4 cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng - Lưu ý trong cách bảo quản
🍼 Mùi vị sữa mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi những gì bạn nạp vào cơ thể như thức ăn hoặc thuốc men nên đôi khi sữa mẹ có mùi lạ chưa hẳn là không an toàn. Do đó, điều này làm cho không ít mẹ bỉm bối rối và thắc mắc cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng sau khi trữ đông như thế nào là đúng. Tìm hiểu ngay 4 cách dưới đây.
1️⃣ Sữa mẹ có mùi hôi khó chịu
Sữa mẹ nếu được bảo quản đúng cách thường có mùi dễ chịu. Do đó, nếu sữa mẹ sau khi rã đông xuất hiện mùi khó chịu như mùi chua, tanh, hôi giống như sữa bò hết hạn thì nguy cơ cao là sữa mẹ đã bị hỏng.
Tuy nhiên, cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng dựa vào khứu giác không phải lúc nào cũng chính xác. Đôi khi, sữa mẹ có mùi khác lạ là do chế độ ăn uống hoặc mẹ đang dùng thuốc, thảo dược… Lúc này, tuy sữa mẹ có mùi lạ nhưng vẫn có thể an toàn, miễn là em bé không cảm thấy khó chịu với mùi này.
Để kiểm tra mùi của sữa mẹ chính xác hơn, bạn hãy thử đông lạnh một ít sữa mẹ trong khoảng 5 ngày, sau đó rã đông và ngửi thử. Vì khoảng thời gian đông lạnh khá ngắn nên chắc chắn sữa mẹ sẽ không bị hỏng. Do đó, nếu sữa mẹ sau khi rã đông có mùi lạ thì thường là do ảnh hưởng của chế độ ăn uống. Bạn vẫn có thể cho con bú sữa này nhưng nếu bé tỏ ra khó chịu thì mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống nhé!
2️⃣ Sữa mẹ có vị chua sau khi trữ đông
Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng đơn giản và trực tiếp nhất là nếm thử. Mặc dù sữa mẹ thường có vị khác với sữa bò nhưng nhìn chung mùi vị vẫn dễ chịu, có thể béo ngậy, không mặn không ngọt. Do đó, nếu bạn nếm sữa mẹ và phát hiện các vị khó chịu như tanh, ôi, chua thì không nên cho bé dùng vì sữa đã bị hỏng.
3️⃣ Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng khi sữa bị nổi váng
Sau khi rã đông, tình trạng sữa mẹ bị nổi váng là do chất béo tách ra khỏi sữa mẹ. Thông thường, sau khi hâm sữa mẹ xong, bạn chỉ cần lắc đều bình sữa thì lớp chất béo này sẽ hòa cùng sữa mẹ trở lại. Sau đó, bạn chỉ việc kiểm tra nhiệt độ sữa rồi cho con bú.
Ngược lại, sau khi lắc bình sữa mà lớp váng vẫn tách biệt và không hòa tan thì sữa mẹ đã bị hỏng do bảo quản sai cách hoặc bảo quản quá lâu. Lúc này, bạn nên bỏ lượng sữa này đi, không nên cho bé dùng.
4️⃣ Kiểm tra kỹ sữa mẹ được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh trên 4 ngày
Sữa mẹ có đặc tính làm chậm sự phát triển của vi khuẩn xấu. Tuy nhiên, đặc tính này thường suy giảm theo thời gian bảo quản bên ngoài. Do đó, việc chú ý đến thời gian bảo quản cũng là cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng hay chưa.
Thông thường, sữa đã bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh trên 4 ngày thì nên kiểm tra kỹ hoặc bỏ đi nếu trẻ không thể dùng ngay được. Ngoại trừ trường hợp bạn có thể dùng đến lượng sữa này trong vài ngày tiếp theo thì có thể chuyển sang bảo quản trong tủ đông càng sớm càng tốt.
✔️ Mách bạn cách bảo quản sữa mẹ không bị hỏng, đảm bảo an toàn, vệ sinh
Nếu chưa có kinh nghiệm, mẹ bỉm thường dễ mắc phải một số sai lầm trong việc bảo quản sữa mẹ khiến sữa nhanh hỏng hơn. Do đó, Hello Bacsi sẽ mách bạn một số lưu ý quan trọng để bảo quản sữa mẹ đúng cách:
- Dán nhãn ghi chú thời gian vắt sữa cụ thể trên bình hoặc túi đựng sữa. Điều này giúp bạn biết được thời hạn của sữa còn hay không trước khi cho con dùng.
- Nên dùng túi trữ sữa mẹ làm từ nhựa an toàn, tiệt trùng và đảm bảo kín đáo. Túi trữ sữa chất lượng sẽ không dễ rách và giúp ngăn những mùi khác trong tủ lạnh bị lẫn vào sữa mẹ. Từ đó làm giảm nguy cơ sữa bị hỏng hoặc có mùi khó chịu.
- Khi bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh hoặc tủ đông, bạn nên đặt những túi sữa càng sâu bên trong càng tốt. Không nên để túi sữa gần cửa tủ lạnh vì hoạt động đóng mở cửa tủ thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản sữa.
- Nếu không có dự định sử dụng sữa mẹ trong vòng 5 – 8 ngày thì bạn nên trữ đông sữa ngay sau khi vắt thay vì để sữa trong ngăn mát tủ lạnh. Việc cấp đông sữa sẽ giúp bảo quản sữa được từ 3 – 6 tháng.
- Sữa mẹ còn dư sau khi trẻ bú thì nên bỏ đi hoặc chỉ được dùng trong vòng 2 giờ tiếp theo. Đồng thời, sữa đã rã đông một lần không dùng hết thì không nên cấp đông lần nữa để tránh khiến chất lượng sữa bị giảm.
- Nếu bạn di chuyển túi trữ sữa mẹ từ tủ đông/tủ lạnh này sang một tủ khác thì nên thực hiện nhanh chóng và luôn đảm bảo sữa chưa bị rã đông.
Việc nắm rõ cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng là điều cần thiết để tránh tình trạng cho con bú sữa kém chất lượng. Song song đó, cách bảo quản sữa mẹ và cách hâm sữa an toàn cũng quan trọng không kém nên bạn cần tìm hiểu kỹ càng và áp dụng đúng cách. Hy vọng mẹ đã có thêm những thông tin hữu ích khi nuôi con bằng sữa mẹ nhé!