backup og meta

Thay van tim có nguy hiểm không?

Thay van tim có nguy hiểm không?

Nhiều người bị hẹp hay hở van tim hy vọng thay van tim xong sẽ khỏi hẳn, thế nhưng thực tế lại không đơn giản vậy. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, bạn vẫn phải đối mặt với nhiều biến cố nguy hiểm khác “ẩn nấp” trong quá trình điều trị, và câu hỏi đầu tiên vẫn là “mổ thay van tim có nguy hiểm không”.

Để tìm ra lời giải cho nỗi lo này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu điều kiện phẫu thuật, nguy cơ biến chứng cũng như cách ngăn ngừa hiệu quả nhé.

Thay van tim có nguy hiểm không? Biến cố có thể gặp phải trong phẫu thuật

mổ thay van tim có nguy hiểm không

Ngay trong quá trình thực hiện phẫu thuật thay van tim, người bệnh cũng có thể gặp phải những rủi ro sau đây:

• Phản ứng với thuốc gây mê: Một số bệnh nhân có thể sẽ có phản ứng tăng nhịp tim, tăng huyết áp khi sử dụng thuốc gây mê trong phẫu thuật.

• Chảy máu trong phẫu thuật: Bệnh nhân có thể chảy máu trong khi phẫu thuật, nếu lượng máu mất đi quá nhiều thì sẽ cần phải truyền máu.

• Chấn thương trong phẫu thuật: Phẫu thuật có thể vô tình gây ra thương tổn khác cho cơ thể người bệnh.

Thay van tim có nguy hiểm không? Hãy cẩn trọng biến chứng hậu phẫu

biến chứng hậu phẫu sau mổ thay van tim

Thay van tim có nguy hiểm không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, phương pháp phẫu thuật (mổ nội soi hay mổ tim hở), thay van cơ học hay van sinh học, thuốc điều trị hay các bệnh mắc kèm… đều có thể tác động làm tăng rủi ro.

Người bệnh cần chú ý một số biến chứng khi phẫu thuật sau:

1. Hình thành cục máu đông

Những người thay van tim cơ học sẽ có nguy cơ hình thành cục máu đông hay còn gọi là huyết khối cao hơn so với thay van sinh học. Máu đông có thể gây kẹt van (hay gặp với thay van cơ học) hoặc rách lá van (hay gặp ở thay van sinh học), gây rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ (do cục máu đông di chuyển lên não làm tắc mạch máu não).

Để ngăn chặn tình trạng hình thành cục máu đông này, bạn cần dùng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi định kỳ chỉ số đông máu INR nhằm điều chỉnh thuốc kịp thời.

2. Xuất huyết do dùng thuốc

mổ thay van tim có nguy hiểm không

Việc sử dụng thuốc kháng đông lâu dài hoặc dùng với liều không phù hợp sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu (xuất huyết) với biểu hiện là vết bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dạ dày, nặng hơn là xuất huyết não. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này bằng cách kiểm soát tốt chỉ số đông máu.

3. Rối loạn nhịp tim

Rung nhĩ (một dạng của rối loạn nhịp tim) là biến chứng thường gặp nhất sau thay van tim. Biến chứng này nguy hiểm ở chỗ có thể gây ngưng tim, tăng nguy cơ đột tử người bệnh sau thay van.

4. Viêm nội tâm mạc

Đây là một biến chứng nguy hiểm, mặc dù ít gặp nhưng tỷ lệ tử vong cao đến 40 – 50%. Viêm nội tâm mạc “sớm” xảy ra trong vòng 60 ngày sau phẫu thuật và viêm nội tâm mạc “muộn” xảy ra ở giai đoạn sau can thiệp một thời gian. Viêm nội tâm mạc dễ gây hư hỏng van và người bệnh có thể phải thay van lần 2.

Thay van tim có nguy hiểm không? Khi nào cần phải thay van tim?

Không phải cứ hẹp hay hở van tim là phải phẫu thuật. Bạn sẽ được chỉ định cách điều trị phù hợp tùy theo mức độ hẹp, hở cùng với tình trạng bệnh cụ thể của từng người.

Trường hợp chưa cần thay van tim

cải thiện sức khỏe tim mạch qua chế độ ăn uống

Bạn chưa cần phẫu thuật thay van tim trong các trường hợp sau đây:

• Mức độ hẹp, hở nhẹ: Khi chưa xuất hiện triệu chứng gì, bạn chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi 6 tháng một lần kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh và điều chỉnh chế độ ăn uống.

• Mức độ hẹp, hở van nhẹ và trung bình: Nếu có xuất hiện các triệu chứng như khó thở, hồi hộp trống ngực, mệt mỏi, ho, phù, đau tức ngực nhưng việc điều trị bằng thuốc kiểm soát được các triệu chứng đó thì bạn chưa cần phải thay van tim mà vẫn phòng ngừa được suy tim.

Trường hợp cần phải thay van tim

thay van tim có nguy hiểm không
Người bị hẹp, hở van tim nặng có thể được chỉ định phẫu thuật nội soi hay mổ hở thay van tim

Người bệnh hẹp hở van cần được thay van tim khi các phương pháp điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc các dấu hiệu triệu chứng nặng lên hay trong các trường hợp phân suất tống máu giảm (đo trên siêu âm tim), cấu trúc tim bị thay đổi (tim to). Cụ thể trong các trường hợp:

• Hẹp, hở van tim nặng: Với các mức độ hở từ 3/4 – 4/4, hoặc hẹp với diện tích lỗ van nhỏ hơn 1,5 cm2 có kèm theo triệu chứng cơ năng của suy tim, buồng thất trái giãn rộng thì cần phẫu thuật sớm. Riêng với hở van động mạch chủ thứ phát do tăng huyết áp kèm với phân suất tống máu giảm dưới 50% thì dù hở nhẹ có thể cũng cần phải thay van.

• Xuất hiện rung nhĩ: Ở những người bệnh hẹp, hở van tim xuất hiện biến chứng rung nhĩ thì cũng cần phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa.

Thay van tim là một phương pháp điều trị cần thiết trong một số trường hợp nhất định. Vì vậy, khi có chỉ định thay van tim, người bệnh không nên trì hoãn. Đôi khi sự chậm trễ có thể đánh mất cơ hội điều trị.

Bạn nên làm gì khi chưa đủ điều kiện thay van?

thay van tim có nguy hiểm không
Bạn cần lạc quan để tránh bị stress để duy trì hiệu quả tốt sau thay van

Với những trường hợp người bệnh chưa đủ điều kiện về kinh tế, sức khỏe để thay van hoặc mức độ bệnh chưa đến mức cần phẫu thuật thì điều trị bằng thuốc kết hợp với lối sống lành mạnh là giải pháp tối ưu giúp trì hoãn thay van tim. 

1. Điều trị nội khoa bằng thuốc

Thuốc điều trị không làm cho van hết hẹp, hở nhưng thuốc có thể kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bạn sử dụng một hay nhiều các loại thuốc như: thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc trợ tim, thuốc giãn mạch, thuốc kháng đông…

2. Điều chỉnh lối sống lành mạnh

giữ lối sống lành mạnh sau thay van tim

Lối sống lành mạnh chính là “chìa khóa vàng” giúp đẩy lùi bệnh tật. Bạn hãy lưu ý những điều sau đây để cải thiện triệu chứng và góp phần nâng cao hiệu quả điều trị:

• Tập thể dục thường xuyên: Bạn có thể chọn những bài tập giúp tăng cường sức khỏe tim nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga… khoảng 30 phút mỗi ngày để giúp tăng lưu thông máu, nâng cao sức khỏe trái tim.

• Chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, cá và ngũ cốc nguyên hạt; đồng thời bạn cần giảm ăn mặn, kiêng ăn đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn và tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

• Tránh lo lắng, căng thẳng: Stress ảnh hưởng không tốt tới tim mạch. Bạn nên thư giãn bằng cách nghe nhạc, câu cá, ngồi thiền, gặp gỡ bạn bè…

Như sau cơn mưa trời lại sáng, chẳng có niềm vui mừng nào lớn hơn khi bạn vượt qua một giai đoạn bệnh tật đầy khó khăn và lo lắng. Cách tốt nhất để bạn vượt qua nỗi sợ hãi “thay van tim có nguy hiểm không?” chính là đối mặt với mọi rủi ro bằng sự chủ động ngăn ngừa bệnh tiến triển.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Treatment for Heart Valve Disease
https://www.webmd.com/heart-disease/guide/valve-disease-treatment#1
Ngày truy cập 21/1/2021

Heart valve disease
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-valve-disease/symptoms-causes/syc-20353727
Ngày truy cập 21/1/2021

Heart Valve Diseases
https://medlineplus.gov/heartvalvediseases.html
Ngày truy cập: 21/1/2021

Phiên bản hiện tại

20/05/2022

Tác giả: Thảo Viên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngà Trương


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Người bị bệnh động mạch vành nên ăn gì? | Hello Bacsi x SANOFI

[Hỏi đáp cùng bác sĩ] Bệnh hở van tim 1/4 nên điều trị thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 20/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo