backup og meta

Hiện tượng Raynaud

Hiện tượng Raynaud

Tìm hiểu hội chứng Raynaud

Hiện tượng Raynaud là gì?

Hiện tượng Raynaud hay hội chứng Raynaud là tình trạng khiến máu chảy đến ngón tay, ngón chân, tai và đầu mũi bị giảm do mạch máu bị hẹp và thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc bị stress. Da ở các vị trí trên sẽ trở nên trắng, chuyển xanh, sau đó tím đi và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Nếu không điều trị kịp thời, bạn sẽ bắt đầu bị nhức và nổi nhọt. Nếu tuần hoàn máu quá thấp trong thời gian dài, chỗ da đó có nguy cơ bị hoại tử vĩnh viễn.

Những ai thường mắc phải hiện tượng Raynaud?

Hiện tượng Raynaud xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng đa số bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud có tuổi từ 20 tới 40 tuổi và là phụ nữ. Bệnh thường xảy ra ở những vùng có khí hậu lạnh. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng và dấu hiệu hội chứng Raynaud

Những dấu hiệu và triệu chứng hiện tượng Raynaud là gì?

Triệu chứng của hiện tượng Raynaud bao gồm:

  • Ngón tay mất màu khi lạnh (chuyển sang trắng, sau đó xanh nhạt rồi tím đỏ).
  • Đau đớn, ngứa và tê ở vùng da mất màu.
  • Bị sưng, nóng hay nhói đau khi vùng da chuyển tím hay đỏ.
  • Da ở ngón tay, ngón chân, mũi và tai dễ bị ảnh hưởng hơn.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám ngay nếu bạn có triệu chứng Raynaud nặng hoặc vùng da có hiện tượng Raynaud bị nhức hay nhiễm trùng. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây hội chứng Raynaud

Nguyên nhân gây ra hiện tượng Raynaud là gì?

Hiện tượng Raynaud được chia làm hai dạng: hiện tượng Raynaud nguyên phát và thứ phát.

Ở hiện tượng Raynaud nguyên phát, nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ. Tuy vậy, các bác sĩ cho rằng nhiệt độ lạnh và áp lực tinh thần là nhân tố chính khiến bạn bị hiện tượng Raynaud.

Ở hiện tượng Raynaud thứ phát, nguyên nhân là do các bệnh lý tiềm ẩn, tình trạng sức khỏe và một số yếu tố khác. Cụ thể như:

Các bệnh lý và tình trạng

Hiện tượng Raynaud có thể liên quan đến các bệnh và tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu và dây thần kinh điều khiển mạch máu ở tay và chân. Hai bệnh lý thường gây ra hiện tượng Raynaud nhất là xơ cứng bì và lupus. Một số bệnh lý và tình trạng khác có thể gây ra hiện tượng Raynaud bao gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Xơ vữa động mạch;
  • Các tình trạng rối loạn máu như cryoglobulinemia và đa hồng cầu;
  • Bệnh Buerger.

Các hành động lặp đi lặp lại

Các hành động lặp lại nhiều lần làm tổn thương động mạch máu và dây thần kinh điều khiển động mạch ở bàn tay và chân có thể dẫn đến hiện tượng Raynaud. Do đó, đánh máy, chơi piano và các cữ động lặp đi lặp lại tương tự khác có thể dẫn dến hiện tượng Raynaud thứ phát.

Tay hoặc chân bị chấn thương

Chấn thương ở tay hoặc chân do tai nạn, phẫu thuật, tê cóng hoặc các nguyên do khác có thể dẫn đến hiện tượng Raynaud.

Chất hóa học

Phơi nhiễm một số chất hóa học nhất định có thể dẫn đến hiện tượng Raynaud, chẳng hạn như chất vanyl cloric dùng trong ngành công nghiệp nhựa.

Chất nicotine trong thuốc lá cũng có thể làm tăng khả năng phát triển hiện tượng Raynaud.

Một số loại thuốc

Thuốc đau đầu chứa ergotamine, thuốc điều trị ung thư như cisplatin và vinblastine, một số loại thuốc cảm, dị ứng, hỗ trợ ăn kiêng, thuốc chẹn beta và thuốc tránh thai có thể gây ra hiện tượng Raynaud.

Nguy cơ mắc hội chứng Raynaud

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hiện tượng Raynaud?

Các yêu tố nguy cơ của hiện tượng Raynaud bao gồm:

  • Di truyền: nếu bạn có người nhà, đặc biệt là cha mẹ hay anh chị em bị hiện tượng Raynaud, bạn cũng có khả năng cao bị hiện tượng Raynaud.
  • Mắc các bệnh như như xơ cứng bì, thấp khớp hay viêm mô liên kết (bệnh lu-put).
  • Những người trong nghề tiếp xúc với sang chấn liên tục như công nhân phải cầm máy khoan, máy đập bê-tông, sẽ dễ bị tổn thương mạch máu.
  • Hút thuốc lá, hay dùng các thuốc như:
    • Thuốc chặn beta điều trị huyết áp cao;
    • Thuốc trị đau nửa đầu chứa ergotamine hay sumatriptan;
    • Thuốc trị tăng động hoặc thiếu tập trung;
    • Hóa chất dùng trong hóa trị
    • Thuốc trị cảm, dị ứng và hỗ trợ ăn kiêng có thể làm hẹp mạch máu.

Điều trị hội chứng Raynaud

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hiện tượng Raynaud?

Cách tốt nhất để điều trị hiện tượng này là kết hợp điều trị và phòng ngừa. Cụ thể, bạn phải:

  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay, chân, tai và mũi.
  • Nếu áp lực tinh thần là nguyên nhân gây bệnh, bạn cần thư giãn và cố gắng để tinh thần thoải mái.
  • Đối với trường hợp nghiêm trọng, bác sỹ có thể chỉ định thuốc chặn kênh canxi như amlodipine để cải thiện lưu lượng máu. Nếu những loại thuốc này không hiệu quả và những triệu chứng chuyển biến nặng, phẫu thuật thần kinh giao cảm sẽ được bác sĩ đề nghị cho bạn. Thủ thuật này sẽ cắt bỏ dây thần kinh điều khiển đã khiến mạch máu co lại làm giảm lưu lượng máu.
  • Phần lớn mọi người đều trở lại bình thường sau điều trị.
  • Những người làm việc ngoài trời hay có công việc thường xuyên tiếp xúc trong môi trường lạnh buốt nên cố gắng thay đổi hay tìm công việc khác.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hiện tượng Raynaud?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua bệnh sử và xét nghiệm lâm sàng. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành một số kiểm tra sau:

  • Kiểm tra kích thích lạnh: bác sĩ sẽ đặt tay bạn vào nước lạnh để kích hoạt hiện tượng Raynaud. Nếu tay bạn cần hơn 20 phút, sau khi rút tay ra để trở về nhiệt độ bình thường, có thể bạn đã bị hiện tượng Raynaud. Kiểm tra này có thể cho các kết quả không thống nhất do đó bác sĩ có thể cho bạn làm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác.
  • Soi mạch ở nếp gấp móng, bác sĩ sẽ quan sát móng của bạn dưới kính hiển vi để kiểm tra các mạch máu bất thường.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt cho người bị hội chứng Raynaud

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hiện tượng Raynaud?

Bạn có thể kiểm soát tốt hiện tượng Raynaud của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

  • Giữ cơ thể ấm, mặc nhiều lớp áo, mang găng tay dày có ngón, đội nón và khăng quấn cổ và luôn mang theo áo len vào mùa lạnh.
  • Dùng găng tay để lấy vật dụng ra khỏi tủ lạnh và tủ đông, và làm ấm phòng tắm bằng hơi nước nóng trước khi tắm.
  • Ngưng hút thuốc. Hút thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đến tuần hoàn máu trong cơ thể.
  • Kiểm tra ngón tay, ngón chân, mũi và tay mỗi ngày xem có bị nhức hay nổi nhọt hay không.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Bản in. Trang 426

Raynaud. https://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/raynaud/diagnosis. Ngày truy cập 1/10/2015

Raynauds Disease. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/raynauds-disease/basics/tests-diagnosis/con-20022916. Ngày truy cập 1/10/2015

Raynauds Phenomenon. http://www.webmd.com/arthritis/tc/raynauds-phenomenon-topic-overview?print=true. Ngày truy cập 1/10/2015

Raynauds Disease. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/raynauds-disease/basics/definition/con-20022916?p=1. Ngày truy cập 1/10/2015

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Uống gì để tăng tiểu cầu? 9 thức uống người tiểu cầu thấp nên biết

Những thắc mắc về chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo