backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mối quan hệ giữa bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thinh Ta · Ngày cập nhật: 25/08/2021

    Mối quan hệ giữa bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản

    Bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường xuất hiện cùng nhau. Vậy giữa chúng có mối liên hệ như thế nào? Hãy cùng bài viết sau tìm hiểu nhé.

    Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý về đường tiêu hóa còn hen suyễn là một bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp. Tuy nhiên, hai căn bệnh này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Những bệnh nhân hen suyễn có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản và bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm cho bệnh hen suyễn thêm trầm trọng hơn.

    Trào ngược dạ dày làm cho bệnh hen suyễn thêm trầm trọng

    Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit dịch vị trào ngược trở lại thực quản. Điều này làm tổn thương đến lớp niêm mạc ở cổ họng và đường hô hấp, gây ra tình trạng khó thở và ho dai dẳng. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với dịch axit sẽ khiến phổi trở nên nhạy cảm hơn với các chất kích thích khiến cơn hen bộc phát như bụi và phấn hoa.

    Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày thực quản có thể kích hoạt các phản xạ thần kinh tự vệ. Phản xạ này khiến đường hô hấp co thắt lại để ngăn chặn không cho axit dạ dày tràn vào phổi, dẫn đến những triệu chứng hen suyễn như khó thở.

    Bệnh hen suyễn gây trào ngược dạ dày thực quản

    Hen suyễn có thể tác động tiêu cực đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Những thay đổi về áp lực bên trong ngực và bụng khi cơn hen bộc phát có thể làm cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm. Nguyên nhân do khi phổi bị sưng viêm và áp lực bên trong dạ dày tăng lên sẽ khiến các cơ đóng vai trò ngăn chặn axit trở nên mềm yếu, tạo điều kiện cho axit dạ dày trào ngược vào trong thực quản.

    Những triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở bệnh nhân hen suyễn

    Ợ nóng là triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở người trưởng thành. Tuy nhiên, một số người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản đôi khi không có triệu chứng này. Thay vào đó, họ lại có các triệu chứng tương như tự như các triệu chứng của bệnh hen suyễn, điển hình là ho khan hoặc khó nuốt.

    Tình trạng hen suyễn có thể dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản nếu:

    • Triệu chứng hen suyễn bộc phát vào giai đoạn trưởng thành
    • Triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng sau khi ăn no hay tập thể dục
    • Triệu chứng hen suyễn xảy ra khi uống rượu bia
    • Triệu chứng hen suyễn xảy ra vào buổi tối hoặc khi đi ngủ
    • Thuốc điều trị hen suyễn không phát huy tác dụng hiệu quả.

    Rất khó để xác định triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, đặc biệt nếu trẻ còn quá nhỏ. Sau đây là một số dấu hiệu chứng tỏ trẻ nhỏ đang mắc bệnh này:

    • Hay quấy khóc
    • Thường cong lưng (đặc biệt là sau khi ăn)
    • Chán ăn
    • Tăng trưởng kém (về cả cân nặng và chiều cao)
    • Ợ liên tục
    • Buồn nôn
    • Ho và khó thở.

    Phải làm sao nếu bạn mắc đồng thời bệnh trào ngược dạ dày thực quản và hen suyễn?

    Nếu bạn mắc đồng thời bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản thì các bác sĩ sẽ tập trung điều trị bệnh trào ngược dạ dày bởi nếu bệnh này được cải thiện thì các triệu chứng hen suyễn cũng sẽ được kiểm soát tốt hơn.

    Bên cạnh việc dùng thuốc thì bạn cũng có thể thực hiện những biện pháp sau để làm dịu các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản:

  • Kê gối ngủ cao từ 15 đến 20 cm
  • Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ
  • Tránh xa những thực phẩm giàu chất béo và axit
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Mặc quần áo rộng rãi, tránh bó chặt cơ thể.
  • Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lơ là trong việc điều trị hen suyễn. Điều này có nghĩa là bạn phải dùng thuốc trị hen suyễn thường xuyên bởi vì ngoài tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thì có rất nhiều yếu tố khác gây kích hoạt cơn hen. Để việc dùng thuốc trị hen suyễn hiệu quả hơn, bạn có thể tự trang bị cho mình một chiếc máy xông mũi họng. Đây là thiết bị được các bác sĩ khuyên dùng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh về hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Thinh Ta · Ngày cập nhật: 25/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo