backup og meta

Bệnh phong

Bệnh phong

Bệnh phong có tên gọi dân gian là bệnh phong cùi, phong hủi. Vây đâu là nguyên nhân, triệu chứng bệnh phong? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau từ Hello Bacsi.

Định nghĩa

Bệnh phong là gì?

Bệnh phong hay còn gọi là bệnh phong cùi, phong hủi là một tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển mãn tính gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium leprae.

Có 3 hệ thống phân loại bệnh phong. Hệ thống đầu tiên công nhận hai loại là phong củ và phong u.

  • Đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh là cơ sở xác định loại bệnh phong. Đáp ứng miễn dịch tốt và bệnh chỉ biểu hiện với một vài tổn thương (vết loét trên da) trong phong thể củ. Đây là loại nhẹ, mức độ truyền nhiễm thấp.
  • Đáp ứng miễn dịch kém với bệnh phong thể u gây tổn thương da, dây thần kinh và các cơ quan khác. Các tổn thương này lan rộng và hình thành các nốt (cục u lớn). Loại này rất dễ lây.

Tổ chức Y tế Thế giới phân loại bệnh phong dựa vào thể loại và số lượng khu vực da bị ảnh hưởng.

  • Loại thứ nhất là nhóm ít vi trùng, trong đó có ít hơn năm số tổn thương không có vi khuẩn trong mẫu da.
  • Loại thứ hai là nhóm nhiều vi trùng, có nhiều hơn năm tổn thương hoặc có vi khuẩn được phát hiện trong mẫu da hoặc cả hai.

Các nghiên cứu lâm sàng sử dụng hệ thống Ridley-Jopling được phân làm 6 loại dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng là:

  • Nhóm bất định: một vài tổn thương phẳng đôi khi tự lành hoặc có thể tiến triển thành loại nặng hơn
  • Thể củ: một vài tổn thương phẳng, một vài tổn thương rộng và mất cảm giác; ảnh hưởng đến vài dây thần kinh; có thể tự lành, dai dẳng hoặc tiến triển thành loại nặng hơn.
  • Nhóm trung gian gần củ: tổn thương tương tự như phong củ nhưng nhỏ hơn và nhiều hơn; ít mở rộng đến dây thần kinh; có thể dai dẳng, thoái lui về nhóm phong củ hoặc tiến triển thành loại nặng hơn
  • Nhóm trung gian: các mảng đỏ, tê vừa phải, nổi hạch; có thể thoái lui, dai dẳng hoặc tiến triển thành loại nặng hơn
  • Nhóm trung gian gần u: nhiều tổn thương bao gồm tổn thương phẳng, u to lên, các mảng và các nốt, đôi khi mất cảm giác; có thể dai dẳng, thoái lui hoặc tiến triển
  • Thể u: nhiều tổn thương với vi khuẩn; rụng tóc; tổn thương dây thần kinh; chân tay yếu; biến dạng; không thoái lui.

Mức độ phổ biến của bệnh phong

Bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng bệnh phong

da có vết loét

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh phong hủi là gì?

Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến da và các dây thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống, được gọi là các dây thần kinh ngoại vi. Nó cũng có thể tấn công vào mắt và niêm mạc mũi.

Các triệu chứng chính của bệnh là các vết loét gây biến dạng da, khối u hoặc nổi cục không mất đi sau vài tuần hoặc vài tháng, xuất hiện các vết loét da nhạt màu.

Tổn thương dây thần kinh do bệnh phong cùi có thể dẫn đến các biểu hiện:

  • Mất cảm giác ở tay và chân
  • Yếu cơ bắp

Các triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn phong khoảng từ 3-5 năm. Một số người không có triệu chứng sau 20 năm. Thời gian từ khi tiếp xúc với vi khuẩn đến khi xuất hiện các triệu chứng được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh khá dài làm bác sĩ khó xác định thời gian và địa điểm bị nhiễm bệnh của bệnh nhân.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

vi khuẩn Mycobacterium leprae

Nguyên nhân nào gây ra bệnh phong cùi?

Bệnh phong do một loại vi khuẩn phát triển chậm gọi là Mycobacterium leprae (M. leprae) gây ra. Bệnh này còn được gọi là bệnh Hansen, được đặt theo tên của nhà khoa học khám phá ra vi khuẩn M. leprae năm 1873.

Nguy cơ mắc bệnh

nguy cơ mắc bệnh phong cùi từ động vật
Người tiếp xúc với động vật hoang dã như tinh tinh có thể có nguy cơ mắc bệnh phong cùi

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh phong?

Những người có nguy cơ cao nhất là những người sống ở khu vực có nhiều người mắc bệnh phong (một số địa phận thuộc Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal, Ai Cập và các khu vực khác) và đặc biệt là những người tiếp xúc thường xuyên với người nhiễm bệnh phong.

Bên cạnh đó, có một số bằng chứng cho thấy các khuyết tật di truyền trong hệ miễn dịch có thể làm cho một số người có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh (vùng Q25 trên nhiễm sắc thể 6). Thêm vào đó, những người tiếp xúc với động vật có mang theo vi khuẩn phong (như armadillos, tinh tinh châu Phi, khỉ mặt xanh cổ trắng và khỉ đuôi dài) có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, nhất là khi không đeo găng tay bảo vệ.

Bệnh phong có lây không?

Bệnh có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu qua 2 đường chính sau:

Đường hô hấp

Những người mắc bệnh phong nhưng không được điều trị có thể giải phóng hơn 100 triệu trực khuẩn phong qua đường hô hấp và dịch tiết ra từ mũi họng mỗi ngày. Khi ở môi trường bên ngoài, trực khuẩn phong có thể sống từ 1–2 tuần, đặc biệt trực khuẩn hoạt động mạnh trong môi trường tối ẩm. Do đó, nếu bạn tiếp xúc với môi trường người bệnh, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Đường tiếp xúc

Nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc dùng chung đồ dùng với người bệnh như quần áo, chén đũa… bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Biến chứng

biến chứng bệnh phong cùi

Bệnh phong có nguy hiểm không?

Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh của các chi, niêm mạc mũi và đường hô hấp trên. Bệnh gây loét da, tổn thương thần kinh và làm yếu cơ. Nếu không được điều trị có thể gây biến dạng nghiêm trọng và tàn tật đáng kể (do đó còn gọi là bệnh phong cùi).

Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc những biến chứng như:

  • Rụng tóc, rụng lông (lông mày, lông mi…)
  • Viêm mống mắt
  • Nghẹt mũi mãn tính, chảy máu mũi, xẹp vách ngăn mũi
  • Tăng nhãn áp, dễ gây mù lòa
  • Ảnh hưởng sinh lý
  • Suy thận

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Chẩn đoán và điều trị

điều trị bệnh phong bằng kháng sinh

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh phong?

Nếu bạn nghi ngờ một vết loét trên da, bác sĩ sẽ lấy mẫu nhỏ ở vùng da bất thường và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra, gọi là sinh thiết da. Xét nghiệm phết tế bào da cũng có thể được thực hiện. Với phong nhóm ít vi khuẩn, bác sĩ sẽ không phát hiện vi khuẩn trên mẫu da. Ngược lại, vi khuẩn được tìm thấy trên mẫu da của người bị bệnh phong nhóm nhiều vi khuẩn.

Bệnh phong có thể chữa khỏi không?

Bệnh phong có thể chữa khỏi. Trong hai thập kỷ qua, 16 triệu bệnh nhân phong đã được chữa khỏi. Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp điều trị miễn phí cho tất cả những người bị bệnh phong.

Biện pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào loại bệnh phong. Kháng sinh dùng để điều trị các nhiễm trùng. Người bệnh thường được chỉ định điều trị dài hạn kết hợp 2 hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Những người có dấu hiệu bệnh phong nặng cần dùng thuốc kháng sinh lâu hơn. Kháng sinh không thể điều trị các dây thần kinh đã bị tổn thương.

Thuốc chống viêm được sử dụng để kiểm soát đau dây thần kinh và tổn thương liên quan đến bệnh phong, bao gồm steroid như prednisone.

Bệnh nhân bị bệnh phong cũng có thể được dùng thalidomide, một loại thuốc ức chế mạnh hệ miễn dịch của cơ thể. Nó giúp điều trị các nốt u trên da của bệnh phong. Thalidomide là thuốc gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng đe dọa tính mạng, do vậy chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ sắp có thai.

Phòng ngừa

Biện pháp nào giúp ngăn ngừa bệnh phong?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là tránh tiếp xúc gần gũi lâu dài với người có dấu hiệu bệnh phong không được điều trị. Bạn không nên dùng chung đồ đạc với người bệnh.

Nếu chẳng may dính phải dịch từ nước bọt hay dịch mũi từ người bệnh, bạn hãy rửa da ngay bằng xà phòng để diệt khuẩn. Bạn lưu ý không để vùng da trầy xước tiếp xúc với người bệnh.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Leprosy.
https://www.healthline.com/health/leprosy.
Ngày truy cập 21/06/2019

Leprosy (Hansen’s Disease).
https://www.medicinenet.com/leprosy/article.htm#is_it_possible_to_prevent_leprosy.
Ngày truy cập 21/06/2019

Leprosy Overview.
https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/leprosy-symptoms-treatments-history#2-5.
Ngày truy cập 21/06/2019

Phiên bản hiện tại

08/01/2021

Tác giả: hellobacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Ngọc Vũ


Bài viết liên quan

Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé sinh mổ vào mùa mưa

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Tác giả: hellobacsi · Ngày cập nhật: 08/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo