backup og meta

Bệnh quai bị có lây không? 3 cách lây lan chủ yếu

Bệnh quai bị có lây không? 3 cách lây lan chủ yếu

Nếu bạn muốn biết bệnh quai bị có lây không thì bài viết này sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời chính xác, đầy đủ nhất.

Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh nhiễm do virus mumps gây ra. Virus này có tốc độ lây lan rất nhanh và dễ trở thành đại dịch nếu người bệnh không có ý thức chăm sóc bản thân và ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Bạn có thể bị virus mumps tấn công khi nói chuyện, tiếp xúc gần gũi, dùng chung ly, cốc và dụng cụ ăn uống với bệnh nhân quai bị.

Trên thế giới, quai bị đã từng là đại dịch ở một số quốc gia châu Phi và vài tiểu bang nước Mỹ. Kể từ khi vaccine quai bị ra đời (năm 1967), căn bệnh này đã tiết giảm đến 90%. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mắc bệnh sau khi tiêm vaccine quai bị vì nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất có thể là hệ miễn dịch của bạn không có phản ứng tốt với vaccine được tiêm hoặc bạn chưa tiêm đủ 2 liều theo khuyến nghị của các tổ chức y tế.

Triệu chứng quai bị

Bệnh quai bị có lây không

Thông thường, người nhiễm virus quai bị sẽ có triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi và chán ăn. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục sốt cao hơn và bị sưng tuyến nước bọt ở 1 hoặc cả 2 bên. Lúc đó, 1 hoặc 2 bên má bệnh nhân cũng sưng phồng ra khiến khuôn mặt họ bị biến dạng.

Tình trạng sưng phồng 2 má và đau tuyến mang tai (nằm dưới 2 hàm, phía trước tai) cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất để kết luận khoảng 80% bạn mắc bệnh quai bị. 20% còn lại là do những nguyên nhân khác như dị ứng, chấn thương…

Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu này, bạn cần chủ động cách ly bản thân khỏi những nơi đông người và đến bệnh viện ngay để bác sĩ cho bạn chẩn đoán bệnh chính xác. Đây là việc làm thể hiện bạn rất có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và có trách nhiệm phòng ngừa sự lây lan cho những người xung quanh.

Tôi có được miễn dịch hoàn toàn với bệnh quai bị sau khi tiêm vaccine MMR không?

Vaccine MMR là vaccine tổng hợp phòng cả 3 bệnh sởi, quai bị và rubella trong 1 mũi tiêm. Mặc dù vaccine MMR có khả năng làm giảm 88% nguy cơ nhiễm virus quai bị nhưng hiệu quả của nó có thể suy yếu dần theo thời gian. Điều đó có nghĩa là bạn cần phải tiêm nhắc lại để luôn làm mới sức đề kháng của cơ thể trước virus gây bệnh quai bị. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết lịch tiêm nhắc lại trong từng trường hợp cụ thể.

Trẻ em nên được tiêm vaccine MMR khi đủ 12 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi được 4-6 tuổi. Người lớn chỉ cần tiêm ngừa khi xung quanh mình đang có người mắc bệnh quai bị. Khi đó, bạn nên tiêm đủ 2 liều cách nhau 28 ngày kể cả khi bạn đã tiêm đủ MMR từ lúc nhỏ.

Làm sao để biết tôi có miễn dịch với bệnh quai bị hay không?

Xét nghiệm

Nếu bạn đã tiêm đầy đủ vaccine quai bị và muốn biết mình đã có khả năng miễn dịch với bệnh hay chưa, bạn hãy yêu cầu bác sĩ cho làm xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy tại thời điểm đó, cơ thể bạn đã có đủ kháng thể để chống lại virus quai bị hay chưa.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm không có giá trị vĩnh viễn vì khả năng miễn dịch của mỗi người có thể suy giảm theo thời gian. Có thể lúc này bạn đang có đủ khả năng miễn dịch với bệnh quai bị nhưng một thời gian sau đó, khả năng ấy sẽ mất đi.

Bệnh quai bị có lây không?

Theo những gì đã phân tích, bạn nghĩ bệnh quai bị có lây không? Câu trả lời là có!

Virus quai bị có sức lây lan mạnh mẽ và nhanh chóng trong khoảng 6 ngày trước khi bùng phát triệu chứng trên cơ thể người bệnh và 9 ngày sau khi triệu chứng bắt đầu thuyên giảm.

Phương thức lây lan lan phổ biến là do người lành tiếp xúc, đụng chạm vào nước bọt hoặc dịch tiết từ mũi của người bệnh.

Ngoài ra, cách lây lan bệnh quai bị thường gặp khác là khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nước bọt của họ dính vào tay. Sau đó, họ cầm nắm vào các vật dụng trong nhà. Bạn đụng chạm hoặc sử dụng các vật dụng đó trước khi chúng được sát khuẩn.

Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Bệnh quai bị

Câu trả lời phụ thuộc vào quá trình chăm sóc bản thân và điều trị bệnh quai bị của bạn có đúng theo kiến thức khoa học không.

Thông thường, bệnh quai bị có thể tự khỏi trong khoảng 3-4 tuần và không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu bạn làm đúng theo hướng dẫn điều trị, nghỉ ngơi của bác sĩ.

Vì không có thuốc đặc trị virus quai bị nên bác sĩ sẽ không dùng kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân quai bị. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau hoặc thuốc giúp giảm triệu chứng quai bị để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Điều bạn cần làm là tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng cữ và đủ liều.

Bạn không nên tự ý mua thuốc bôi, uống từ bên ngoài hoặc dùng các loại dược liệu truyền miệng đắp vào vết sưng. Nếu điều không may xảy ra, bạn có thể mắc thêm nhiều bệnh lý hoặc tình trạng bất lợi khác. Nghiêm trọng hơn, điều trị quai bị không đúng cách sẽ khiến bệnh có nhiều nguy cơ biến chứng như sưng tinh hoàn, buồng trứng hoặc viêm màng não. Lúc đó, bệnh quai bị thật sự nguy hiểm vì nó có khả năng đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Cách phòng bệnh quai bị  

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine MMR. Bạn có thể tiêm ở các trung tâm tiêm chủng hoặc cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ này.

Bệnh quai bị thường khởi phát vào độ đông, xuân, khi thời tiết ẩm ướt. Vì thế, trong khoảng thời gian này, bạn cần chú ý vào yếu tố dinh dưỡng và chế độ vận động để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Sức đề kháng khỏe mạnh cũng có nghĩa là bạn có nhiều khả năng chống lại bệnh tật hơn.

Nếu xung quanh bạn có người mắc bệnh quai bị, bạn có thể phòng ngừa lây lan bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Trường hợp bất khả kháng, hãy đeo khẩu trang mỗi khi trò chuyện với bệnh nhân và rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Trong nhà có người bệnh quai bị thì các vật dụng thường dùng cũng phải được sát khuẩn thường xuyên.

Những điều cần chú ý khi điều trị quai bị tại nhà

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn điều trị quai bị tại nhà sau khi thăm khám và chẩn đoán lâm sàng. Người bệnh điều trị quai bị tại nhà phải chú ý những điều sau:

  • Uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ.
  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể bằng nước ấm.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vết sưng để thấy dễ chịu hơn.
  • Ưu tiên ăn các loại thực phẩm chế biến từ đậu, ngũ cốc và thức ăn dạng lỏng. Bổ sung rau xanh, trái cây vào khẩu phần ăn và tuyệt đối tránh các loại đồ ăn có vị chua, cay, nóng.
  • Nếu không cần thiết, bệnh nhân không nên ra ngoài và đụng chạm vào nước lạnh vì gió và nước có thể làm hệ miễn dịch của bệnh nhân suy yếu hơn. Vì thế, bệnh nhân dễ mắc thêm các bệnh khác như cảm, sốt. Điều này càng làm cơ thể mệt mỏi và kéo dài thời gian điều trị bệnh.
  • Cách ly khỏi bà bầu, trẻ em và những người chưa được tiêm vaccine quai bị để ngăn ngừa sự lây lan cho những đối tượng này.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác và thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau khi ho hoặc hắt hơi.

Hello Bacsi hy vọng những thông tin vừa cung cấp đã giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về bệnh quai bị để biết bệnh quai bị có lây không. Từ đó, bạn có thêm kiến thức phòng và chữa bệnh cho mình và người thân.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

All things you need to know about mumps

https://www.nbcphiladelphia.com/news/local/10-Questions-and-Answers-on-What-You-Need-To-Know-About-Mumps-507528671.html

Ngày truy cập: 8/8/2019

Vaccine MMR

https://globalnews.ca/news/3277843/everything-you-need-to-know-about-mumps-and-why-its-making-a-comeback/

Ngày truy cập: 8/8/2019

What is mumps

https://www.sciencedaily.com/releases/2016/12/161220094745.htm

Ngày truy cập: 8/8/2019

Phiên bản hiện tại

20/05/2022

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Những điều cần biết về bệnh quai bị ở người lớn

Không tự ý điều trị quai bị tại nhà để phòng ngừa biến chứng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 20/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo