backup og meta

Nguy cơ và nguyên nhân gây nhiễm trùng máu hàng đầu

Nguy cơ và nguyên nhân gây nhiễm trùng máu hàng đầu

Nhiễm trùng máu là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và cần can thiệp y tế ngay lập tức. Các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng máu bao gồm sốt cao, nhịp tim nhanh, lú lẫn, ớn lạnh và khó thở. Bạn nên tìm hiểu nguyên nhân nhiễm trùng máu và có ý thức phòng tránh bệnh trước khi quá muộn.

Khi bệnh nhiễm trùng máu không được kiểm soát, chúng sẽ trở nên nghiêm trọng và dẫn đến sốc nhiễm trùng (tình trạng huyết áp bị hạ xuống mức nguy hiểm làm tăng nguy cơ suy đa tạng và dẫn đến tử vong). Vì lý do này, lường trước những yếu tố rủi ro và hiểu được nguyên nhân nhiễm trùng máu là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này.

Những bệnh nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng máu

nguyên nhân nhiễm trùng máu 04

Mọi người đều có khả năng bị nhiễm trùng máu bất cứ lúc nào. Căn bệnh nhiễm trùng nào cũng có nguy cơ tiến triển thành nhiễm trùng máu. Trong đó, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và viêm phổi là hai bệnh có nguy cơ biến chứng nhiễm trùng máu cao nhất. Khoảng hơn một nửa số người lớn tuổi mắc biến chứng nhiễm trùng máu do nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra.

Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiêu hóa không được điều trị cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng máu. Trong nhiễm trùng hệ tiêu hóa, vi khuẩn gây ảnh hưởng nhiều nhất là Escherichia coli (E. coli). Vi khuẩn này sống trong ruột của động vật hoặc người và thường gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, sốt.

Khi nhiễm trùng tấn công vào đường ruột, chúng sẽ tạo ra các lỗ thủng và dẫn đến các căn bệnh phổ biến như viêm ruột thừa, viêm loét đại tràng, viêm phúc mạc và bệnh Crohn (một loại bệnh viêm đường ruột).

Nhiễm trùng trên da cũng tiến triển thành nhiễm trùng máu nếu chữa không đúng hoặc không điều trị. Những nhiễm trùng này tuy đơn giản và không gây ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu lơ là bỏ qua thì nguy cơ bị biến chứng nhiễm trùng máu cũng sẽ xảy ra.

Các vi khuẩn Staphylococcus aureus, tụ cầu hoặc MRSA sinh sống trên cơ thể người mà không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Song nếu bạn có vết thương ngoài da, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào máu qua vết thương và gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.

Những bệnh nhiễm trùng khác liên quan đến nhiễm trùng máu bao gồm:

  • Nhiễm trùng túi mật
  • Viêm mô tế bào
  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật
  • Nhiễm trùng xương
  • Nhiễm trùng tim
  • Viêm màng não
  • Viêm não

Yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng máu

Không phải cứ bị nhiễm trùng là bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng máu. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh thông dụng, thậm chí là tự khỏi sau một thời gian. Vậy, do đâu mà vẫn có người bị nhiễm trùng máu trong khi những người khác thì không?

Dưới đây là 5 yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng máu ở người:

1. Mắc bệnh mạn tính

nguyên nhân nhiễm trùng máu 02

Trên thực tế, bệnh nhiễm trùng máu rất phổ biến ở những người mắc bệnh mạn tính như ung thư, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh thận và HIV/AIDS.

Mối liên hệ giữa nhiễm trùng máu và bệnh mạn tính chính là hệ thống miễn dịch. Khi bệnh tật dai dẳng và kéo dài sẽ gây căng thẳng cho cơ thể, đồng thời tạo áp lực lên hệ miễn dịch vì nó luôn phải hoạt động để chống lại bệnh tật. Khi đó, khả năng phòng vệ của cơ thể cũng suy yếu và nguy cơ nhiễm trùng sẽ cao hơn.

Ngoài ra, bệnh mạn tính còn tác động tới hệ thống miễn dịch thông qua cơ chế như sau:

  • Đối với bệnh HIV, virus gây bệnh tấn công vào các tế bào và làm giảm khả năng phòng thủ của hệ miễn dịch.
  • Ở bệnh tiểu đường, lưu lượng máu thấp làm cho các vết thương khó lành hơn, dẫn đến nhiễm trùng da và nhiễm trùng máu.
  • Khi mắc bệnh ung thư, bệnh nhân sẽ phải làm hóa trị nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính, nhưng nó cũng đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn.

2. Tuổi tác

Bệnh nhiễm trùng máu đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi, vì họ là đối tượng dễ mắc các bệnh mạn tính nhất.

Ở người cao tuổi, nhiễm trùng máu cũng rất khó phát hiện, vì những dấu hiệu của bệnh thường bị lầm lẫn với các triệu chứng do tuổi già gây ra như tim đập nhanh, khó thở, mệt mỏi, lú lẫn…

Người già không phải là nhóm người duy nhất có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu. Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ do có hệ thống miễn dịch yếu hơn người trưởng thành.

3. Điều trị hồi sức cấp cứu

Điều trị hồi sức cấp cứu (ICU) là các đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng đang trong tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, cứ 3 trong số 10 bệnh nhân ICU lại có 1 người bị nhiễm trùng trong thời gian nằm viện.

Khi nằm ICU, bệnh nhân sẽ được gắn các thiết y tế đặc biệt (như ống thở, ống thông, kim truyền dịch…) dẫn vào bên trong cơ thể. Vi khuẩn nhận thấy những cơ hội này nên dễ dàng xâm nhập hơn.

4. Đề kháng kháng sinh

Sử dụng thuốc kháng sinh không thể trị khỏi bệnh nhiễm trùng nếu kháng sinh đó đã bị đề kháng.

Đề kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn tiếp xúc nhiều với một loại kháng sinh, chúng trở nên quen dần và tự thay đổi cấu trúc để thuốc không còn tác dụng như ban đầu. Khi bạn bị đề kháng với nhiều loại kháng sinh thì nguy cơ nhiễm trùng máu sẽ cao hơn.

Nếu bạn nhận thấy thuốc mình đang dùng không hiệu quả, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị.

5. Mang thai

nguyên nhân nhiễm trùng máu 03

Nhiễm trùng máu cũng xảy ra ở phụ nữ mang thai, do trong giai đoạn này, sức đề kháng của người phụ nữ yếu đi.

Nhiễm trùng máu trong thai kỳ sẽ gây ra:

  • Sẩy thai
  • Sinh non
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Nhiễm trùng âm đạo sau khi sinh
  • Nhiễm trùng vú

Trẻ sơ sinh cũng phát triển nhiễm trùng máu trong 3 ngày đầu đời do di truyền từ người mẹ sang con trước hoặc trong khi sinh.

Tầm quan trọng của việc phát hiện nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng máu rất đáng sợ vì nó có thể xảy ra với bất cứ ai. Chỉ khi hiểu được nguyên nhân và nhận biết các rủi ro, bạn mới có cách bảo vệ chính mình trước căn bệnh này.

Hãy luôn để ý và không được bỏ qua các dấu hiệu của nhiễm trùng. Điều trị nhiễm trùng máu kịp thời chính là chìa khóa thành công giúp người bệnh đẩy lùi được tử thần.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Are You at Risk of Sepsis? The Top Causes of the Serious Condition

https://www.everydayhealth.com/sepsis/causes-risk-factors/

Ngày truy cập: 16/08/2019

Sepsis: What you need to know

https://www.medicalnewstoday.com/articles/305782.php

Ngày truy cập: 16/08/2019

Sepsis

https://www.healthline.com/health/sepsis

Ngày truy cập: 16/08/2019

 

Phiên bản hiện tại

27/12/2019

Tác giả: Cẩm Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Uống gì để tăng tiểu cầu? 9 thức uống người tiểu cầu thấp nên biết

Nhiễm trùng máu (Nhiễm khuẩn huyết)


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 27/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo