backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Người bị tăng áp phổi sống được bao lâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Người bị tăng áp phổi sống được bao lâu?

    Tăng áp phổi là một căn bệnh phổ biến trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Nếu được chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời, tỷ lệ sống của bạn sẽ tăng lên đáng kể.

    Tăng áp phổi là một loại cao huyết áp có thể xảy ra với tất cả mọi người. Bạn nên tìm hiểu về bệnh để có thể có những động thái can thiệp y tế kịp thời.

    Tăng áp phổi là gì?

    Tăng áp phổi (PH) là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng xảy ra khi các động mạch vận chuyển máu từ tim đến phổi bị tắc nghẽn, gây cản trở lưu thông máu. Máu phải đi qua phổi mới lấy được oxy để cung cấp cho toàn bộ cơ quan, tế bào cũng như mô trong cơ thể.

    Khi các động mạch liên kết giữa tim và phổi bị thu hẹp, cường độ hoạt động của tim phải tăng lên nhiều lần mới có thể bơm máu đến được phổi. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ tim yếu dần theo thời gian và kèm theo suy giảm hệ tuần hoàn.

    Các loại tăng áp phổi

    Các chuyên gia phân loại chứng tăng áp phổi thành năm nhóm khác nhau, bao gồm:

    Tăng áp động mạch phổi nhóm 1 (PAH)

    Tăng áp động mạch phổi nhóm 1 có thể xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:

    • Bệnh mô liên kết
    • HIV
    • Bệnh gan
    • Bệnh tim bẩm sinh
    • Bệnh hồng cầu hình liềm
    • Bệnh sán máng
    • Một số tác dụng phụ của thuốc hoặc độc tố

    Tăng áp động mạch phổi cũng có thể được di truyền. Trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể bị tăng áp động mạch phổi vô căn do không xác định được nguyên nhân gây ra.

    Tăng áp phổi nhóm 2

    Tăng áp phổi nhóm 2 xảy ra do các bệnh trạng ảnh hưởng đến bệnh tim, bao gồm hở van hai lá và cao huyết áp trong thời gian dài.

    Tăng áp phổi nhóm 3

    Một số tình trạng của phổi cũng như hệ hô hấp có liên quan đến tăng áp phổi nhóm 3, chẳng hạn như:

    • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
    • Bệnh phổi kẽ, ví dụ như xơ phổi, có thể gây sẹo trên mô phổi
    • Chứng ngưng thở lúc ngủ

    Tăng áp phổi nhóm 4

    Huyết khối trong phổi cũng như các rối loạn đông máu khác đều là tác nhân dẫn đến tăng áp phổi nhóm 4.

    Tăng áp phổi nhóm 5

    Những vấn đề sức khỏe có thể là nguyên nhân gây tăng áp phổi nhóm 5, bao gồm:

    • Rối loạn về máu, chẳng hạn như bệnh đa hồng cầu và bệnh huyết khối
    • Sarcoidosis (bệnh u hạt) và viêm mạch
    • Rối loạn chuyển hóa, ví dụ như bệnh tuyến giáp và bệnh lưu trữ glycogen
    • Các bệnh lý khác, chẳng hạn như khối u chèn ép động mạch phổi và bệnh thận

    Tất cả các loại tăng áp phổi đều cần điều trị kịp thời. Điều trị nguyên nhân gây tăng áp phổi có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh.

    Người bị tăng áp phổi sống được bao lâu?

    Hiện tại, tăng áp phổi được xếp vào danh sách những bệnh lý chưa có phương pháp điều trị tận gốc. Tăng áp phổi phát triển theo thời gian. Tốc độ bệnh tiến triển ở mỗi người là khác nhau. Nếu không có bất kỳ sự chăm sóc y tế nào, tăng áp phổi có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

    Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát được căn bệnh này. Một số người có thể áp dụng xây dựng lối sống lành mạnh và theo dõi sức khỏe của họ một cách hiệu quả. Tuy nhiên đối với nhiều người, tăng áp phổi còn có thể dẫn đến suy tim và tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của họ. Thuốc và thói quen lành mạnh chỉ có khả năng hạn chế tốc độ phát triển của bệnh.

    Theo một nghiên cứu năm 2008, nếu bạn mắc phải tăng áp phổi và xơ cứng bì hệ thống – một loại bệnh về da ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm mạch máu và các cơ quan nội tạng – tỷ lệ sống sót sau hai năm của bạn được ước tính là 40%. Tỷ lệ sống sót của người bị tăng áp phổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.

    Phương pháp điều trị tăng áp phổi

    Tính đến thời điểm hiện tại, phương pháp điều trị tăng áp phổi triệt để vẫn là một ẩn số. Thay vào đó, các chuyên gia đã tìm ra phương án trì hoãn sự phát triển của căn bệnh này. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tăng áp phổi của bạn, bác sĩ sẽ lựa chọn giải pháp điều trị hợp lý. Chẳng hạn như, nếu bạn bị hở van hai lá, phẫu thuật chữa van tim bẩm sinh sẽ giúp cải thiện tình trạng tăng áp phổi.

    Tăng áp phổi 1

    Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc thư giãn mạch máu cho bạn. Thuốc chẹn canxi dùng trong điều trị tăng huyết áp thường cũng có thể sử dụng trong tình huống này.

    Các loại thuốc có thể được kê toa khác là nhóm thuốc ức chế phosphodiesterase-5, chẳng hạn như sildenafil (Revatio, Viagra). Những loại thuốc này giúp cải thiện lưu lượng máu bằng cách thư giãn các cơ bên trong động mạch phổi, giúp các mạch máu này giãn ra. Điều này làm giảm bớt gánh nặng công việc của tim khi cơ quan này phải hoạt động quá tải để có thể bơm đủ máu đến phổi.

    Một số thuốc có thể được dùng bằng cách uống, số khác cần được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.

    Các loại thuốc và phương pháp điều trị khác

    Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị tăng áp phổi thường có chứa digoxin (Lanoxin), giúp tim bơm máu mạnh hơn. Hoạt chất này cũng được sử dụng nhiều trong một số phương pháp điều trị suy tim hoặc bệnh tim khác.

    Chất lỏng dư thừa có thể tích tụ ở bàn chân và mắt cá chân của người bị tăng áp phổi. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc lợi tiểu để giúp đưa mức chất lỏng trở lại bình thường. Liệu pháp oxy cũng có thể được yêu cầu để tăng nồng độ oxy trong máu.

    Tập thể dục và thói quen sống lành mạnh cũng rất cần thiết cho việc điều trị tăng áp phổi lâu dài. Chúng có thể được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của người bệnh với hướng dẫn của bác sĩ.

    Cấy ghép nội tạng

    Phẫu thuật ghép phổi hoặc ghép tim sẽ được thực hiện cho các trường hợp tăng áp phổi nghiêm trọng. Ghép phổi được tiến hành khi bệnh trạng gây ảnh hưởng trầm trọng đến phổi, nhưng chức năng tim vẫn hoạt động bình thường. Một ca phẫu thuật ghép tim – phổi cùng lúc là cần thiết nếu cả hai cơ quan này không còn khả năng hoạt động tốt để duy trì sự sống cho bạn.

    Người nhận tạng sẽ nhận được các cơ quan khỏe mạnh từ người hiến, nhưng phẫu thuật cấy ghép nội tạng có nhiều rủi ro rất lớn. Đây là biện pháp điều trị vô cùng phức tạp với vô số biến chứng có khả năng kèm theo. Mặt khác, bạn sẽ phải chờ một khoảng thời gian (tầm 11 tháng) mới có thể thực hiện phẫu thuật do có rất nhiều người đăng ký nhận tạng hiến tặng.

    Tìm kiếm hỗ trợ từ những người có chuyên môn

    Nếu bạn bị tăng áp phổi, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được tư vấn, chẩn đoán cũng như tiến hành phương pháp điều trị kịp thời. Ngoài hạn chế hoạt động thể chất, tăng áp phổi cũng có thể dẫn đến các biến chứng cảm xúc, gây ảnh hưởng cho đời sống tinh thần của bạn. Do đó, bạn có thể tìm đến bác sĩ tâm lý để giải quyết vấn đề này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo