backup og meta

Sốt thấp khớp

Sốt thấp khớp

Tìm hiểu chung

Sốt thấp khớp là bệnh gì?

Sốt thấp khớp ( hay bệnh thấp tim và thấp khớp cấp) là tình trạng viêm ở tim, hệ thần kinh, da và khớp sau khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh thường là biến chứng của bệnh viêm họng hay ban đỏ do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A.

Sốt thấp khớp không lây lan nhưng bệnh nhiễm trùng gây ra sốt thấp khớp thì có thể lây nhiễm.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt thấp khớp là gì?

Các triệu chứng của sốt thấp khớp bao gồm:

  • Sốt, mệt mỏi, xanh xao;
  • Ăn không ngon miệng;
  • Phát ban nhẹ, có những hạt nhỏ dưới da ở vùng có xương nhiều như bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và khớp ngón tay;
  • Viêm khớp kèm theo đau, sưng và nóng khớp.

Ngoài ra, nếu tình trạng viêm nhiễm xuất hiện ở tim, bạn có thể có các triệu chứng như: thở gấp, sưng mắt cá chân và sưng quanh mắt, và tim đập nhanh.

Nếu não bị ảnh hưởng, bạn sẽ không kiểm soát được một vài hành vi hoặc động tác vô nghĩa của mình.

Biến chứng phổ biến nhất của sốt thấp khớp là tổn thương van tim mà có thể gây ra tiếng thổi tim (tiếng động bất thường giữa các nhịp tim).

Bạn có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám để trị dứt điểm ngay từ khi thấy các triệu chứng của bệnh viêm họng để tránh nguy cơ phát triển bệnh sốt thấp khớp. Ngoài ra, bạn cần đến bệnh viện nếu bạn gặp một số tình trạng sau:

  • Đau họng nhưng không có các triệu chứng bệnh cảm như nghẹt mũi;
  • Đau họng cùng với hạch bạch huyết sưng tấy;
  • Nhọt đỏ nổi từ đầu và cổ, lan rộng đến thân và các chi;
  • Khó nuốt, ngay cả nước bọt;
  • Chảy máu mũi đặc (tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi bị sốt thấp khớp);
  • Lưỡi đỏ và nổi nhiều mụn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh sốt thấp khớp?

Sốt thấp khớp là một dạng rối loạn tự miễn, có nghĩa là cơ thể phản ứng lại tế bào hoặc mô của chính nó. Tinh trạng này xảy ra khi bạn bị viêm họng hoặc ban đỏ do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A. Các vi khuẩn liên cầu này có chứa một loại protein tương tự như một số mô của cơ thể, do đó nó có thể đánh lừa hệ thống miễn dịch tấn công ngược lại các mô của một số cơ quan cơ thể như tim, khớp, da và hệ thần kinh trung ương. Phản ứng này của hệ miễn dịch sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm và dẫn đến các triệu chứng sốt thấp khớp.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải sốt thấp khớp?

Sốt thấp khớp có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường phổ biến nhất ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sốt thấp khớp?

Những yếu tố khiến nguy cơ bị sốt thấp khớp tăng bao gồm:

  • Di truyền: nếu bạn hay con bạn có người nhà từng bị sốt thấp khớp, bạn hoặc bé sẽ có khả năng cao cũng bị sốt thấp khớp;
  • Chủng vi khuẩn gây viêm họng: chủng vi khuẩn liên cầu nhóm A có khả năng làm bạn hoặc trẻ bị sốt thấp khớp sau khi bị viêm họng;
  • Môi trường sống thiếu vệ sinh và ô nhiễm: đây là yếu tố làm trẻ dễ bị nhiễm khuẩn và lây bệnh, dẫn đến nguy cơ sốt thấp khớp cao.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh sốt thấp khớp?

Bác sĩ có thể chẩn đoán sốt thấp khớp cho trẻ từ bệnh sử, kiểm tra lâm sàng và làm một số xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu để phát hiện vi khuẩn liên cầu hoặc kháng thể của vi khuẩn liên cầu trong máu.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang, xét nghiệm điện tâm đồ và siêu âm tim để kiểm tra các tổn thương van tim có thể xảy ra.

Nếu tình trạng tổn thương tim xảy ra, bạn có thể tìm gặp bác sĩ chuyên khoa tim để có điều trị phù hợp nhất.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh sốt thấp khớp?

Sau khi được chẩn đoán bị sốt thấp khớp, bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng thuốc kháng sinh trong vài ngày để diệt vi khuẩn. Bạn nên thông báo với bác sĩ nếu bị dị ứng với penicillin.

Ngoài ra, nếu bạn bị đau cơ và khớp, bác sĩ có thể cho bạn uống các thuốc chống viêm như aspirin hoặc corticosteroid để giúp làm giảm đau và kiểm soát triệu chứng của bệnh sốt thấp khớp.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sốt thấp khớp?

Bạn có thể kiểm soát tốt bệnh sốt thấp khơp nếu bạn lưu ý vài điều sau:

  • Nếu bạn bị sốt thấp khớp, bạn nên hạn chế vận động cho đến khi các triệu chứng khỏi hẳn, có thể từ 2 đến 5 tuần;
  • Uống các loại thuốc kháng sinh trong suốt thời gian được chỉ định;
  • Uống nhiều nước khi bị sốt.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Bản in. Trang 1765

Rheumatic Fever . http://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-rheumatic-fever-basics?print=true. Ngày truy cập 25/09/2015

Rheumatic Fever. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatic-fever/basics/definition/con-20031399?p=1. Ngày truy cập 25/09/2015

Rheumatic Fever. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatic-fever/basics/tests-diagnosis/con-20031399. Ngày truy cập 25/09/2015

Rheumatic Fever. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003940.htm. Ngày truy cập 25/09/2015

Phiên bản hiện tại

24/11/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: anh.nguyen


Bài viết liên quan

Liên cầu khuẩn nhóm A: Nguyên nhân gây nhiều tình trạng nhiễm trùng

Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé sinh mổ vào mùa mưa


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 24/11/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo