backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách chữa vảy nến bằng ánh nắng mặt trời, tốt hay xấu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 17/12/2019

    Cách chữa vảy nến bằng ánh nắng mặt trời, tốt hay xấu?

    Những người bị vảy nến thường nhận thấy các triệu chứng bệnh của họ được cải thiện vào mùa hè, khi họ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn. Điều này không phải ngẫu nhiên, bởi lượng ánh nắng mặt trời vừa phải sẽ đem lại lợi ích cho người bệnh vảy nến. Các bác sĩ cũng đã tìm ra cách chữa vảy nến bằng ánh nắng mặt trời.

    Bệnh vảy nến là tình trạng viêm mãn tính do hệ thống miễn dịch không hoạt động chính xác. Nó dẫn đến sự phát triển và tăng sinh quá mức các tế bào da.

    Những tế bào này tích tụ trên bề mặt da, dần hình thành các mảng vảy gây khó chịu, ngứa và đau đớn cho người bệnh. Phương pháp điều trị bao gồm kem bôi ngoài da, steroid, một loạt loại thuốc uống và chế phẩm sinh học nhắm vào hệ thống miễn dịch.

    Ánh sáng mặt trời cũng giúp kiểm soát bệnh vảy nến. Song cần phải cẩn thận vì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều sẽ làm các triệu chứng tồi tệ hơn hoặc kích hoạt bùng phát vảy nến.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Các loại vảy nến và triệu chứng của chúng

    Ánh mặt trời giúp ích cho bệnh vảy nến như thế nào?

    Phơi nắng có tác động tích cực đến các triệu chứng của bệnh vảy nến. Nó cũng làm tăng mức vitamin D trong cơ thể người bệnh.

    Tia UV

    Mặt trời phát ra tia cực tím (UV), bao gồm tia UVA hoặc tia UVB. Sự khác biệt của hai tia này nằm ở độ dài của bước sóng. Tia UVA có thể chiếu sâu hơn vào da, trong khi tia UVB không thâm nhập sâu đến như vậy.

    Nghiên cứu cho thấy tia UV có tác dụng ức chế miễn dịch và làm giảm các triệu chứng bệnh vảy nến.

    Tia UVA tự nhiên không thể cải thiện các triệu chứng bệnh vảy nến, nhưng tia UVB tự nhiên thì có ích cho người bệnh.

    Tiếp xúc với tia UVB từ mặt trời sẽ làm chậm sự phát triển nhanh chóng của các tế bào da, giúp giảm viêm và giảm tỷ lệ bùng phát bệnh ở những người bị bệnh vảy nến từ nhẹ đến vừa.

    Vitamin D

    Ánh sáng mặt trời giúp cơ thể tạo ra vitamin D quan trọng trong cơ thể. Vitamin D tự nhiên có trong một số loại thực phẩm, nhưng ánh sáng mặt trời mới là nguồn cung cấp hầu hết vitamin D tự nhiên cho con người.

    Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy thiếu vitamin D là tình trạng phổ biến ở những người bị bệnh vảy nến.

    Tuy nhiên, không rõ liệu tăng vitamin D có giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh vảy nến hay không. Dù vậy, các bác sĩ da liễu vẫn khuyên những người mắc bệnh vảy nến nên sử dụng các loại kem bôi có chứa vitamin D.

    Phơi nắng bao nhiêu là đủ?

    cách chữa vảy nến

    Ánh sáng mặt trời giúp điều trị bệnh vảy nến, nhưng lưu ý khi áp dụng cách chữa vảy nến bằng ánh nắng mặt trời là tăng cường độ ánh sáng từ từ và biết được giới hạn cường độ tối đa để trị liệu. Việc làm này nhằm tránh bị phản ứng ngược, dẫn tới việc các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc bùng phát bệnh vảy nến.

    Trước khi trị liệu bằng ánh nắng mặt trời, người bệnh cần đảm bảo rằng:

    • Tất cả các vùng da bị ảnh hưởng bởi bệnh vảy nến đều được phơi sáng như nhau.
    • Tất cả các khu vực khác không bị ảnh hưởng bởi vảy nến đều được bảo vệ bởi kem chống nắng hoặc quần áo.
    • Thời điểm tốt nhất để bệnh nhân vảy nến tắm nắng là tầm 7h đến 9h sáng. Lúc này tia nắng đã đủ ấm áp nhưng không quá gay gắt và chứa nhiều tia gây hại như nắng trưa và nắng ráng chiều.

    Khi bắt đầu điều trị, người bệnh cần phơi mình dưới ánh nắng 5-10 phút mỗi ngày vào cùng một thời điểm. Sau khi quen, hãy tăng dần thời gian tắm lên 30 giây đến 1 phút.

    Thời gian tắm nắng tối đa chỉ nên kéo dài liên tục trong 15-20 phút tùy theo khả năng chịu đựng của da để giảm thiểu nguy cơ tổn thương da. Tốt nhất, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ để tìm ra mức độ phơi nắng phù hợp cho mình.

    Trị liệu quang học

    Trị liệu quang học là thuật ngữ dùng để mô tả việc điều trị vảy nến bằng ánh sáng tổng hợp từ các thiết bị y tế, được tiến hành trong phòng khám hoặc bệnh viện do bác sĩ thực hiện.

    Trị liệu bằng quang học sử dụng tia cực tím của ánh sáng mặt trời bao gồm tia UVA và tia UVB. Trong đó, tia UVB thường được sử dụng nhiều hơn để điều trị vảy nến vì chúng có khả năng thay đổi hệ thống miễn dịch ở người bệnh và ít tác dụng phụ hơn tia UVA.

    Cách chữa vảy nến bằng tia UVB băng hẹp (PUVB)

    Một trong những phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh vảy nến hiện nay tại bệnh viện là điều trị bằng UVB băng hẹp.

    UVB băng hẹp sử dụng tia tử ngoại với bước sóng 311 ± 1nm. Khi điều trị, bác sĩ sẽ dùng đèn tia tử ngoại có bước sóng trong vùng thích hợp để chiếu vào khu vực da bị vảy nến.

    Khoảng 80% bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng khi điều trị bằng phương pháp này đều có đáp ứng tốt. Đây là phương pháp mới, ổn định và ít tác dụng phụ hơn so với phương pháp PUVA.

    Cách chữa vảy nến bằng tia UVA (PUVA)

    Để trị bệnh vảy nến, ngoài liệu pháp PUVB, người bệnh cũng thường được điều trị bằng liệu pháp PUVA, còn gọi là liệu pháp ánh sáng kết hợp.

    Trước tiên, người bệnh cần dùng thuốc psoralen để tăng độ nhạy cảm của cơ thể với tia UVA, sau đó mới cho da tiếp xúc với tia UVA.

    PUVA rất hiệu quả cho người bệnh vảy nến, nhưng nhiều bác sĩ không thích sử dụng phương pháp này, vì nó làm tăng nguy cơ ung thư da của người bệnh. Liệu pháp UVB băng hẹp được xem là an toàn hơn.

    Những rủi ro có thể xảy ra

    Nếu người bệnh tiếp xúc an toàn với một lượng vừa đủ tia UV, các triệu chứng vảy nến sẽ giảm đi và bệnh trở nên dễ kiểm soát hơn. Ngược lại, tiếp xúc quá nhiều và không kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại không đáng có trên cơ thể, đồng thời làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: 12 yếu tố nguy cơ gây bệnh vảy nến có thể bạn chưa biết

    Ung thư da

    Mối nguy hiểm hàng đầu khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu và gay gắt là ung thư da. Những đối tượng dễ bị tổn thương bởi ánh nắng nhất là trẻ em, người bị cháy nắng và những người không bảo vệ da đầy đủ.

    Nhạy cảm với ánh sáng

    Một số loại thuốc, bao gồm thuốc uống, kem bôi và thuốc mỡ làm cho da nhạy cảm hơn với ánh sáng, làm tăng nguy cơ bị cháy nắng và các dạng tổn thương da khác.

    Bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian trị liệu bằng phương pháp trị liệu quang học.

    Tắm nắng bằng máy nhuộm da

    Các tổ chức y tế không khuyến nghị những người mắc bệnh vảy nến sử dụng giường tắm nắng để điều trị bệnh.

    Không như các thiết bị trị liệu bằng ánh sáng ở bệnh viện, giường tắm nắng sử dụng ánh sáng có bước sóng nguy hiểm, gây hỏng da và làm tăng nguy cơ ung thư da.

    Biện pháp bảo vệ da đúng cách

    Bất cứ ai khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời đều phải bảo vệ làn da mình, đặc biệt là những người bị bệnh vảy nến. Các biện pháp bảo vệ da gồm có:

    Kem chống nắng

    cách chữa vảy nến

    Có nhiều loại kem chống nắng khác nhau, và người sử dụng cần chọn loại phù hợp với mình.

    Đối với người bệnh vảy nến, kem chống nắng tốt là:

    • Có khả năng bảo vệ da trước tác hại của cả tia UVA và UVB
    • Có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất 30
    • Chống nước
    • Không gây dị ứng hoặc được thiết kế cho da nhạy cảm, và không có mùi thơm

    Các liệu pháp phòng ngừa khác

    Dưới đây là một số lời khuyên an toàn khi dùng liệu pháp ánh sáng để chữa bệnh:

    • Đội mũ, mặc quần và áo dài tay để giúp da khỏi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều. Một số loại quần áo có khả năng chống nắng và có chỉ số UPF, bạn có thể hiểu đơn giản nó giống như SPF trên kem chống nắng vậy.
    • Sử dụng kính râm để bảo vệ vùng da nhạy cảm quanh mắt.
    • Tìm kiếm bóng mát vào buổi trưa như ở trong nhà, ngồi dưới gốc cây hoặc che ô.

    Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn vẫn có nguy cơ phơi nắng quá mức ở những khu vực râm mát. Cây cối và ô có thể chặn ánh sáng mặt trời, nhưng tia cực tím vẫn có khả năng xuyên qua và tiếp xúc với da người bệnh.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Yếu tố nào gây ra bệnh vảy nến

    Hiện tại không có cách chữa vảy nến khỏi hoàn toàn, nhưng người bệnh vẫn kiểm soát được bệnh bằng các phương pháp điều trị tại chỗ và thay đổi lối sống.

    Hạn chế phơi nắng sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng vảy nến. Quang trị liệu là hình thức dùng các tia UV của ánh nắng hỗ trợ trị bệnh vảy nến hiệu quả hơn. Điều quan trọng khi điều trị bằng quang học là cần phải dưới sự giám sát bác sĩ.

    Giường nhuộm da không phải là dụng cụ để trị liệu vảy nến bằng quang học. Hãy thận trọng khi để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, vì quá nhiều ánh nắng mặt trời sẽ làm cho các triệu chứng bệnh vảy nến tồi tệ hơn.

    Bác sĩ da liễu sẽ giúp xác định loại, mức độ tiếp xúc tốt nhất với tia UV và loại chống nắng nào phù hợp với người bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 17/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo