Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/02/2021

Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống
Quảng cáo

Nhiễm trùng đường ăn uống là những bệnh thường gặp gây ra bởi vi sinh vật. Các triệu chứng của bệnh biểu hiện với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Vậy bệnh nhiễm trùng đường ăn uống là gì và làm thế nào để điều trị bệnh hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.

Tìm hiểu chung

Bệnh nhiễm trùng đường ăn uống là gì?

Nhiễm trùng đường ăn uống hay nhiễm trùng do thực phẩm là tình trạng viêm ở đường tiêu hóa xảy ra khi bạn ăn hoặc uống các loại thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm).

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp của các bệnh nhiễm trùng đường ăn uống là gì?

Tình trạng nhiễm trùng đường ăn uống gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng. Hai triệu chứng phổ biến nhất của các bệnh này là tiêu chảy và nôn mửa, thường kéo dài 1 – 7 ngày. Các triệu chứng khác có thể kể đến như:

  • Buồn nôn
  • Chuột rút hoặc đau quặn ở bụng
  • Sốt
  • Tiêu chảy ra máu
  • Mất nước
  • Đau nhức khớp/lưng
  • Mệt mỏi

Triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường ăn uống

Thông thường, thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với mầm bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng) có thể kéo dài từ vài giờ đến một tuần. Nếu nhận thấy các triệu chứng của bệnh kéo dài hơn 1 tuần hoặc biểu hiện nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.

Nguyên nhân gây bệnh

Các tác nhân trong thực phẩm có thể gây nhiễm trùng đường ăn uống

Các bệnh nhiễm trùng đường ăn uống có thể gây ra do các nhóm vi sinh vật khác nhau, bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. Các tác nhân này sẽ xâm nhập và gây ô nhiễm thực phẩm. Khi ăn các loại thực phẩm bị nhiễm bẩn, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường ăn uống. Một số vi sinh vật gây bệnh phổ biến, bao gồm:

Vi khuẩn

Các nhóm vi khuẩn thường gặp có thể gây nhiễm trùng đường ăn uống là:

  • Helicobacter pylori
  • Campylobacter
  • E.coli
  • Listeria monocytogenes
  • Salmonella
  • Shigella
  • Vibrio parahaemolyticus
  • Loài Yersinia

Virus

  • Norovirus
  • Calicivirus
  • Rotavirus

Ký sinh trùng

  • Cryptosporidium
  • Cyclospora spp.
  • Trùng roi (Giardia)
  • Toxoplasma gondii

Nấm

Một số loại thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh vật

Thực phẩm sống như thịt gia súc và gia cầm sống, trứng sống, sữa chưa tiệt trùng, hải sản tươi sống là những loại thực phẩm có nhiều khả năng bị nhiễm bẩn nhất.

Trái cây và rau củ quả cũng có thể bị ô nhiễm do chưa loại bỏ hết phân bón động vật hoặc do rửa bằng nước nhiễm bẩn. Nước ép hoặc rượu trái cây được sản xuất từ các loại trái cây này cũng có thể bị nhiễm vi sinh vật nếu không được chế biến đúng cách.

Các loại giá đỗ cũng có thể gây nhiễm trùng qua đường ăn uống do điều kiện nảy mầm của chúng là môi trường lý tưởng để vi sinh vật phát triển.

Các loại thức ăn, sau khi bị người nhiễm bệnh chạm vào, nếu không được chế biến kỹ (xà lách, trái cây cắt nhỏ…) có thể truyền bệnh cho người khác.

Nguy cơ mắc phải

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh nhiễm trùng đường ăn uống. Tuy nhiên, một số đối tượng có nhiều nguy cơ hơn, chẳng hạn như:

  • Phụ nữ có thai
  • Trẻ nhỏ
  • Người lớn tuổi
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu
  • Người ăn nhiều thực phẩm tươi sống hoặc không được chế biến kỹ
  • Người sống trong khu vực bị ô nhiễm nước hoặc dùng các loại nước không được lọc/chưng cất/đun sôi
  • Người thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm bệnh

Ăn nhiều thực phẩm tươi sống

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những thủ thuật y tế dùng trong chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường ăn uống là gì?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua những thông tin thu thập được từ bệnh nhân như tiền sử, đặc điểm dịch tễ học và triệu chứng gặp phải. Các triệu chứng và thời gian khởi phát bệnh có thể giúp thu hẹp chẩn đoán phân biệt và xác định được một số tác nhân có thể gây bệnh.

Sau khi thăm khám lâm sàng, theo dõi và chờ đợi thường là lựa chọn phù hợp nhất trong chẩn đoán và kiểm soát các bệnh nhiễm trùng đường ăn uống. Xét nghiệm thường chưa cần thiết trong các trường hợp này. Tuy nhiên, nếu cần, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm phân để xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện, bao gồm: xét nghiệm huyết thanh, xét nghiệm CRP, xét nghiệm công thức máu, cấy máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang bụng, nội soi…

Kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm trùng đường ăn uống

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị triệu chứng

Các thuốc trị tiêu chảy, bao gồm thuốc làm chậm nhu động ruột, thuốc kháng cholinergic và các chất hấp thụ không được khuyến khích dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, và những bệnh nhân nghi nhiễm E.Coli có tiết độc tố Shiga. Điều trị triệu chứng bằng loperamide (thuốc giảm nhu động ruột) hoặc bismuth subsalicylate có thể được cân nhắc sử dụng cho người lớn có triệu chứng tiêu chảy cấp. Mặc dù hiệu quả hơn bismuth subsalicylate nhưng loperamide thường không được chỉ định cho bệnh nhân bị chảy máu trực tràng hoặc biểu hiện các triệu chứng toàn thân vì có thể khiến bệnh lan rộng.

Ở những bệnh nhân bị nôn mửa đáng kể, thuốc chống nôn sẽ làm giảm triệu chứng và giảm bớt nhu cầu phải nhập viện truyền dịch.

Thuốc điều trị

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hay nấm mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Bổ sung nước

Nhiều bác sĩ khuyến khích bạn bổ sung nước đầy đủ để kiểm soát tình trạng mất nước mức độ nhẹ đến trung bình do tiêu chảy gây ra.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế nguy cơ bệnh nhiễm trùng đường ăn uống

Một số thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ gặp phải các bệnh nhiễm trùng đường ăn uống.

Thường xuyên rửa tay và các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm

Bạn hãy dùng nước xà phòng nóng để rửa thớt, chén đĩa, đồ dùng cũng như vệ sinh bàn ghế. Xà phòng tuy không giết chết vi sinh vật nhưng có thể loại bỏ chúng ra khỏi các bề mặt.

Hãy sử dụng các loại khăn dùng một lần để vệ sinh bề mặt bếp vì các tác nhân gây bệnh có thể tích tụ trên khăn vải. Nếu dùng các loại khăn vải, bạn nên giặt khăn thường xuyên.

Bạn nên rửa trái cây và rau củ quả dưới vòi nước đang chảy thay vì rửa trong thau. Hãy rửa thực phẩm trước khi gọt vỏ vì vi sinh vật gây bệnh có thể chuyển từ vỏ rau củ nhiễm bẩn sang tay bạn, sau đó truyền lại lên thức ăn.

Gọt vỏ để tránh thực phẩm bị nhiễm bẩn

Hạn chế lây nhiễm chéo

Bạn hãy để thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm chín. Hầu hết vi sinh vật không thể tồn tại ở nhiệt độ cao và bị tiêu diệt khi nấu chín. Các thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến có thể làm ô nhiễm thực phẩm chín.

Hãy sử dụng thớt riêng khi chế biến thực phẩm tươi sống. Ngay cả khi đã rửa thớt bằng xà phòng, một số loại vi sinh vật có thể ẩn náu trong các vết nứt hoặc kẽ hở trên thớt. Vì vậy, bạn nên sử dụng 2 chiếc thớt riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Không sử dụng lại đồ dùng đựng thực phẩm sống hoặc trứng sống mà chưa rửa kỹ bằng xà phòng.

Nấu thức ăn ở nhiệt độ thích hợp

Bạn nên nấu thức ăn ở nhiệt độ ít nhất 60ºC. Trong quá trình nấu, bạn nên khuấy nhẹ nhàng để tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật có trong thực phẩm. Không nên ăn trứng sống, đặc biệt là lòng trắng sống vì Salmonella enteritidis thường được tìm thấy trong lòng trắng trứng, nhưng đôi khi loại vi khuẩn này cũng có thể xuất hiện ở cả lòng đỏ.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Bạn hãy đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh luôn được duy trì ở mức ổn định và phù hợp. Điều kiện lạnh có thể ngăn chặn sự phát triển của hầu hết các vi khuẩn. Các loại thực phẩm dễ bị hỏng nên được bảo quản lạnh trong vòng 2 giờ sau khi để ở nhiệt độ phòng. Nếu lâu hơn, các vi sinh vật trong môi trường có thể phát triển và gây ô nhiễm thực phẩm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/02/2021

Quảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Quảng cáo
Quảng cáo
Quảng cáo