backup og meta

Định lượng sắt huyết thanh

Định lượng sắt huyết thanh

Tìm hiểu chung

Sắt là dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển cũng như hoạt động của hàng loạt tế bào, bao gồm cả tế bào máu và cơ bắp.

Đặc biệt, khoáng chất trên còn là thành phần quan trọng của hemoglobin, loại protein đặc thù trong hồng cầu, chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

Quá ít hoặc quá nhiều sắt trong cơ thể sẽ dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như:

  • Thiếu máu
  • Nhiều bộ phận chịu thương tổn, chẳng hạn như tim, gan, tụy và cả khớp

Như vậy, để đảm bảo nồng độ sắt vẫn nằm trong phạm vi cho phép, bạn sẽ cần kiểm tra bằng một thủ thuật y tế gọi là định lượng sắt huyết thanh.

Định lượng sắt huyết thanh là gì?

Khi tiến hành kiểm tra hàm lượng sắt trong cơ thể, bác sĩ thường sẽ định lượng nồng độ khoáng chất này trong huyết thanh. Huyết thanh là phần dịch trong máu còn lại sau khi đã loại bỏ tế bào hồng cầu cùng các yếu tố đông máu.

Thủ thuật định lượng sắt huyết thanh có thể cho biết nồng độ sắt của bạn hiện tại là bao nhiêu. Tình trạng thiếu sắt hay thừa sắt đều có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có thể nhanh chóng đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Khi nào bạn cần thực hiện định lượng sắt huyết thanh?

Thực tế, định lượng sắt huyết thanh không phải là dạng xét nghiệm được yêu cầu thực hiện thường xuyên để sàng lọc. Phần lớn trường hợp, thủ thuật này chỉ tiến hành khi những kết quả xét nghiệm trước đó không ổn, ví dụ như:

Bên cạnh đó, bạn cũng cần làm xét nghiệm trên khi bác sĩ nghi ngờ bạn đang bị thiếu máu. Ngoài ra, định lượng sắt huyết thanh sẽ phải tiến hành nếu bạn đáp ứng bất kỳ yếu tố nào dưới đây:

  • Ứ sắt mô, một bệnh lý có tính di truyền
  • Thường xuyên truyền máu
  • Hấp thụ quá nhiều sắt trong thời gian dài

Điều cần thận trọng

Định lượng sắt huyết thanh có nguy hiểm không?

Các chuyên viên y tế cần có mẫu máu từ bạn để phân tích lượng sắt trong huyết thanh. Do đó, quá trình lấy máu sẽ cần thiết trong xét nghiệm này.

Sau khi bị rút máu, bạn có thể cảm thấy đau nhói hoặc sưng đỏ ngay tại vị trí kim đâm. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng vì tình trạng này hoàn toàn bình thường. Các triệu chứng khó chịu sẽ nhanh chóng biến mất mà không cần bất kỳ sự can thiệp y tế nào.

Mặc dù vậy, trong một số trường hợp hiếm gặp, bạn cũng có nguy cơ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng
  • Xuất huyết quá nhiều
  • Choáng váng hoặc thậm chí là ngất xỉu

Sử dụng thuốc có thể làm ảnh hưởng đến kết quả định lượng sắt huyết thanh

Hàm lượng sắt thực tế trong cơ thể có nguy cơ tăng hoặc giảm bởi tác dụng từ nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc tránh thai. Điều này khiến kết quả định lượng sắt huyết thanh bị sai lệch đáng kể.

Do đó, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, dù kê toa hay không kê toa, hãy báo với bác sĩ trước khi làm thủ thuật trên. Nếu thuốc bạn đang dùng gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, các chuyên gia sẽ yêu cầu bạn tạm ngưng.

Thêm vào đó, trong trường hợp bạn không thể ngưng dùng thuốc, họ sẽ cố gắng tính đến hiệu ứng của thuốc khi phân tích kết quả của bạn.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Phần lớn trường hợp, thủ thuật định lượng sắt huyết thanh không có yêu cầu đặc biệt nào cho quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo kết quả chính xác nhất có thể, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn uống từ đêm hôm trước khi làm xét nghiệm.

Theo các nhà nghiên cứu, buổi sáng là thời điểm tốt nhất để tiến hành xét nghiệm, vì nồng độ sắt thường đạt mức cao nhất vào thời gian này.

Trong khi thực hiện

Lấy mẫu định lượng sắt huyết thanh
Y tá lấy máu từ người thực hiện xét nghiệm

Các chuyên viên y tế, thường là y tá, sẽ sử dụng kim tiêm tiệt trùng để lấy máu đem đi phân tích. Vị trí rút máu thường là tĩnh mạch ở mặt trong khuỷu tay, vì mao mạch ở đây rất dễ tìm thấy. Sau đó, mẫu máu sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm để tiến hành kiểm tra nồng độ sắt.

Sau khi thực hiện

Nếu không có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ, bạn có thể ra về sau khi lấy máu. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong vài ngày. Dựa vào đó, bác sĩ có thể đề ra phương hướng điều trị phù hợp với vấn đề bạn gặp phải. Chẳng hạn như, nếu bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, họ sẽ đề nghị bạn dùng chất bổ sung hoặc thay đổi chế độ ăn uống với những thực phẩm giàu chất sắt, bao gồm:

  • Thịt đỏ
  • Các loại rau xanh sẫm màu
  • Một số loại đậu
  • Mật đường
  • Gan động vật
  • Ngũ cốc

Mặt khác, đôi khi các chuyên gia cũng sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của định lượng sắt huyết thanh là gì?

Tương tự những thủ thuật xét nghiệm khác, kết quả định lượng sắt huyết thanh được chia thành hai nhóm, bao gồm:

Kết quả bình thường

Nồng độ sắt trong huyết thanh được đo lường với đơn vị mg/dl. Phạm vi cho phép là:

  • Hàm lượng sắt: 60 – 170 mg/dl
  • Độ bão hòa transferrin: 25 – 35%
  • Khả năng gắn sắt tối ưu (TIBC): 240 – 450 mg/dl

Trong đó, transferrin là một protein trong máu, đảm đương nhiệm vụ vận chuyển sắt đi khắp cơ thể. Định lượng loại protein này cũng có thể biết lượng khoáng chất sắt hiện tại. Ngoài ra, vai trò của TIBC là đánh giá hiệu quả hoạt động của transferrin.

Kết quả bất thường

Hàm lượng sắt trong huyết thanh cao bất thường đồng nghĩa với việc bạn đã tiêu thụ quá nhiều sắt, vitamin B6 cũng như vitamin B12. Mặt khác, điều này cũng có thể cảnh báo về một số tình trạng sức khỏe như:

  • Thiếu máu tán huyết: cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh
  • Các bệnh về gan: suy gan, viêm gan B, viêm gan C…
  • Ngộ độc sắt: sử dụng chất bổ sung sắt quá liều
  • Quá tải sắt: loại khoáng chất này tích tụ trong cơ thể quá nhiều

Ngược lại, nồng độ sắt thấp bất thường cho thấy bạn tiêu thụ không đủ lượng sắt cần thiết hoặc hấp thụ không đúng cách. Ngoài ra, đây còn là dấu hiệu của một số vấn đề gồm:

  • Rong kinh kéo dài
  • Thiếu máu
  • Mang thai
  • Xuất huyết đường tiêu hóa

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Iron studies. https://www.healthdirect.gov.au/iron-studies. Ngày truy cập 09/01/2020.

Serum Iron Test. https://www.healthline.com/health/serum-iron. Ngày truy cập 09/01/2020.

Iron Tests. https://labtestsonline.org/tests/iron-tests. Ngày truy cập 09/01/2020.

Phiên bản hiện tại

27/03/2020

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Uống gì để tăng tiểu cầu? 9 thức uống người tiểu cầu thấp nên biết

Thừa sắt


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 27/03/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo