backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách nhận biết sốt xuất huyết qua từng giai đoạn để điều trị bệnh hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    Cách nhận biết sốt xuất huyết qua từng giai đoạn để điều trị bệnh hiệu quả

    Nhắc đến sốt xuất huyết thì người người nhà nhà đều thấy lo sợ và đặc biệt căn bệnh này thường bùng phát vào mùa mưa. Người mắc bệnh nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, bản thân mỗi người chúng ta cần biết cách nhận biết sốt xuất huyết thông qua các triệu chứng.

    Mùa mưa chính là “vùng đất màu mỡ” tạo điều kiện cho dịch sốt xuất huyết ngày càng lan tràn rộng. Tại Việt Nam, theo thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh này ngày một gia tăng, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên số người mắc bệnh đã tăng lên gấp 7 lần trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

    Cách phòng bệnh tốt nhất chính là nâng cao hiểu biết của mọi người trong việc phòng tránh muỗi đốt và cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết thông qua các triệu chứng để có thể điều trị kịp thời.

    Sốt xuất huyết là bệnh gì?

    cách nhận biết sốt xuất huyết muỗi vằn
    Muỗi vằn là “thủ phạm” truyền bệnh sốt xuất huyết

    Khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi để căn bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng và trở thành một trong những bệnh nguy hiểm vào mùa mưa tại Việt Nam hiện nay.

    Sốt xuất huyết hay còn được biết tới với tên khác là sốt xuất huyết Dengue. Xuất xứ của tên gọi này là vì bệnh do virus Dengue gây ra. “Đồng phạm” giúp phát tán loại virus này chính là muỗi Aedes aegypti, dân gian chúng ta quen gọi là muỗi vằn.

    Bạn đừng nghĩ rằng muỗi vằn có mang virus vì nếu điều đó xảy ra, có lẽ một đại dịch sốt xuất huyết lớn đã xuất hiện. Muỗi vằn Aedes aegypti chỉ là trung gian truyền bệnh, có nghĩa là nó vô tình “trung chuyển” virus qua việc đốt người mang mầm bệnh hút máu họ rồi từ đó truyền sang cho người lành khác.

    Ở nước ta bệnh này phổ biến khắp mọi nơi cũng như mọi thời điểm và thường bùng phát vào mùa mưa (đặc biệt là vào tháng 7, 8, 9, 10). Người ta thường e sợ khi nghe đến bệnh sốt xuất huyết bởi lẽ cho đến nay chúng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay kể cả vaccine phòng ngừa, do đó mà phương án chữa trị chỉ có thể theo dõi, giảm nhẹ triệu chứng và chăm sóc tốt cho người bệnh.

    Cách để bạn nhận biết sốt xuất huyết

    Thông thường chúng ta sẽ nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng lâm sàng của nó. Sốt xuất huyết thường kéo dài khoảng từ 7 đến 10 ngày, các giai đoạn mà một người phải trải qua khi mắc bệnh là:

    1. Thời kỳ ủ bệnh

    Tùy vào sức khỏe, cơ địa của mỗi người mà thời gian ủ bệnh có thể dài hay ngắn và thông thường sẽ kéo dài khoảng 3 – 14 ngày. Thời kỳ này cũng khó có cách để nhận biết sốt xuất huyết vì thường không có triệu chứng và nếu có thì cũng rất mờ nhạt.

    2. Khởi phát

    Người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, đau nhức ê ẩm khắp toàn thân, đau các khớp rồi sau đó là sốt cao đột ngột.

    Khi sốt nhiệt độ tăng nhanh lên đến 39 – 40 độ C kèm các biểu hiện như chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau vùng thượng vị và hạ sườn phải, có khi có cảm giác đau sau hố mắt hoặc đau vùng trán.

    Nếu ở trẻ em thì thêm một cách nhận biết sốt xuất huyết nữa là một số trẻ có biểu hiện co giật khi sốt cao. Thông thường, các bé có thể sốt liên tục trong khoảng 2 đến 7 ngày. Ở một số trẻ có khi sốt lại biểu hiện qua 2 pha: sốt 1 – 2 ngày đầu rồi hết trong khoảng ngày thứ 3 – 4 sau đó lại sốt lại vào ngày 5 – 6.

    3. Giai đoạn nguy hiểm

    Giai đoạn này xảy ra từ ngày thứ 3 – 7 sau khi sốt. Lúc này tùy vào mỗi người mà có thể có diễn biến nặng hơn. Một số biến chứng có thể xảy ra lúc này là:

    • Xuất huyết dưới da rải rác ở mặt trước cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi hay mạng sườn
    • Chảy máu mũi, lợi, đi tiểu ra máu (biểu hiện của xuất huyết niêm mạc) với phụ nữ thì kinh nguyệt có thể kéo dài hoặc có sớm.
    • Xuất huyết nội tạng nếu bệnh diễn biến nặng hơn
    • Tràn dịch màng phổi, màng bụng khiến da bị căng, phù nề mí mắt và gan to (nguyên nhân là tăng tính thấm thành mạch do thoát huyết tương)
    • Bứt rứt, khó chịu, tím tái lạnh các đầu chi, mạch nhỏ khó phát hiện cũng do ảnh hưởng từ việc thoát huyết tương
    • Cơn đau bụng từng đợt và có xu hướng tăng lên
    • Nôn nhiều hơn
    • Lượng nước tiểu giảm và người bệnh trở nên lừ đừ

    Dấu hiệu cuối cũng báo hiệu cho tình trạng có thể có sốc do giảm thể tích lượng máu trong hệ tuần hoàn. Nếu nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu sốc cần phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Nếu được phát hiện và truyền loại dịch phù hợp kịp thời thì các tình trạng trên sẽ được phục hồi.

    4. Giai đoạn phục hồi

    Giai đoạn này xảy ra sau 1 – 2 ngày khi trải qua giai đoạn nguy hiểm và thường kéo dài khoảng từ 48 – 72 giờ. Lúc này, cơ thể người bệnh có dấu hiệu phục hồi và khỏe lên dần bằng chứng là người bệnh hết sốt, tỉnh táo hơn, ăn uống thấy ngon miệng hơn và có thể sinh hoạt bình thường. Giai đoạn này không nên truyền quá nhiều dịch bởi có thể gây phù phổi hoặc suy tim.

    Những biến chứng nguy hiểm mà người bệnh sốt xuất huyết có thể gặp phải

    Cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết là thông tin rất quan trọng. Bởi vì nếu người bệnh không được phát hiện cũng như điều trị kịp thời có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm sau:

    1. Sốc do xuất huyết

    Biến chứng được coi là nguy hiểm nhất của căn bệnh này chính là sốc do giảm thể tích máu lưu thông. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là do bệnh gây tăng tính thấm của thành mao mạch và từ đó huyết tương thoát ra ngoài. Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thì đây được xem là biến chứng thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở bệnh nhân bị sốt xuất huyết.

    Một tình trạng nữa có thể gặp là xuất huyết do rối loạn yếu tố đông máu như trường hợp chảy máu cam dữ dội, xuất huyết tiêu hóa, nội tạng… Với xuất huyết não thì tỷ lệ này rơi vào khoảng 1% người mắc bệnh, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

    2. Biến chứng về mắt

    Biến chứng về mắt cũng bắt nguồn từ tình trạng xuất huyết. Tình trạng xuất huyết võng mạc thường dẫn đến biến chứng là mù đột ngột  do các võng mạc bị tổn thương làm suy giảm thị lực. Xuất huyết trong dịch kính mắt (chất lỏng giúp ta nhìn rõ mọi vật) khiến dịch bị che phủ làm cho bệnh nhân giống như mù mắt. Vì thế, nếu không biết cách sớm nhận biết sốt xuất huyết thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

    3. Suy tim, thận

    Tình trạng xuất huyết xảy ra khiến các cơ quan trong cơ thể phải hoạt động nhiều hơn, điển hình như thận phải lọc các huyết tương hay tim phải bơm máu liên tục khiến cho hai cơ quan này bị suy.

    4. Tràn dịch màng phổi

    Huyết tương bị tràn trong cơ thể có thể khiến viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi, phù phổi cấp.

    5. Các biến chứng thai kỳ

    Mẹ bầu mang thai mắc phải sốt xuất huyết vừa ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi trong bụng. Sinh non hoặc thai chết lưu là những biến chứng có nguy cơ xảy ra với thai nhi. Trong khi đó, mẹ bầu có thể gặp biến chứng tiền sản giật, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.

    Việc mẹ bị sốt cũng làm cho tim thai nhi đập nhanh hơn. Các bác sĩ cũng đưa ra lời cảnh báo về việc mẹ bầu mắc sốt xuất huyết khi mang thai những tháng đầu có nguy cơ dẫn đến sẩy thai.

    Một số biến chứng khác có thể liệt kê như đau khớp, mất nước, huyết áp thấp, phát ban cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

    Mời bạn tham khảo bài viết: Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em: Triệu chứng và hướng điều trị

    Sốt xuất huyết diễn tiến với những biến chứng vô cùng nguy hiểm nên chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Trước tình trạng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hữu hiệu thì việc tuân thủ cấc nguyên tắc phòng bệnh và nắm rõ các dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết là cực kỳ quan trọng và cấp thiết.

    Phú Đoàn/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo