backup og meta

Giải đáp thắc mắc: Người bị sốt xuất huyết uống thuốc gì mới khỏi bệnh?

Giải đáp thắc mắc: Người bị sốt xuất huyết uống thuốc gì mới khỏi bệnh?

Có thể nói các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết như sốt, đau nhức toàn thân, đau đầu, mệt mỏi… là khá tương đồng với biểu hiện của bệnh cảm cúm. Nhưng đừng vì thế mà tự ý mua thuốc điều trị bạn nhé. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn khi bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì để giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra mà tác nhân chủ yếu phát tán mầm bệnh chính là muỗi vằn. Dù y học khá phát triển nhưng hiện tại, chúng ta vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này và cả vaccine phòng bệnh. Do đó, điều cốt yếu trong việc điều trị sốt xuất huyết là điều trị nhằm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.

Những dấu hiệu thường thấy khi mắc bệnh có thể là sốt, mệt mỏi, đau nhức toàn thân… Những triệu chứng này tương tự như các triệu chứng của căn bệnh cảm lạnh và cảm cúm thông thường. Chính vì vậy, nhiều người sinh ra tâm lý chủ quan nên đã tự ý trở thành “thầy thuốc tay ngang”, hay số khác thì lại hỏi thăm “bác sĩ Google” để mua thuốc và tự điều trị cho chính mình. Bạn có biết rằng điều này có thể gây ra tác hại nghiêm trọng không?

Vì vậy bệnh nhân bị sốt xuất huyết phải được bác sĩ chỉ định nên uống thuốc gì, tránh tự ý dùng thuốc theo kiểu truyền miệng.

Bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì thì cần căn cứ vào các triệu chứng

Người bệnh sốt xuất huyết uống thuốc gì để giảm nhẹ các triệu chứng, phòng ngừa biến chứng? Như Hello Bacsi đã đề cập ở trên, với người bị mắc sốt xuất huyết thì đa phần các bác sĩ chỉ có thể can thiệp và điều trị giảm nhẹ triệu chứng nhằm hạn chế các biến chứng xấu có thể xảy ra. Các triệu chứng mà người bệnh biểu hiện ra bên ngoài thường cũng là những dấu hiệu để cảnh báo họ có thể bị nhiễm sốt xuất huyết hay không. Các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết thể hiện rõ nét qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 hay còn gọi là giai đoạn sốt

Giai đoạn sốt

Xuất hiện sau thời kỳ ủ bệnh trong 1 hoặc 2 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt cao đột ngột với tính chất liên tục (từ 39 – 40 độ C), sốt có thể kéo dài 2 – 7 ngày. Trong giai đoạn này, các triệu chứng sẽ khó phân biệt với các loại sốt do virus thông thường gây ra.

Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như đau đầu, đặc biệt đau vùng hố mắt, có thể nổi mẩn, phát ban da, đau cơ, đau khớp… Những triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn sang các bệnh thông thường khác, nên cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xét nghiệm kiểm tra. Nếu có kết quả dương tính với sốt xuất huyết thì cần điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Các biểu hiện nặng của sốt xuất huyết sẽ được thấy rõ hơn.

Các hiện tượng có thể xuất hiện trong giai đoạn này như các xuất huyết dưới da biểu hiện là các chấm xuất huyết (thấy rõ ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.

Với những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao hơn nữa.

Nguyên nhân dẫn đến có hiện tượng tràn dịch là bởi tình trạng thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch. Thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với biểu hiện bứt rứt, vật vã, tê lạnh đầu chi, hạ huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít…

Với các trường hợp sốc hay xuất huyết nặng, người bệnh cần phải cấp cứu nhanh chóng.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục

Sau giai đoạn trên, người bệnh bước vào giai đoạn phục hồi. Người bệnh hết sốt và thể trạng khá hơn nhiều. Bệnh nhân cũng thèm ăn và ăn uống ngon miệng hơn, đi tiểu nhiều và dần trở về trạng thái bình thường.

Người bị sốt xuất huyết uống thuốc gì để mau lành bệnh?

Người bệnh sốt xuất huyết uống thuốc gì cho nhanh khỏi? Câu trả lời là hiện nay, các bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để điều trị triệu chứng cho người bệnh sốt xuất huyết như sau:

1. Thuốc giảm đau, hạ sốt

Paracetamol (Acetaminophen)

Paracetamol

Khi bị sốt xuất huyết uống thuốc gì để giảm  bớt triệu chứng đau và sốt? Paracetamol sẽ là cái tên đứng đầu danh mục.

Những biểu hiện như sốt và đau nhức ở bệnh nhân có thể dịu khi sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt. Paracetamol (hay còn được biết là Acetaminophen) ở dạng đơn chất là đại diện trong nhóm này. Đây là loại thuốc không kê đơn, được bán rộng rãi ở hầu hết các nhà thuốc, quầy thuốc Tây.

Với paracetamol, mọi người cần lưu ý sử dụng đúng liều dùng bởi nó có tác dụng phụ là gây độc cho gan (gây ngộ độc, suy giảm chức năng gan) nếu quá liều. Thời gian dùng thuốc sẽ từ khoảng 4 – 6 giờ mới được dùng một liều tiếp theo, tuyệt đối không được dùng với khoảng cách ngắn hơn hay tăng liều vì nghĩ rằng làm như vậy sẽ mau chóng giảm sốt.

Ở một số trẻ bị sốt xuất huyết còn xảy ra hiện tượng bị cho dùng quá liều thuốc paracetamol. Nguyên do là vì muốn con nhanh chóng hạ sốt mà các mẹ vừa cho trẻ dùng thuốc hạ sốt đường uống vừa dùng thuốc đặt hậu môn. Việc này là rất nguy hiểm.

Với người bị suy giảm chức năng gan, nếu mắc thêm bệnh sốt xuất huyết sẽ càng nguy hiểm. Nguyên do là bởi gan bị suy có liên quan đến rối loạn đông máu làm cho tình trạng xuất huyết thêm nặng hơn. Người lớn khi uống paracetamol cũng không được uống đồng thời với rượu hay dùng sau khi đã uống rượu vì điều này làm tăng tác dụng phụ gây ngộ độc gan.

Aspirin

Bên cạnh paracetamol thì aspirin cũng được sử dụng trong trường hợp giảm đau, hạ sốt, nhưng hiện nay loại thuốc này lại được ứng dụng nhiều với vai trò chống kết tập tiểu cầu nhiều hơn. Chính vì tác dụng chống kết tập tiểu cầu mà aspirin tuyệt đối không được dùng trong điều trị sốt xuất huyết.

Nếu người bệnh bị sốt xuất huyết dùng aspirin sẽ làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên không cầm máu được. Nếu người bệnh bị xuất huyết dạ dày hay nội tạng thì càng nguy hiểm đến tính mạng hơn.

Ngoài nguy cơ là gây nguy hiểm cho bệnh nhân sốt xuất huyết, cũng giống như bao loại thuốc khác, aspirin cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, điển hình như buồn nôn, đau dạ dày, loét dạ dày, khó chịu ở vùng thượng vị nếu dùng quá nhiều… Ngoài ra, nếu cho trẻ nhỏ dùng aspirin, bé có thể gặp tác dụng phụ khá nổi tiếng là hội chứng Reye rất nguy hiểm và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

Bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì, nếu dùng NSAIDs có được không? Thì câu trả lời vẫn là không nên dùng. Giống aspirin, các thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng phụ là gây chống kết tập tiểu cầu.

Một số loại dược phẩm phổ biến trên thị trường dùng trong điều trị cảm cúm hay giảm đau có phối hợp thêm một số loại NSAIDs như ibuprofen, diclofenac… Do đó, người bệnh nên lưu ý kỹ khi mua thuốc, nếu không chắc chắn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.

2. Bù nước cho bệnh nhân

Bù nước cho người sốt xuất huyết
Bên cạnh nước đun sôi để nguội, người bệnh sốt xuất huyết có thể dùng nước trái cây thay thế

Bị sốt xuất huyết uống thuốc gì? Ngoài các loại thuốc kể trên thì do bị sốt nên bệnh nhân sẽ bị mất nước nên điều cần kíp là phải bù nước. Người bệnh có thể sử dụng oresol hoặc đơn thuần chỉ dùng nước đun sôi để nguội hoặc có thể dùng thêm nước trái cây. Nếu sử dụng oresol, bạn cần lưu ý phải pha đúng tỷ lệ và pha bằng nước đun sôi để nguội.

3. Bị sốt xuất huyết uống thuốc gì cho khỏi, kháng sinh có tốt không?

Bạn cần nhớ rằng sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, trong khi kháng sinh lại tác động trên vi khuẩn. Thế nên nhằm tránh lãng phí, bạn không nên mua thuốc kháng sinh để dùng trong trường hợp này.

Nếu bệnh nhân hay người nhà tự ý mua kháng sinh về dùng không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc (nhất là đối với người có cơ địa dị ứng). Điều này có thể khiến người bệnh sẽ mắc nhiều bệnh cùng lúc như vừa bị sốt xuất huyết, vừa bị dị ứng thuốc. Do đó mà việc chữa trị sẽ phức tạp và gây phiền hà rất nhiều cho người bệnh.

Sốt xuất huyết hiện nay đã là bệnh khá phổ biến ở các nước nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Vì vậy, chúng ta cần có ý thức hơn trong việc tìm hiểu, cập nhật thêm các kiến thức y khoa chẳng hạn như bị sốt xuất huyết thì nên uống thuốc gì hay cần kiêng cữ gì khi mắc bệnh hay không để bảo vệ tốt cho bản thân và gia đình mình nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Dengue Fever

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dengue-fever/diagnosis-treatment/drc-20353084 Ngày truy cập 28/6/2022

Dengue and severe dengue

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue Ngày truy cập 28/6/2022

Dengue Fever – Symptoms and Treatment

https://www.cdc.gov/dengue/symptoms/index.html  Ngày truy cập 28/6/2022

Dengue Fever

https://www.medicinenet.com/dengue_fever/article.htm Ngày truy cập 13/08/2019

Medications for Dengue Fever

https://www.drugs.com/condition/dengue-fever.html Ngày truy cập 13/08/2019

Everything you need to know about Dengue fever

https://www.medicalnewstoday.com/articles/179471.php Ngày truy cập 13/08/2019

Phiên bản hiện tại

04/08/2023

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Giang Tran


Bài viết liên quan

Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé sinh mổ vào mùa mưa

Phát hiện sớm triệu chứng sốt xuất huyết để điều trị kịp thời!


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 04/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo