backup og meta

Sốt xuất huyết với hội chứng thận

Sốt xuất huyết với hội chứng thận

Tìm hiểu chung

Sốt xuất huyết với hội chứng thận là bệnh gì?

Sốt xuất huyết với hội chứng thận là một nhóm các bệnh tương tự trên lâm sàng gây ra bởi nhóm virus Hanta. Các virus gây sốt xuất huyết với hội chứng thận bao gồm Hantan, Dobrava, Saaremaa, Seoul và Puumala.

Sốt xuất huyết với hội chứng thận xuất hiện trên khắp thế giới. Virus Hanta xuất hiện nhiều ở Đông Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Tại châu Mỹ, virus Hanta gây ra một bệnh khác được gọi là hội chứng phổi virus Hanta (bệnh được đặc trưng bởi tình trạng phù phổi khởi đầu nhanh chóng, sau đó là suy hô hấp và sốc tim).

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận là gì?

Khi bệnh nhân tiếp xúc với các tác nhân truyền nhiễm, các triệu chứng có thể xảy ra trong vòng 2 tuần, đôi khi có thể mất 8 tuần.

Một số triệu chứng đầu tiên bắt đầu đột ngột như đau đầu dữ dội, đau lưng và đau bụng, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nhìn mờ. Vài người có thể bị đỏ bừng mặt, viêm hoặc đỏ mắt hay phát ban. Những triệu chứng sau đó có thể bao gồm huyết áp thấp, sốc cấp tính, rò rỉ mạch máu và suy thận cấp, gây ra tình trạng quá tải dịch nặng.

Nhiễm virus HantanDobrava thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, trong khi nhiễm virus Seoul, SaaremaaPuumala thường nhẹ hơn. Quá trình phục hồi hoàn toàn có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.

Bệnh có thể được chia thành 5 giai đoạn:

Giai đoạn sốt

Các triệu chứng bao gồm đỏ má và mũi, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi lòng bàn tay, tiêu chảy, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, đau bụng và lưng, các vấn đề về hô hấp.

Những triệu chứng này có thể tương tự như virus cúm, các vấn đề về dạ dày-ruột. Những triệu chứng này thường xảy ra trong 3-7 ngày và tăng dần từ 2-3 tuần sau khi tiếp xúc.

Giai đoạn hạ huyết áp

Giai đoạn này xảy ra khi lượng tiểu cầu trong máu giảm và có thể dẫn đến nhịp tim nhanh và thiếu oxy. Giai đoạn này có thể kéo dài trong 2 ngày.

Giai đoạn thiểu niệu (lượng nước tiểu thấp)

Giai đoạn này kéo dài từ 3-7 ngày và được đặc trưng bởi sự khởi đầu của suy thận và protein niệu.

Giai đoạn lợi tiểu

Giai đoạn lợi tiểu được đặc trưng bởi tiểu nhiều 3-6 lít nước tiểu mỗi ngày, có thể kéo dài trong một vài ngày đến vài tuần.

Giai đoạn hồi phục

Sức khỏe được hồi phục và các triệu chứng bắt đầu cải thiện.

Hội chứng này cũng có thể gây tử vong. Trong một số trường hợp, bệnh gây ra suy thận vĩnh viễn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận?

Virus Hanta ký sinh và lây truyền qua động vật gặm nhấm. Mọi người có thể bị nhiễm những loại virus này và bị sốt xuất huyết với hội chứng thận sau khi tiếp xúc với nước tiểu, phân hoặc nước bọt của các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh hoặc sau khi tiếp xúc với bụi từ tổ của chúng.

Lây truyền cũng có thể xảy ra khi bạn bị nhiễm trực tiếp nước tiểu hay phần khác vào vết thương hở. Ngoài ra, cá nhân làm việc với động vật gặm nhấm sống có thể tiếp xúc với virus Hanta thông qua các vết cắn của động vật gặm nhấm bị nhiễm bệnh. Tình trạng lây truyền từ người sang người có thể xảy ra nhưng cực kỳ hiếm.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận?

Sốt xuất huyết với hội chứng thận là bệnh rất thường gặp và có thể ảnh hưởng bất cứ ai trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận, chẳng hạn như:

  • Vị trí địa lý. Sốt xuất huyết với hội chứng suy thận nặng xảy ra ở Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore. Số trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc là khoảng 100000-250000 mỗi năm;
  • Giới tính. Tỷ lệ mắc bệnh tăng ở nam giới là do họ tăng tần suất hoạt động ngoài trời, dẫn đến tiếp xúc với động vật gặm nhấm bị nhiễm bệnh;
  • Tuổi. Sốt xuất huyết với hội chứng suy thận thường xuất hiện ở những người trên 15 tuổi. Ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 15 tuổi, bệnh nhẹ và thường không triệu chứng.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận?

Một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận ở những bệnh nhân có tiền sử lâm sàng tương thích với bệnh. Những bệnh nhân này được xác định bị sốt xuất huyết với hội chứng thận nếu họ có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với nhiễm virus Hanta.

Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch và soi dưới kính hiển vi để kiểm tra xem có kháng nguyên virus Hanta trong mô hay không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận?

Không có bất kỳ cách điều trị hoặc vắc-xin nào cho bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận. Điều trị bao gồm điều trị hỗ trợ như chạy thận nhân tạo (để kiểm soát tình trạng quá tải dịch nặng).

Chăm sóc bao gồm kiểm soát thận trọng dịch của bệnh nhân và nồng độ điện giải (ví dụ như natri, kali, clorua), duy trì nồng độ oxy và mức huyết áp phù hợp, điều trị bất kỳ sự nhiễm trùng thứ phát nào.

Bác sĩ có thể lọc máu để kiểm soát tình trạng quá tải dịch nặng. Trong giai đoạn đầu của bệnh này, ribavirin tĩnh mạch, một loại thuốc kháng virus, có thể làm thuyên giảm bệnh và nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết với hội chứng thận gây ra.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận?

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng các biện pháp sau đây:

  • Kiểm soát động vật gặm nhấm trong và xung quanh nhà cũng như tránh tiếp xúc với động vật gặm nhấm ở nơi làm việc và nơi cắm trại;
  • Đóng nhà kho lưu trữ và cabin, đây thường là nơi sinh sống lý tưởng của động vật gặm nhấm;
  • Mở cửa thông thoáng nhà kho lưu trữ và cabin trước khi tới được khuyến cáo;
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với phân động vật gặm nhấm và đeo khẩu trang để tránh hít phải các chất tiết động vật gặm nhấm.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome (HFRS). https://www.cdc.gov/hantavirus/hfrs/. Ngày truy cập 24/12/2016

Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome. http://emedicine.medscape.com/article/982142-overview#a6. Ngày truy cập 24/12/2016

Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome. https://en.wikipedia.org/wiki/Hantavirus_hemorrhagic_fever_with_renal_syndrome. Ngày truy cập 24/12/2016

Phiên bản hiện tại

04/08/2023

Tác giả: Hoàng Hiệp

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Liên cầu khuẩn nhóm A: Nguyên nhân gây nhiều tình trạng nhiễm trùng

Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé sinh mổ vào mùa mưa


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 04/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo