backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Top 5 câu hỏi mà bạn nên hỏi khi đi khám bệnh hay gặp bác sĩ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 14/08/2020

    Top 5 câu hỏi mà bạn nên hỏi khi đi khám bệnh hay gặp bác sĩ

    Ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là người bệnh thường phải chờ đợi rất lâu mới được vào khám nhưng việc thăm khám lại diễn ra rất nhanh chóng. Điều này làm cho bệnh nhân ít có cơ hội trao đổi, tham vấn ý kiến của bác sĩ để có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

    Do khâu thăm khám diễn ra khá nhanh chóng và tâm lý “e ngại” bác sĩ nên dù có nhiều thắc mắc liên quan đến bệnh trạng nhưng người bệnh thường không có cơ hội hỏi bác sĩ nhiều hơn. Điều này vô hình trung dẫn đến việc điều trị của họ không mang lại hiệu quả cao.

    Giờ là lúc bạn cần thay đổi. Hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ những điều thuộc về tình trạng bệnh, về phương pháp điều trị, về nhu cầu dùng thuốc tốt của bạn vì đây chính là quyền và lợi ích của mỗi chúng ta. 

    Trong bài viết này, Hello Bacsi lấy tình huống là một người được chẩn đoán mắc hội chứng động mạch vành cấp nên trao đổi với bác sĩ điều trị những gì. 

    1. Bác sĩ có thể cho tôi biết việc mắc hội chứng động mạch vành cấp có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết?

    Hội chứng động mạch vành cấp (Acute Coronary Syndrome) hay thường gọi tắt là ACS, là một thuật ngữ y khoa để diễn tả một loạt tình trạng liên quan đến việc giảm lưu lượng máu đột ngột đi tới tim.

    Biểu hiện thường thấy nhất của người mắc bệnh là những cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra cả khi đang nghỉ ngơi hay có sự hoạt động thể chất. Không dừng lại ở đó, việc mắc hội chứng động mạch vành cấp rất nguy hiểm bởi có thể khiến bệnh nhân đột tử hoặc dẫn đến những biến chứng nặng nề mà tỷ lệ tử vong rất cao như loạn nhịp thất, sốc tim, suy tim trái cấp… Thậm chí, ngay cả khi đã vượt qua cơn nguy kịch, bệnh nhân vẫn có thể gặp những di chứng gây cản trở cuộc sống, ảnh hưởng đến tuổi thọ.

    Các dấu hiệu cũng như triệu chứng của hội chứng động mạch vành cấp thông thường sẽ đến một cách đột ngột. Một số biểu hiện bạn có thể nhận biết là:

    • Cơn đau thắt ngực (là dấu hiệu cơ bản và thường thấy nhất) được mô tả như khó chịu, nặng ngực, ép chặt
    • Đau ngực thường xảy ra ở khu vực sau xương ức, giữa vùng ngực hoặc tim. Cơn đau tại chỗ hoặc lan ra cổ, vai, hàm hoặc cánh tay bên trái, số ít lại lan ra lưng và cột sống
    • Chóng mặt, quay cuồng, mệt mỏi
    • Vã mồ hôi nhiều
    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Lo âu, bồn chồn
    • Khó thở

    Lưu ý rằng các dấu hiệu trên đây có thể khác nhau tùy vào độ tuổi, giới tính cũng như các bệnh đang mắc kèm. Tình trạng đau thắt ngực đôi khi không biểu hiện ở một số đối tượng như người già, phụ nữ và những bệnh nhân bị đái tháo đường.

    2. Nguyên nhân nào khiến tôi lại mắc hội chứng động mạch vành cấp? Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh?

    Hội chứng động mạch vành cấp

    Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ sự tích tụ mảng xơ vữa trên các thành động mạch vành, là mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho tim. Về cơ bản, những mảng xơ vữa này càng lúc càng phát triển khiến lòng mạch máu dần bị hẹp lại khiến dòng máu lưu thông khó khăn hơn. Khi tim không nhận được đủ máu giàu oxy đến nuôi dưỡng sẽ gây ra những cơn đau thắt ngực.

    Chưa dừng lại ở đó, mảng xơ vữa có thể vỡ ra, hình thành nên cục huyết khối hay còn gọi là cục máu đông làm tắc mạch hoàn toàn dẫn đến nhồi máu cơ tim.

    Những yếu tố nguy cơ dẫn đến việc mắc hội chứng động mạch vành cấp cũng gần như tương tự đối với các trường hợp bệnh tim mạch khác. Có thể kể đến một số nguy cơ như sau:

    • Tăng huyết áp
    • Cholesterol trong máu cao
    • Hút thuốc lá
    • Lối sống lười vận động
    • Đái tháo đường týp 2
    • Tiền sử gia đình có đau thắt ngực, đau tim hoặc đột quỵ
    • Tình trạng viêm mãn tính (dễ làm mảng xơ vữa bong ra dẫn đến sự hình thành cục huyết khối)

    3. Người trong độ tuổi nào dễ mắc hội chứng động mạch vành cấp? Tôi có thói quen hút thuốc và uống rượu, việc này có ảnh hưởng gì không?

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi càng cao thì lượng cholesterol trong máu sẽ tăng cao hơn 10% mức bình thường. Với nam giới, người dễ mắc bệnh là các đối tượng ngoài 45 tuổi, còn nữ giới thì trên 55 tuổi.

    Thói quen uống rượu, hút thuốc lá không thực sự tốt cho sức khỏe tim mạch, ngay cả với những người bình thường. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cholesterol ở những người có hút thuốc lá cao hơn hẳn so với người không hút. Chất nicotin trong khói thuốc cũng là nguyên nhân gây xơ vữa và co thắt mạch vành.

    Những người dùng rượu bia lâu dài với lượng lớn cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp. Ngoài ra, rượu còn làm giảm hoặc mất hoạt tính của một số thuốc điều trị bệnh. Vì vậy mà khi mắc bệnh, tốt nhất bạn nên hạn chế uống rượu hoặc ngừng uống.

    4. Tôi bị đái tháo đường týp 2, nay được chẩn đoán là mắc ACS, vậy tôi phải điều trị như thế nào?

    Đái tháo đường và bệnh tim mạch luôn có một mối quan hệ mật thiết. Những người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 – 4 lần người thường.

    Khi bị tiểu đường, các cơ quan trong cơ thể người bệnh bị tổn thương, hệ thống mạch máu cũng chịu chung tình trạng này. Với biến chứng mạch máu lớn thì lại dễ dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, tắc động mạch vành. Điều này có liên quan trực tiếp đến ACS.

    Vì thế, tốt nhất bạn nên điều trị bệnh đái tháo đường. Tất nhiên, khi hội chứng động mạch vành cấp xảy ra, bạn vẫn cần sự can thiệp điều trị của bác sĩ kịp lúc.

    5. Tôi phải dùng thuốc điều trị hội chứng động mạch vành cấp trong bao lâu và lưu tâm những gì trong quá trình điều trị?thuốc

    Thuốc điều trị hội chứng động mạch vành cấpThực tế là thời gian sử dụng thuốc tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn. Cần lưu ý rằng, hội chứng động mạch vành cấp là trường hợp cần được cấp cứu và chẩn đoán, điều trị khẩn cấp tại bệnh viện. Hơn nữa, các loại thuốc sử dụng trong trường hợp này đều là thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân nên tuân thủ các chỉ định dùng thuốc một cách nghiêm ngặt.

    Mục tiêu điều trị ban đầu của ACS là giảm tình trạng nguy kịch, cũng như phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Với mục tiêu dài hạn, bác sĩ sẽ quan tâm đến việc cải thiện chức năng tim và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Vì vậy, bệnh nhân cần kết hợp việc dùng thuốc với thay đổi lối sống, có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

    Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ, không tự ý đổi hay dừng uống thuốc. Bạn có thể sẽ phải sử dụng một vài loại thuốc suốt đời. Do đó, bạn nên cố gắng trao đổi với bác sĩ càng nhiều càng tốt để có được phương án điều trị tốt nhất.

    Bản thân người bệnh cần phải tích cực chủ động thay đổi lối sống của mình. Cần hạn chế tối đa hoặc bỏ hẳn những thói quen xấu và có hại cho sức khỏe như hút thuốc, uống rượu bia, lối sống lười vận động… để tránh gây ra biến chứng xấu. Bạn nên có chế độ tập luyện để cải thiện sức khỏe, tập thể dục 1 giờ mỗi ngày và tối thiểu 3 ngày trong tuần. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý nhiều hơn đến vấn đề dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh nhằm thay thế cho các món nhiều dầu mỡ.

    Bạn đừng ngần ngại để chia sẻ suy nghĩ, băn khoăn của bản thân hoặc hỏi bác sĩ về những vấn đề liên quan đến căn bệnh mà mình đang mắc phải, đồng thời cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh và các loại thuốc bạn đã dùng. Điều này không chỉ cung cấp cho bạn thêm kiến thức cũng như có sự hiểu biết để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân tốt hơn mà còn giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. 

    Trong vấn đề dùng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng một vài loại chống lại tình trạng tạo huyết khối trong lòng mạch hoặc thuốc giúp cải thiện khả năng lưu thông máu. Tuy nhiên, bạn cần chú ý là những loại thuốc như vậy sẽ gây ra những tác dụng phụ nhất định. Do đó, khi nhận được toa thuốc, bạn nên hỏi rõ về các loại thuốc mà bạn được kê cùng những tác dụng phụ có thể xảy ra để tránh hoang mang. 

    Nếu bạn có khả năng chi trả, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu bác sĩ chỉ định cho mình thuốc chất lượng cao để đạt kết quả điều trị tốt nhất.

    Những câu hỏi ở trên là những gợi ý căn bản mà bạn nên trao đổi, đặt vấn đề với bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh. Việc ngại hỏi và tâm lý e sợ bị bác sĩ sẽ tạo nên khoảng cách vô cùng lớn trong quá trình khám chữa bệnh, làm giảm hiệu quả điều trị.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 14/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo