backup og meta

Sữa chua và 5 tác dụng tuyệt vời có thể bạn chưa biết!

Ăn sữa chua có tác dụng gì? Hãy khám phá lợi ích tuyệt vời của sữa chua đối với sức khỏe, hệ tiêu hóa và làn da ngay tại bài viết này bạn nhé!

Sữa chua không chỉ là một món ăn ngon miệng mà còn là một nguồn dinh dưỡng quý giá, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy ăn sữa chua có tác dụng gì? Hãy cùng Hello Bacsi khám phá những tác dụng tuyệt vời mà sữa chua đem lại cho cơ thể, từ hỗ trợ tiêu hóa đến tăng cường miễn dịch nhé! 

Sữa chua là gì?

Sữa chua là một sản phẩm từ sữa được tạo ra thông qua quá trình lên men bởi vi khuẩn có lợi, thường là Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus. Quá trình này không chỉ giúp tạo ra hương vị chua đặc trưng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng.

Trong 100g sữa chua, các thành phần dinh dưỡng phổ biến bao gồm:

  • Carbohydrate: 3g
  • Chất béo: 5g
  • Protein: 9g
  • Natri: 47mg
  • Vitamin A: 4% nhu cầu hàng ngày
  • Canxi: 10% nhu cầu hàng ngày 

Có thể thấy, sữa chua chứa đa dạng rất nhiều dưỡng chất tốt có lợi cho sức khỏe. Vậy, ăn sữa chua có tác dụng gì? Để có câu trả lời, bạn đừng bỏ qua những thông tin dưới đây nhé! 

[embed-health-tool-bmr]

Khám phá 5 tác dụng của sữa chua đối với sức khỏe 

tác dụng của sữa chua đối với sức khỏe 

Sữa chua không chỉ là món ăn ngon đối với tất cả mọi người mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, cụ thể như sau:

1. Tăng sức đề kháng

Sữa chua là nguồn bổ sung vi khuẩn probiotic tự nhiên giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, thói quen ăn sữa chua còn hỗ trợ giải độc cơ thể, giảm lượng kim loại nặng trong máu hiệu quả. 

2. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Sữa chua lợi khuẩn chứa hai chủng vi khuẩn probiotic là Streptococcus thermophilus và Lactobacillus bulgaricus có tác dụng hỗ trợ hạ cholesterol ở những người tăng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, để tốt cho sức khỏe, người bệnh chỉ nên chọn ăn sữa chua không đường hoặc rất ít đường nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch.

3. Bổ sung dinh dưỡng

Sữa chua lợi khuẩn là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể như canxi, protein, kali, và vitamin nhóm Bhỗ trợ xương chắc khỏe, cơ bắp và hệ thần kinh.

4. Hỗ trợ giữ dáng

Sữa chua có lượng thành phần dinh dưỡng cân đối giữa protein, chất béo, carbohydrate cùng các vitamin và khoáng chất mà không chứa quá nhiều calo. Nguồn protein tốt của sữa chua giúp cung cấp các axit amin cần thiết cho cơ thể, tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn, thúc đẩy trao đổi chất và giúp kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ.

5. Làm đẹp da

Sữa chua không những là nguồn dinh dưỡng tốt nuôi dưỡng tế bào từ bên trong mà còn góp phần phát triển hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Hệ vi sinh đường ruột và làn da có quan hệ chặt chẽ với nhau đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Rối loạn hệ vi sinh vật ở da và ruột là yếu tố nguy cơ tiềm tàng của bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng, viêm da tiết bã, mụn trứng cá, bệnh rosacea (chứng đỏ mặt) và lichen xơ hóa. Bên cạnh đó sữa chua còn chứa các vitamin và chất chống oxy hóa giúp nuôi dưỡng làn da, làm chậm quá trình lão hóa.

Những lưu ý khi dùng sữa chua 

Lưu ý khi dùng sữa chua 

Sữa chua là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng để phát huy tối đa lợi ích và tránh tác dụng không mong muốn, bạn cần lưu ý các điểm sau: 

Bảo quản 

  • Nhiệt độ thích hợp: Sữa chua nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, khoảng 2-8°C.
  • Tránh ánh nắng mặt trời: Không để sữa chua ở nơi có nhiệt độ cao, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vi khuẩn có lợi.
  • Không để đông đá: Việc đông đá sữa chua có thể làm thay đổi kết cấu, giảm lượng dinh dưỡng và lợi khuẩn.
  • Kiểm tra hạn sử dụng: Sữa chua có hạn dùng ngắn, do đó, với sữa chua công nghiệp, bạn nên kiểm tra trước khi sử dụng để tránh sản phẩm hỏng. Đối với sữa chua tự làm tại nhà, bạn nên dùng trong khoảng tối đa từ 5-7 ngày.

Lưu ý khi dùng sữa chua

  • Người có bệnh dạ dày nặng nên hạn chế sữa chua có đường để tránh kích thích axit dạ dày.
  • Người không dung nạp lactose có thể chọn sữa chua không lactose hoặc sữa chua được lên men từ các loại hạt.
  • Trẻ em dưới 1 tuổi không nên ăn sữa chua vì hệ vi sinh của đường tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ.

Sữa chua và các thắc mắc thường gặp

Nên ăn sữa chua vào thời điểm nào là tốt nhất? 

1. Nên ăn sữa chua vào thời điểm nào là tốt nhất? 

Nên ăn sữa chua sau bữa ăn 1-2 giờ để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn hoặc vào buổi tối để hấp thu canxi hiệu quả. Sau khi tập thể dục cũng là thời điểm lý tưởng giúp phục hồi cơ bắp. Tránh ăn lúc đói để không gây kích ứng dạ dày.

2. Ăn sữa chua mỗi ngày có tốt không? Ăn nhiều sữa chua có tốt không? 

Câu là trả là có! Ăn sữa chua mỗi ngày sẽ là thói quen tốt nếu bạn sử dụng đúng cách và với lượng hợp lý, khoảng 100-200g mỗi ngày.

Ăn nhiều sữa chua có thể tốt nhưng cần kiểm soát lượng tiêu thụ hợp lý. Sữa chua rất giàu probiotic, giúp tiêu hóa khỏe mạnh, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, đầy hơi hoặc tiêu chảy.

3. Ăn sữa chua có béo không?

Nhiều chị em rất băn khoăn với việc ăn sữa chua có béo không? Câu trả lời thường là không vì các thành phần dinh dưỡng của sữa chua có thể giúp bạn giảm béo hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu ăn quá nhiều sữa chua, đặc biệt là sữa chua có đường, sữa chua nếp cẩm, sữa chua mứt trái cây, sữa chua trân châu đường đen… mà không kết hợp ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục đều đặn có thể khiến cân nặng của bạn vượt quá tầm kiểm soát đấy nhé!

4. Nên dùng sữa chua ăn hay sữa chua uống? 

Bạn có từng thắc mắc “nên dùng sữa chua ăn hay sữa chua uống? sẽ tốt hơn?”. Dưới đây là bảng phân biệt giữa sữa chua ăn và sữa chua uống để giúp bạn lựa chọn phù hợp với nhu cầu: 

Đặc điểm Sữa chua ăn Sữa chua uống
Thành phần Nhiều protein và probiotic Ít protein hơn, có thể thêm đường hoặc hương liệu
Kết cấu Đặc, sánh mịn, thường đựng trong hũ/cốc Lỏng, dạng uống, thường đóng chai/túi
Đối tượng Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, người lớn Trẻ từ 1 tuổi trở lên, người lớn
Hàm lượng đường Ít (nếu chọn loại không đường hoặc ít đường) Thường ngọt hơn, dễ hấp dẫn trẻ nhỏ

5. Ai không nên ăn sữa chua? 

Sữa chua dù tốt nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Vậy ai không nên ăn sữa chua? Câu trả lời là một số đối tượng cần hạn chế hoặc tránh ăn sữa chua gồm:

  • Người không dung nạp lactose
  • Người bị dị ứng sữa
  • Người bị bệnh dạ dày nặng
  • Trẻ em dưới 1 tuổi do hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ, dễ gặp vấn đề tiêu hóa.

6. Sữa chua đã bị tách nước có ăn được không?

Nhiều người thường thắc mắc sữa chua đã bị tách nước có ăn được không?, “sữa chua nhà làm bị tách nước có ăn được không?”. Câu trả lời là có thể ăn được nếu sữa chua vẫn còn trong hạn sử dụng hay bạn mới làm và không có dấu hiệu hư hỏng như mùi lạ hoặc vị chua gắt bất thường. Hiện tượng tách nước xảy ra ở sữa chua thường là do quá trình lên men tự nhiên hoặc bảo quản không đúng cách.

Hello Bacsi hi vọng rằng qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu thêm về các tác dụng tuyệt vời của sữa chua, cách sử dụng và bảo quản đúng để hưởng được các lợi ích sức khỏe tuyệt vời.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Yogurt

https://nutritionsource.hsph.harvard.edu/food-features/yogurt/  Ngày truy cập 07/5/2025 

Yogurt Nutrition Facts and Health Benefits

https://www.verywellfit.com/yogurt-nutrition-facts-calories-and-health-benefits-4109529  Ngày truy cập 07/5/2025 

Is Yogurt Healthy? Here’s What a Dietitian Has to Say

https://www.eatingwell.com/article/7962133/is-yogurt-healthy-heres-what-a-dietitian-has-to-say/ Ngày truy cập 07/5/2025 

Yogurt Nutrition Facts and Health Benefits

https://www.verywellfit.com/yogurt-nutrition-facts-calories-and-health-benefits-4109529 Ngày truy cập 07/5/2025 

Is Yogurt Healthy? Here’s What a Dietitian Has to Say

https://www.eatingwell.com/article/7962133/is-yogurt-healthy-heres-what-a-dietitian-has-to-say/ Ngày truy cập 07/5/2025 

Phiên bản hiện tại

09/05/2025

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Lời đáp từ chuyên gia: Có nên cho bé ăn sữa chua hàng ngày không?

Ăn sữa chua có béo không? 4 cách ăn sữa chua giảm cân


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/05/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo