Sốt xuất huyết là bệnh xuất hiện từ khá lâu và đã phần nào được kiểm soát bằng nhiều cách. Tuy nhiên, dù vậy, thực tế phần lớn chúng ta vẫn chưa biết hết những điều cần lưu ý về bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Sốt xuất huyết được Tổ chứ Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại bệnh đáng quan tâm nhất do muỗi gây ra. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là bệnh phổ biến, đặc biệt là ở khu vực duyên hải miền Trung và miền Nam. Hiện chưa có thuốc đặc trị để điều trị sốt xuất huyết, do đó khi mắc bệnh, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để biết một số điều cần lưu ý là gì nhé.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi virus Dengue. Virus này thường lây lan từ người này sang người khác thông qua quá trình muỗi vằn đốt. Nếu chẳng may bị muỗi đốt và truyền mầm bệnh vào cơ thể, bạn sẽ có các triệu chứng của bệnh chỉ sau 4 đến 5 ngày.
Các triệu chứng của bệnh khá đa dạng, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng với 3 giai đoạn chính: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn sốt: tương ứng với thể bệnh thông thường, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi đốt với các triệu chứng như:
- Sốt cao liên tục 39 – 40°C, khó hạ sốt
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu
- Nổi mẩn, phát ban, da sung huyết
- Chán ăn, buồn nôn
- Đau cơ, đau khớp.
Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 đến thứ 7 sau khi phát bệnh, bạn có thể còn sốt hoặc giảm sốt, tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn đang hồi phục. Ngược lại, bạn cần phải theo dõi kỹ các triệu chứng để tránh gặp phải biến chứng như:
- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 – 48 giờ), dẫn đến tràn dịch màng phổi, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
- Xuất huyết dưới da, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc xuất hiện những mảng da bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Xuất huyết nội tạng như: xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi, xuất huyết não.
- Có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.
Giai đoạn hồi phục: Khoảng 24 – 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm:
- Hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết áp ổn định và đi tiểu nhiều
- Nhịp tim chậm và thay đổi điện tâm đồ.
Những lưu ý khi bị sốt xuất huyết dengue bạn cần biết
Người bị sốt xuất huyết dengue thường sốt rất cao, sốt thành cơn, nếu không biết cách điều trị, chăm sóc thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, đừng bỏ qua những điều cần lưu ý khi bị sốt xuất huyết sau đây:
Cẩn thận khi dùng thuốc hạ sốt
Khi chưa xác định được nguyên nhân gây sốt, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là aspirin và ibuprofen vì hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong. Thay vào đó, bạn có thể hạ sốt bằng cách mặc quần áo rộng, mỏng, chườm khăn, nằm nơi thoáng mát và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng không nên nóng lòng tìm đủ mọi cách để khỏi bệnh nhanh bằng việc tự ý truyền dịch. Việc làm này rất nguy hiểm bởi nếu truyền dịch quá tải và không đúng cách có thể dẫn đến phù phổi, sốc.
Đừng lơ là với việc ăn uống
Khi bị sốt xuất huyết, bạn cần tránh ăn một số thực phẩm để bệnh không trở nặng. Cụ thể, bạn không nên ăn trứng, các thực phẩm có màu nâu, đen, đỏ, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên uống trà, cà phê, rượu, bia, các loại nước ngọt, nước có ga bởi:
- Ăn các thực phẩm có màu nâu, đen, đỏ sẽ khiến phân bị nhuộm màu tối làm cho chúng ta khó phân biệt với phân có lẫn máu trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa.
- Hạn chế ăn trứng và các thực phẩm giàu protein. Nguyên do là việc tiêu thụ trứng và các thực phẩm giàu protein sẽ khiến cơ thể tạo ra một lượng nhiệt lớn làm cho thân nhiệt tăng lên, nhiệt lượng không phát tán ra ngoài được và lâu hết sốt.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ sẽ gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu khiến cơ thể chậm hồi phục.
- Khi bị bệnh, sức đề kháng và năng lượng của cơ thể hao hụt đi rất nhiều, việc ăn các món cay nóng không chỉ khiến bệnh nặng thêm mà còn ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
- Người bệnh uống nước ngọt, nước có ga sẽ khiến cơ hấp thu một lượng lớn đường. Điều này làm cho quá trình tiêu diệt vi khuẩn của bạch cầu diễn ra chậm chạp, dẫn đến bệnh lâu khỏi.
- Trà, cà phê, rượu là những thức uống có chất kích thích, có thể làm tăng huyết áp. Không những vậy, trà còn làm giảm tác dụng phụ của thuốc hạ sốt, đồng thời trong trà cũng có chứa một số chất khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, làm cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng.
Tránh để muỗi đốt
Muỗi là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Việc người bệnh để muỗi đốt không chỉ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh mà còn có thể khiến lượng virus trong cơ thể tăng lên. Điều này có thể làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh sốt xuất huyết cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngăn không cho muỗi đốt.
Không ra gió, không tắm nước lạnh
Nhiều người thắc mắc “người bị sốt xuất huyết có được tắm không”? Câu trả lời là không. Hiện tượng xuất huyết có thể xuất hiện ở ngày thứ 3 sau khi sốt và kéo dài khoảng vài ngày. Bạn có thể bị xuất huyết dưới da hoặc ở nhiều vị trí khác trên cơ thể. Do đó, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh nên ở nhà nghỉ ngơi, không ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên lau người bằng nước ấm bởi nước lạnh có thể làm co mạch máu ngoài da nhưng lại làm giãn mạch máu nội tạng, có thể dẫn đến tử vong.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết dengue cho cả nhà
Khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm là thời điểm mà muỗi sinh sôi và phát triển rất nhanh. Muỗi thường trú ẩn ở những nơi tối, ẩm thấp và đẻ trứng ở những nơi có nước đọng. Do đó, để phòng ngừa sốt xuất huyết, bạn cần loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường. Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng để tránh muỗi trú ẩn
- Phát quang cây cối, phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành
- Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh, máng xối.
Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện một số biện pháp để phòng chống muỗi đốt như:
- Mặc quần áo dài tay, quần áo có màu sáng
- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày
- Dùng bình xịt muỗi, nhang đuổi muỗi, kem chống muỗi, vợt điện diệt muỗi, tinh dầu đuổi muỗi… để làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, lưới chống muỗi và côn trùng, điều hòa nhiệt độ để giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về một số lưu ý cần nhớ khi bị sốt xuất huyết. Nếu bạn thấy mình đang gặp phải các triệu chứng bất thường, hãy đi khám ngay để tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm nhé.
Có thể bạn quan tâm
Ngân Phạm / HELLO BACSI