Giảm tiểu cầu miễn dịch là một bệnh lý về máu xảy ra khi số lượng tiểu cầu bị suy giảm do nguyên nhân miễn dịch, gây bầm tím dưới da và chảy máu kéo dài, trong trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến chảy máu não và tử vong. Điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch hiệu quả, kịp thời sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Việc điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ tuân theo một phác đồ nhất định. Phác đồ này được bác sĩ quyết định dựa trên nhiều yếu tố liên quan đến tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể và mong muốn của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể chưa cần điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch ngay mà chỉ cần theo dõi thường xuyên.
Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch: Bạn có được lựa chọn?
Giảm tiểu cầu miễn dịch là rối loạn máu xảy ra khi cơ thể giảm sản xuất tiểu cầu hoặc tăng phá hủy tiểu cầu qua trung gian miễn dịch [1]. Theo các chuyên gia, nguyên nhân tiểu cầu giảm là do hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể tấn công nhầm vào tiểu cầu và phá hủy các tế bào này. Hệ miễn dịch bị rối loạn cũng ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất tiểu cầu, khiến việc sản sinh tiểu cầu bị suy giảm. Cả hai vấn đề trên đều làm giảm tổng số lượng tiểu cầu lưu thông trong máu [2].
Dựa vào thời gian xảy ra, giảm tiểu cầu miễn dịch được chia thành 3 nhóm là cấp tính, dai dẳng và mạn tính. Giảm tiểu cầu miễn dịch cấp tính kéo dài không quá 3 tháng, chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Từ khi chẩn đoán, nếu bệnh kéo dài 3 – 12 tháng thì được gọi là giảm tiểu cầu miễn dịch dai dẳng. Trong khi đó, giảm tiểu cầu miễn dịch mạn tính kéo dài trên 12 tháng, chủ yếu ảnh hưởng trên người lớn [5].
Sau khi được chẩn đoán giảm tiểu cầu miễn dịch, tùy vào mức độ giảm tiểu cầu, bệnh nền, các loại thuốc sử dụng, tuổi tác và mong muốn của bệnh nhân mà bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị cho từng trường hợp [6].
Nếu số lượng tiểu cầu vẫn duy trì ở mức ≥ 30.000/μl và bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi thêm để xem tình trạng giảm tiểu cầu có tự cải thiện hay không. Dù chưa cần điều trị nhưng bệnh nhân sẽ được yêu cầu đến bệnh viện thăm khám và kiểm tra lượng tiểu cầu thường xuyên [6]. Nếu số lượng tiểu cầu trong máu < 30.000/μl hoặc các triệu chứng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị cho bệnh nhân với corticosteroid [6].
Trong trường hợp bệnh nhân tiếp tục giảm tiểu cầu trên 3 tháng, phụ thuộc corticosteroid hoặc không đáp ứng với corticosteroid, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phác đồ hàng 2, lần lượt theo thứ tự ưu tiên gồm thuốc đồng vận thụ thể thrombopoietin, thuốc kháng thể đơn dòng và cuối cùng là cắt lách [6], [7].
Với những trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc điều trị sẽ là cả một hành trình dài. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ về những mong muốn cá nhân, mục tiêu điều trị để thảo luận về tất cả lựa chọn trong điều trị căn bệnh này nhằm tìm ra phương án điều trị phù hợp nhất, nhất là khi các phương pháp đầu tiên không hiệu quả [4].
4 phương pháp điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch
Để tìm hiểu rõ hơn về các nhóm thuốc điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch, mời bạn cùng Hello Bacsi tham khảo minh họa sau đây:
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về giảm tiểu cầu miễn dịch và phác đồ điều trị bệnh. Nếu bạn thường bị bầm tím hoặc chảy máu kéo dài, không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh. Khi được chẩn đoán mắc giảm tiểu cầu miễn dịch, bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm kiểm soát bệnh, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.