backup og meta

Giải đáp: Bị sốt xuất huyết nên làm gì? 5 việc nên làm ngay để nhanh khỏi

Giải đáp: Bị sốt xuất huyết nên làm gì? 5 việc nên làm ngay để nhanh khỏi

Mỗi năm vào mùa mưa, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết thường tăng đột biến và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch. Trong đó, những đối tượng dễ bị virus Dengue (virus gây sốt xuất huyết) tấn công nhất là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai. Vậy thì bị sốt xuất huyết nên làm gì? Những việc nào không nên làm để tránh bệnh tiến triển nặng hơn? 

Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ gợi ý 5 biện pháp nên làm ngay để nhanh khỏi sốt xuất huyết. Mời bạn cùng theo dõi.  

Sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp của bệnh sốt xuất huyết 

Theo một nghiên cứu ước tính, trên thế giới có gần 400 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết mỗi năm, nhưng hầu hết (khoảng 80%) không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi phát bệnh rất dễ biến chứng thành bệnh sốt xuất huyết nặng và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như: 

  • Các vấn đề về tim mạch: Nhịp tim không ổn định, lúc nhanh lúc chậm; rung nhĩ; viêm cơ tim; viêm màng ngoài tim và tràn dịch màng ngoài tim.
  • Bệnh đường tiêu hóa: Suy gan cấp tính, viêm túi mật, viêm tụy cấp và chảy máu loét dạ dày.
  • Thận: Tổn thương thận cấp tính. 
  • Vấn đề hô hấp: Hội chứng suy hô hấp ở người lớn, viêm phổi/viêm phế quản và xuất huyết phổi.
  • Huyết học: Tăng tế bào lympho thực bào máu, thiếu máu bất sản và ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP). 
  • Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm màng não và viêm tủy. 

Ngoài ra, sốt xuất huyết nặng còn có thể gây ra hội chứng sốc sốt xuất huyết với các triệu chứng như huyết áp thấp, mạch yếu, da lạnh và tâm trạng bồn chồn. Hội chứng này rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến xuất huyết nặng và gây tử vong. 

Người bị sốt xuất huyết nên làm gì cho nhanh khỏi? 

Với một số trường hợp sốt xuất huyết nhẹ, người bệnh có thể điều trị và theo dõi tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau đây là 5 việc cần làm ngay để hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết, giúp người bệnh nhanh khỏi: 

1. Khi bị sốt xuất huyết nên làm gì? Uống đủ nước

bị sốt xuất huyết nên làm gì: Hãy uống đủ nước

Sốt xuất huyết là nguyên nhân chính khiến cơ thể bị mất nước và điện giải, gây ra hiện tượng thoát huyết tương (dịch ở trong lòng mạch bị thoát ra ngoài), làm máu của người bệnh cô đặc hơn. Do đó, việc bù nước và điện giải là điều cần làm đầu tiên khi xuất hiện các triệu chứng nhẹ. 

Cách nhanh nhất để bù nước bù khoáng là thông qua đường uống, nhưng một số trường hợp, người bệnh không thể uống do buồn nôn hoặc nôn khan thì có thể thay thế bằng đường truyền dịch. Sau đây là một số lưu ý khi bù nước và điện giải bằng đường uống: 

  • Pha oresol – dung dịch giúp bù nước bù điện giải nhanh và an toàn – với nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không uống với nồng độ đậm đặc vì sẽ gây rối loạn nước, điện giải nặng hơn và có thể dẫn đến tình trạng hôn mê sâu, co giật hoặc tổn thương não.
  • Khi uống nước cần uống từng chút một, không uống một lúc quá nhiều nước. Mỗi ngày người bệnh cần uống khoảng 1,5 – 2l nước. 
  • Một số loại nước bù dịch có thể sử dụng được như nước cam, nước dừa, nước chanh, sinh tố… nhưng cần hạn chế sử dụng trà, cà phê, rượu và nước ngọt, vì các loại nước này có chứa chất kích thích hoặc chứa hàm lượng đường cao, dẫn đến mất nước nhiều hơn.  

2. Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm thường gặp nhưng hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc hiệu hoặc thuốc kháng virus để điều trị bệnh. Vậy nên, với những người bệnh ở mức độ nhẹ, việc áp dụng các biện pháp dưới đây có thể giúp kiểm soát tốt triệu chứng: 

  • Sử dụng thuốc: Paracetamol là thuốc hạ sốt và giảm đau mỏi cơ thường được chỉ định trong điều trị sốt xuất huyết, với liều dùng 15mg/kg thể trọng, cách nhau 4 – 6 giờ. Lưu ý, thuốc có nguy cơ gây hại cao nên chỉ sử dụng theo đúng liều chỉ định, không dùng quá 4 lần/ngày và không quá 7 ngày. 
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Hạ sốt là tiêu chí quan trọng nhất của phác đồ điều trị tại nhà, nên để thoát nhiệt nhanh chóng, người bệnh không nên mặc quá nhiều lớp quần áo, không mặc quần áo quá dày hoặc tránh ủ quá ấm…

Bên cạnh theo dõi sát sao sức khỏe khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà, người bệnh cũng cần đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị khẩn cấp, khi xuất hiện các triệu chứng bệnh đã biến chứng gồm:

  • Sốt cao liên tục và kéo dài hơn 3 ngày. Mặc dù sang ngày thứ 4 có thể giảm sốt, nhưng đây cũng là thời điểm nguy hiểm vì có nguy cơ cao sẽ xuất hiện biến chứng.  
  • Đau bụng nặng, nhất là vùng hạ sườn
  • Nôn thường xuyên và đôi khi nôn ra máu
  • Chảy máu mũi hoặc chảy máu nướu
  • Da nhợt nhạt, lạnh hoặc ẩm ướt do đổ mồ hôi nhiều
  • Đi ngoài phân đen, tiểu ra máu hoặc xuất huyết âm đạo bất thường
  • Khó thở… 

3. Bị sốt xuất huyết nên làm gì? Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng

Dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi ở người bệnh sốt xuất huyết. Chính vì thế, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng là điều vô cùng cần thiết nếu muốn rút ngắn quá trình trị liệu và người bệnh phục hồi nhanh hơn. Sau đây là danh sách thực phẩm nên thêm vào chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người bị sốt xuất huyết:

  • Thịt đỏ: thịt thăn bò, thịt heo 
  • Thịt trắng: thịt gà, gà tây và cá 
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa, sữa chua Hy Lạp, bơ và phô mai
  • Trái cây: dưa lưới, chuối, lê và xoài 
  • Các loại rau: Củ cải đường, cải xoăn, cà rốt, rau diếp và rau bina

Các thực phẩm trên đều giàu protein và sắt, là hai chất dinh dưỡng cần thiết để ngăn ngừa bệnh thiếu máu do sốt xuất huyết gây ra. Hơn nữa, thực đơn này cũng nên lưu ý chọn lựa thức ăn mềm, lỏng để bù nước và dễ tiêu hóa, tránh xa các món cay nóng nhiều dầu mỡ  vì dễ gây gây đầy bụng, khó tiêu. Không ăn các loại thức ăn quá cứng hoặc quá khô, sẽ khiến người bệnh khó ăn, khó nuốt.

Ngoài ra, người bị sốt xuất huyết cũng nên tránh các món ăn sẫm màu. Lý do đơn giản là màu sắc của chúng khó phân biệt được với màu của phân có lẫn máu khi có biến chứng xuất huyết tiêu hóa xảy ra.

Có thể bạn quan tâm


Đi tìm lời giải cho việc người bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì kiêng gì? 
 

4. Tránh nguy cơ chảy máu

bị sốt xuất huyết nên làm gì: tránh nguy cơ bị chảy máu

Người bệnh sốt xuất huyết cần hạn chế các trường hợp có thể chảy máu như chấn thương, cạo gió, nhổ răng (kể cả răng sữa),… Việc chảy máu trong khi đang bị sốt xuất huyết có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp như: 

5. Nghỉ ngơi điều độ

Trong quá trình điều trị, người bệnh có nguy cơ bị mất đi rất nhiều năng lượng nên việc nghỉ ngơi điều độ cũng là cách để nhanh hồi phục sức khỏe. Việc nghỉ ngơi điều độ sẽ bao gồm ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, uống thuốc đúng liều và vận động nhẹ để tăng lưu thông máu huyết. 

Bị sốt xuất huyết nên hạn chế những việc gì? 

Mặt khác, trong thời gian điều trị bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cũng nên hạn chế thực hiện những việc dưới đây: 

  • Tránh dùng các loại thuốc giảm đau và chống viêm như aspirin, ibuprofen, diclofenac, naproxen hoặc axit mefenamic, vì chúng có thể gây loét và xuất huyết dạ dày. Một số loại thuốc còn có khả năng làm loãng máu, tăng nguy cơ xuất huyết và dẫn đến các biến chứng về mạch máu. 
  • Dù được điều trị tại nhà nhưng bạn không nên tự ý mua thuốc ngoài hoặc sử dụng thuốc không theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Không nên truyền dịch bừa bãi, cần có chỉ định liều lượng và cách dùng thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa. 
  • Tránh sử dụng các thực phẩm có chứa lượng salicylat cao như các thực phẩm có hương vị bạc hà, nước sốt cà chua, quả mọng và trái cây có múi. Nguyên do là vì hoạt chất này sẽ hoạt động như aspirin trong cơ thể, khi tiêu thụ quá mức có thể làm loãng máu và cản trở quá trình đông máu, gây ra tình trạng xuất huyết nặng. 
  • Hạn chế ăn một số loại trái cây  như quả mâm xôi, quả việt quất, mận, dừa, đào… cùng một số loại rau như măng tây, cần tây, hành tây, cà tím, bông cải xanh, củ cải…

Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp cho bạn thắc mắc “bị sốt xuất huyết nên làm gì?”. Mặc dù, sốt xuất huyết có thể tự điều trị tại nhà, nhưng người bệnh cũng cần đến cơ sở y tế thăm khám thường xuyên để hạn chế tình trạng bệnh diễn tiến nặng trong giai đoạn hết sốt và các triệu chứng đã giảm, vì trong giai đoạn này thường xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Neurological Complications of Dengue Fever

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9210046/ Ngày truy cập 05/10/2023

Homecare for Dengue Patients

https://www.cdc.gov/dengue/resources/factsheets/homeCareenglish.pdf Ngày truy cập 05/10/2023

​Dengue Fever: How to Recover Fast

https://www.healthxchange.sg/women/health-scares-outbreaks/dengue-fever-how-to-recover-fast Ngày truy cập 05/10/2023

Food for Dengue Treatment: What to Eat, Avoid & Diet Plan

https://www.tuasaude.com/en/foods-that-can-speed-up-recovery-from-dengue/ Ngày truy cập 05/10/2023

Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

http://soyte.hatinh.gov.vn/tin-tuc-su-kien/pho-bien-kien-thuc/suc-khoe-me-va-be/nhung-viec-tuyet-doi-khong-nen-lam-khi-tre-bi-sot-xuat-huyet.html Ngày truy cập 05/10/2023

Cách chăm sóc và dùng thuốc khi mắc sốt xuất huyết tại nhà

https://tytphuonglinhtay.medinet.gov.vn/phong-chong-cac-benh-truyen-nhiem/cach-cham-soc-va-dung-thuoc-khi-mac-sot-xuat-huyet-tai-nha-cmobile9425-71353.aspx Ngày truy cập 05/10/2023

Những điều người mắc sốt xuất huyết cần làm để nhanh khỏi

https://ksbtdanang.vn/phong-chong-dich-benh/nhung-dieu-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-can-lam-de-nhanh-khoi-960.html Ngày truy cập 05/10/2023

Phiên bản hiện tại

13/10/2023

Tác giả: Nhi Bui

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Sốt xuất huyết có được gội đầu không? Hướng dẫn gội đầu đúng cách

Sốt xuất huyết có bị lại không? Bị mấy lần trong đời, có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 13/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo