backup og meta

Xạ hình xương

Xạ hình xương

Xạ hình xương là một kỹ thuật X quang chuyên biệt, để kiểm tra những bất thường ở xương, bao gồm đánh giá được trạng thái sinh lý, chuyển hóa và trao đổi chất trong hệ cơ xương khớp. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể về kỹ thuật xạ hình chẩn đoán bệnh hệ xương khớp này nhé!

Tìm hiểu chung

Chụp xạ hình xương là gì?

Xạ hình xương (bone scan) là một xét nghiệm kỹ thuật chụp X-quang, giúp chẩn đoán và theo dõi một số bệnh về xương. Bác sĩ có thể yêu cầu xạ hình xương nếu bạn bị đau xương không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng xương hoặc có các chấn thương xương không thể nhìn thấy trên X-quang tiêu chuẩn (chấn thương kín). Xạ hình xương cũng là một phương pháp quan trọng để phát hiện ung thư đã di căn đến xương như ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Chụp xạ hình xương để làm gì? Kỹ thuật này dựa trên nguyên lý các vùng xương bị tổn thương hay bị phá hủy thường đi kèm với tăng tái tạo xương mà kéo theo đó là tăng chuyển hóa. Nếu các hóa chất phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch có chuyển hóa tương đồng với canxi thì sẽ tập trung vào các vùng tăng tạo xương. Từ đó giúp phát hiện ra sự phát triển bất thường của khối u hay vết gãy xương, tổn thương ở xương,…

Khi nào bạn có thể thực hiện xạ hình xương?

Nếu bạn bị đau xương không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phương pháp xạ hình xương. Xạ hình xương có độ nhạy cao, tuy không đặc hiệu nhưng là phương pháp duy nhất đánh giá được các trạng thái sinh lý, chuyển hóa và trao đổi chất của hệ xương khớp. Khả năng quét toàn bộ khung xương giúp phương pháp này trở nên hữu ích trong chẩn đoán một loạt các rối loạn về xương như:

  • Gãy xương
  • Viêm khớp
  • Bệnh paget xương
  • Ung thư xương nguyên phát
  • Ung thư di căn xương
  • Nhiễm trùng khớp, theo dõi sau thay khớp hoặc xương (viêm tủy xương)
  • Hoại tử vô mạch, bệnh chuyển hóa: loãng xương, nhuyễn xương…
  • Đánh giá đáp ứng điều trị hóa chất, điều trị phóng xạ, điều trị bằng kháng sinh hoặc các điều trị khác
  • Xác định vị trí để chọc dò, sinh thiết xương

Điều cần thận trọng

xạ hình xương để làm gì

Xạ hình xương có nguy hiểm không?

Mặc dù phương pháp này tạo ra hình ảnh trên những bộ quét phóng xạ nhưng chúng có độ phơi nhiễm phóng xạ rất ít, thậm chí ít hơn so với chụp CT.

Xạ hình xương không gây ra bất kỳ tác dụng phụ hoặc biến chứng nào. Hầu hết các chất đánh dấu phóng xạ sẽ đào thải khỏi cơ thể người bệnh trong vòng 24 giờ. Một số ít có thể vẫn còn lại trong 3 ngày.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Người bệnh không cần phải hạn chế ăn uống hoặc tránh các hoạt động cụ thể trước khi thực hiện xạ hình xương. Nếu đang sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc có chứa bismuth như Pepto-Bismol hoặc nếu đã chụp X-quang bằng barium trong vòng 4 ngày, hãy thông báo cho bác sĩ. Barium và bismuth có thể can thiệp vào kết quả của xạ hình xương.

Ngay trước khi thực hiện, người bệnh có thể được yêu cầu tháo đồ trang sức hoặc các vật kim loại khác.

Xạ hình xương thường không được thực hiện trên phụ nữ mang thai hoặc cho con bú do những mối lo ngại về phơi nhiễm phóng xạ lên trẻ. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, nghi ngờ có thai hoặc đang cho con bú.

Nếu bạn dị ứng với thuốc, các loại thuốc nhuộm tương phản hoặc latex, hãy thông báo trước cho bác sĩ.

Một số tình trạng bệnh cụ thể có thể ảnh hưởng đế xạ hình xương, nên hãy đảm bảo bạn đã thông báo cụ thể với bác sĩ về tình trạng sức khỏe thực tế của mình nhé!

Trong khi thực hiện

Xạ hình xương là một thủ thuật thuộc khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân. Trong thủ thuật này, người bệnh sẽ được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ đánh dấu vào tĩnh mạch. Tùy vào vị trí cần làm xạ hình mà lượng chất đánh dấu sẽ khác nhau.

Các khu vực của cơ thể nơi các tế bào và mô đang trong quá trình “tự sửa chữa” sẽ chiếm một lượng lớn chất đánh dấu nhất. Hình ảnh xạ hình làm nổi bật các khu vực này, qua đó thể hiện sự hiện diện của những bất thường liên quan đến bệnh tật hoặc chấn thương.

Một quy trình xạ hình xương bao gồm giai đoạn tiêm chất đánh dấu và giai đoạn quét chụp xạ hình.

Tiêm chất đánh dấu (hóa chất phóng xạ)

Chất phóng xạ đánh dấu sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay của người bệnh. Thời lượng giữa giai đoạn tiêm và quét chụp sẽ khác nhau, tùy thuộc vào lý do thực hiện xạ hình xương.

Một số hình ảnh có thể được ghi ngay sau khi tiêm. Tuy nhiên, những hình ảnh chính được ghi 2-4 giờ sau đó để cho phép chất đánh dấu lưu thông và hấp thụ vào xương. Người bệnh có thể được khuyên uống nhiều nước trong khi chờ đợi.

Quét chụp xạ hình

Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm yên trên bàn chụp và được một thiết bị kết nối máy ảnh chuyên biệt quét qua lại phía trên cơ thể. Giai đoạn này có thể mất tới 1 giờ, nhưng không gây đau cho người bệnh.

Bác sĩ có thể yêu cầu xạ hình xương 3 pha. Đây là kỹ thuật ghi hình động (dynamic) gồm 3 pha được chỉ định để đánh giá viêm tủy xương, viêm mô liên kết, bao gồm một loạt các hình ảnh được chụp vào những thời điểm khác nhau.

  • Pha 1 (Pha tưới máu): ghi hình ngay sau khi tiêm 1-5 giây/hình trong thời gian 1 phút.
  • Pha 2 (Pha hồ máu): ghi hình tĩnh 1 phút/hình trong thời gian 5 phút.
  • Pha 3 (Pha muộn sau tiêm 3 giờ): ghi hình toàn thân hoặc ghi hình tĩnh tại vùng xương tổn thương.

Để có cái nhìn rõ hơn về một số loại xương trong cơ thể, bác sĩ có thể tiếp tục yêu cầu người bệnh chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT). Phương pháp chụp này có thể giúp thể hiện hình ảnh các bệnh đặc biệt khu trú sâu trong xương hoặc ở những nơi khó nhìn thấy qua xạ hình xương.

Sau khi thực hiện

Xạ hình xương nhìn chung không có tác dụng phụ và không cần chăm sóc theo dõi. Độ phóng xạ từ các bộ quét thường sẽ hết hoàn toàn trong 2 ngày sau khi làm xạ hình.

Kết quả

xạ hình xương là gì

Kết quả của xạ hình xương là gì?

Bác sĩ X-quang hoặc kỹ thuật viên sẽ đọc kết quả chụp xạ hình xương của người bệnh để tìm những chuyển hóa xương bất thường. Kết quả được coi là bình thường khi hình ảnh chụp chất phóng xạ đánh dấu trải đều trong cơ thể. Kết quả bất thường là khi xuất hiện các điểm màu đậm nhạt khác nhau trên ảnh quét. Chúng có thể chỉ ra những rối loạn trong xương như ung thư hoặc viêm khớp, nhiễm trùng xương.

Đặc điểm của di căn ung thư vào xương là xuất hiện nhiều ổ và di căn vào trụ xương là chính (chiếm khoảng 80%) còn lại khoảng 10% di căn xương sọ, 10% di căn xương dài. Trên ảnh chụp quét xạ hình xương khi có di căn, nếu nhìn toàn bộ xương sẽ thấy bắt xạ đậm nhạt khác thường và không đều. Những nơi có hiện tượng hủy xương sẽ xuất hiện những ổ giảm hoạt độ phóng xạ. Khi đã thấy có ổ bất thường trên xạ hình, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang những đoạn xương đó để giúp chẩn đoán chắc chắn di căn.

Ngoài ra, dựa vào kết quả xạ hình xương, bác sĩ cũng có thể quyết định có phẫu thuật cắt cụt chi hay không đối với bệnh nhân sarcoma xương. Xạ hình xương có thể trở thành phương pháp sàng lọc cho người bệnh ở thời điểm chẩn đoán ban đầu. 

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác về xạ hình xương, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bone scan. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/bone-scan/about/pac-20393136 Ngày truy cập 24/12/2019

Bone Scan. https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/diagnosing-cancer/tests-and-procedures/bone-scan Ngày truy cập 24/12/2019

Bone scan https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/bone-scan Ngày truy cập 29/11/2022

Bone scan https://www.radiologyinfo.org/en/info/bone-scan Ngày truy cập 29/11/2022

Bone scan https://medlineplus.gov/ency/article/003833.htm Ngày truy cập 29/11/2022

 

 

Phiên bản hiện tại

29/11/2022

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Bạn biết gì về các xét nghiệm tầm soát ung thư xương?

Bạn biết gì về ung thư xương nguyên phát?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 29/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo