có thể tắm cho trẻ bình thường.

Trên thực tế, tắm rửa được xem như một liệu pháp xông hơi hiệu quả. Hơi nước ấm được hít vào vùng xoang và ngực có khả năng làm loãng đờm, giúp làm sạch đường thở của trẻ, giúp phản xạ ho nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Không chỉ thế, tắm nước ấm cũng có thể xoa dịu cơ thể đang khó chịu của trẻ, giúp trẻ dễ chịu và bớt quấy khóc. Tắm sạch sẽ, khô thoáng rất cần thiết để đảm bảo trẻ không nhiễm thêm các loại virus, vi khuẩn khác.

Hướng xử trí khi bệnh viêm phổi ở trẻ tái phát nhiều lần

Về vấn đề điều trị

- Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho điều trị cho con tại nhà. Bởi ho là phản xạ sinh lý để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở.

- Việc sử dụng kháng sinh để điều trị viêm phổi cho trẻ cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ và giúp cho việc điều trị tối ưu và triệt để hơn.

- Khi trẻ có các dấu hiệu của viêm phổi, cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị

Một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

- Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt (các lần uống thuốc cách nhau từ 4 đến 6h) hoặc có thể chườm ấm (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ khoảng 2 độ C)

- Phương pháp vỗ rung cho trẻ khi bị ho có đờm giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng nhờ vào phản xạ ho của trẻ.

- Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng bạch hấp đường phèn, gừng, húng chanh cho trẻ uống để giảm ho.

Vệ sinh

- Vệ sinh mũi miệng: Nên sử dụng các loại khăn giấy mềm dùng 1 lần để lau đờm hoặc dãi trẻ. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý vệ sinh khăn sạch sẽ, việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể trẻ.

- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng, quần áo của trẻ.

- Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

3.4. Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần

- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt và đa dạng bữa ăn để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, nên chia nhiều bữa trong ngày, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.

Cần nhập viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ có sốt, ho, khò khè, thở nhanh co lõm ngực, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ không thể uống đủ thuốc.
  • Nôn nhiều, ăn uống kém.
  • Điều trị ngoại trú thất bại khi trẻ có dấu hiệu không thuyên giảm hoặc nặng lên sau 48 - 72 giờ điều trị.

Phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em

- Để phòng bệnh viêm phổi, nên cho trẻ được bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.

- Trẻ bị viêm phổi chủ yếu do trẻ bị nhiễm từ cộng đồng (trong gia đình hoặc bên ngoài). Do vậy, cần tạo cho trẻ có môi trường sống trong lành: Không khói thuốc lá và các ô nhiễm khác.

- Tránh tiếp xúc đám đông, đặc biệt người ốm có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho… chủ động phòng ngừa: Đeo khẩu trang khi cần, rửa tay thường xuyên.

- Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, nhằm tạo cho trẻ có miễn dịch chủ động chống lại bệnh tật khi bị lây nhiễm, góp phần tạo nên cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ viêm phổi và các bệnh tật khác.

Bài viết trên đây đã cung cấp tất cả thông tin hữu ích về Trẻ bị viêm phổi nguyên nhân do đâu? Cần lưu ý điều gì khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi? Viêm phổi có thể tự khỏi, nhưng cũng có nhiều trường hợp biến chứng khôn lường, gây suy hô hấp, tử vong.

7
157
6 Bình luận

6 bình luận

Bị ho và đi khám mới biết viêm phổi, uống một đống thuốc mới khỏi, hic

11 tháng trước
Thích
Trả lời

Cám ơn bạn đã chia sẻ

1 năm trước
Thích
Trả lời

Cứ chuyển mùa là bệnh, khổ lắm

1 năm trước
Thích
Trả lời

Cám ơn bạn đã chia sẻ

1 năm trước
Thích
Trả lời

Cám ơn bạn đã chia sẻ

1 năm trước
Thích
Trả lời

Trẻ nhỏ rất là dễ bị luôn, cảm ơn bạn chia sẻ thông tin

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!
Quảng cáo
Quảng cáo