backup og meta

Cấy máu

Cấy máu

Tìm hiểu chung

Cấy máu là gì?

Cấy máu là phương pháp xét nghiệm nhằm xác định sự hiện diện của những tác nhân ngoại lai như vi khuẩn, nấm men và các vi sinh vật khác trong máu của người bệnh. Sự xuất hiện của những mầm bệnh này trong máu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết). Những vi khuẩn xâm nhập từ da hoặc trong phổi, nước tiểu hoặc đường tiêu hóa chính là nguồn nhiễm trùng máu phổ biến.

Khi nào bạn cần thực hiện cấy máu?

Cấy máu được yêu cầu thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị nhiễm trùng máu. Xét nghiệm này rất quan trọng trong việc đưa ra chẩn đoán sớm, hạn chế hình thành các biến chứng nghiêm trọng chẳng hạn như sốc nhiễm trùng. Kết quả xét nghiệm có thể giúp bác sĩ xác định loại sinh vật hoặc vi khuẩn cụ thể nào gây nhiễm trùng máu, từ đó xây dựng được phác đồ điều trị tốt và phù hợp cho người bệnh.

Ngoài ra, kỹ thuật này cũng giúp:

  • Xác định một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn đã lan vào máu, chẳng hạn như viêm màng não, viêm tủy xương, viêm phổi, nhiễm trùng thận… cũng như cho biết loại vi khuẩn nào gây ra nhiễm trùng
  • Phát hiện những bệnh lý như viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng van tim) vốn có thể đe dọa tính mạng
  • Tìm kiếm dấu hiệu một bệnh nhiễm nấm
  • Tìm loại kháng sinh tốt nhất để tiêu diệt vi khuẩn hoặc nấm (xét nghiệm độ nhạy)
  • Tìm nguyên nhân gây sốt hoặc sốc 

Điều cần thận trọng

Cấy máu có nguy hiểm không?

Để xét nghiệm cấy máu, người bệnh sẽ được trích máu. Nhìn chung đây là một thủ thuật an toàn cho hầu hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau hoặc chảy máu và bầm tím tại vị trí lấy mẫu máu. Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, một số rủi ro có thể xảy ra như:

  • Ngất xỉu
  • Mất nhiều máu
  • Tụ máu
  • Nhiễm trùng da
  • Viêm tĩnh mạch

Quy trình thực hiện

xét nghiệm máu

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Người bệnh cần cho bác sĩ biết những loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và các loại chất bổ sung dinh dưỡng. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngừng sử dụng một số loại thuốc do chúng sẽ ảnh hưởng đến kết quả cấy máu. 

Những thời điểm lấy máu làm xét nghiệm cấy máu là:

  • Khi người bệnh đang sốt
  • Trước khi người bệnh dùng kháng sinh (ít nhất 24 giờ)
  • 2-3 giờ sau khi ăn

Trong khi thực hiện

Quá trình lấy mẫu máu có thể được thực hiện tại bệnh viện, khoa cấp cứu hoặc cơ sở xét nghiệm chuyên ngành. Kỹ thuật cấy máu hiếm khi được thực hiện tại cơ sở ngoại trú.

Đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ sát khuẩn da người bệnh tại vị trí lấy máu để ngăn vi sinh vật trên da làm nhiễm bẩn mẫu xét nghiệm và tránh trường hợp dương tính giả. Người bệnh thường được quấn một vòng bít hoặc một dải thun quanh cánh tay để thuận lợi cho việc trích máu từ tĩnh mạch bằng kim. Kỹ thuật viên có thể thu thập nhiều mẫu máu khác nhau ở nhiều vị trí tĩnh mạch khác nhau để tăng cơ hội phát hiện vi khuẩn hoặc nấm trong máu người bệnh (thường từ 2-3 mẫu đối với người lớn). Thể tích máu lấy là 5-10ml (người lớn) và 1-3ml (trẻ em).

Sau khi rút máu, kỹ thuật viên dán băng gạc lên vị trí kim đã tiêm. Sau đó, mẫu máu của người bệnh được gửi đến phòng thí nghiệm nơi thực hiện nuôi cấy. Mỗi mẫu máu được thêm vào một bình cấy và được tạo điều kiện để vi sinh vật có trong mẫu máu phát triển.

Sau khi thực hiện

Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị nhiễm trùng máu, người bệnh có thể bắt đầu điều trị ngay bằng kháng sinh phổ rộng tiêm tĩnh mạch. Thuốc này sẽ có hiệu quả với nhiều loại vi khuẩn trong lúc chờ kết quả xét nghiệm.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của cấy máu là gì?

Nếu kết quả cho giá trị bình thường thì không có sự tăng trưởng của vi sinh vật trong môi trường cấy. Nếu kết quả cấy máu dương tính nghĩa là trong máu người bệnh có sự hiện diện của vi khuẩn hoặc nấm men, từ đó bác sĩ có thể xác định các loại vi khuẩn hoặc nấm cụ thể gây ra nhiễm trùng.

Tùy thuộc vào vi sinh vật được phát hiện trong máu của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một xét nghiệm khác gọi là xét nghiệm độ nhạy nhằm tìm đúng loại thuốc cụ thể có khả năng tốt chống lại vi sinh vật đó. Xét nghiệm độ nhạy và độ đặc hiệu là một quy trình cần thiết sau khi cấy máu cho kết quả dương tính. Ngoài ra, loại xét nghiệm này cũng cần thực hiện trong trường hợp bệnh nhiễm trùng không đáp ứng với phác đồ điều trị hiện tại.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Blood Culture. https://www.healthline.com/health/blood-culture Ngày truy cập 30/3/2020

Blood Culture. https://labtestsonline.org/tests/blood-culture Ngày truy cập 30/3/2020

What Is a Blood Culture Test? https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-a-blood-culture-test#1 Ngày truy cập 30/3/2020

Phiên bản hiện tại

02/06/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

Những điều cần biết về nhiễm trùng máu ở người lớn tuổi


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 02/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo