Tìm hiểu chung
Hở van động mạch phổi là gì?
Hở van động mạch phổi là tình trạng van động mạch phổi không đóng chặt gây rò rỉ, khiến cho lưu lượng máu từ tâm thất của tim đến phổi không được kiểm soát như bình thường. Lúc này, máu chảy ngược vào tâm thất phải thay vì được bơm đến phổi nhận oxy và chất dinh dưỡng.
Van động mạch phổi nằm giữa tâm thất phải (ngăn bên dưới phía bên phải của tim) và động mạch phổi (động mạch giúp đưa máu từ tim đến phổi), giúp máu được bơm đến phổi nhịp nhàng theo từng chu kỳ co bóp của tim.
Lúc van này hoạt động bình thường, máu sẽ chảy theo một chiều từ tâm thất phải theo động mạch phổi đến phổi để lấy oxy và trao đổi chất. Sau đó, máu giàu oxy theo tĩnh mạch phổi trở về tim và tiếp tục được bơm đến các cơ quan khác trong cơ thể để thực hiện quá trình trao đổi.
Khi van động mạch phổi bị hở tức là lá van này không thể đóng chặt sẽ khiến cho máu chảy ngược vào lại tâm thất phải khi tim co bóp tống máu đi đến động mạch phổi.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van động mạch phổi
Tình trạng này thường không có triệu chứng giúp phát hiện sớm bệnh. Các dấu hiệu liên quan thường được phát hiện qua thăm khám sức khỏe khi bác sĩ nghe thấy âm thanh lạ giữa nhịp đập của tim.
Khi tâm thất phải phì đại do tim phải hoạt động bù trừ vì van động mạch phổi bị hở thì người bệnh có thể nhận thấy những triệu chứng bất thường. Đến khi bệnh tiến triển thành suy tim sẽ gây ra những triệu chứng đáng chú ý như:
- Đau ngực hoặc khó chịu
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Ngất xỉu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây hở van động mạch phổi là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây hở van động mạch phổi là tăng huyết áp động mạch phổi hoặc có khuyết tật tim bẩm sinh (cụ thể là tứ chứng Fallot).
Các nguyên nhân ít gặp hơn gồm có:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Biến chứng sau phẫu thuật điều trị tứ chứng Fallot
- Giãn động mạch phổi vô căn
- Bệnh van tim bẩm sinh
- Hội chứng carcinoid
- Sốt thấp khớp
- Biến chứng sau khi đặt ống thông
Hở van động mạch phổi nặng hiếm khi xảy ra và thường là kết quả của một khuyết tật tim bẩm sinh liên quan đến sự giãn nở của động mạch phổi cùng với van động mạch phổi.
Bệnh góp phần gây giãn thất phải, sau cùng gây rối loạn chức năng thất phải do suy tim. Hầu hết trường hợp, nguyên nhân tăng huyết áp phổi có khả năng gây ra biến chứng này cao hơn. Trong khi đó, viêm nội tâm mạc gây hở van động mạch phổi cấp tính hiếm khi dẫn đến rối loạn chức năng thất phải do suy tim cấp.
Yếu tố nguy cơ
Những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch hoặc có những vấn đề liên quan đến van tim này thường dễ có nguy cơ mắc bệnh, như là:
- Từng phẫu thuật điều trị hẹp van động mạch phổi
- Bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Tăng huyết áp động mạch phổi
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hở van động mạch phổi?
Hở van động mạch phổi thường được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện siêu âm tim doppler vì một lý do khác. Khi hở van nhẹ, bác sĩ chỉ cần tiến hành siêu âm tim bình thường là có thể đưa ra chẩn đoán.
Đôi lúc bác sĩ thực hiện đo điện tâm đồ (ECG) và chụp X-quang ngực. Kết quả đo điện tâm đồ có thể cho thấy dấu hiệu phì đại tâm thất phải, còn X-quang ngực giúp nhìn thấy mức độ giãn rộng của tâm thất phải và là bằng chứng cho tình trạng tăng huyết áp phổi.
Những phương pháp điều trị hở van động mạch phổi
Điều trị thường tập trung vào điều trị nguyên nhân gây bệnh (như tăng huyết áp phổi) và hiếm khi cần thay van mới.
Thay van động mạch phổi là lựa chọn cuối cùng nếu các triệu chứng rối loạn chức năng thất phải do suy tim tiến triển nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công và các rủi ro có thể gặp phải vấn chưa được đánh giá rõ ràng nên bác sĩ thường hạn chế chỉ định phẫu thuật này.
Một số nhóm thuốc được dùng để điều trị hở van tim giúp kiểm soát các triệu chứng, đề phòng biến chứng nghiêm trọng xảy ra bao gồm:
- Thuốc hạ huyết áp (bao gồm thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi): giúp hạ huyết áp, ổn định nhịp tim, giảm gánh nặng cho tim.
- Thuốc làm loãng máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông: làm giảm nguy cơ xuất hiện cục máu đông.
- Thuốc lợi tiểu: giúp hạ huyết áp, giảm phù nề, tích nước, giảm gánh nặng cho tim. Thường được sử dụng khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn suy tim.
- Digoxin trợ tim: thường dùng khi người bệnh đã chuyển sang giai đoạn suy tim.
Đồng thời, bạn cũng cần thay đổi lối sống để tăng cường sức khỏe tim mạch:
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: hạn chế những thực phẩm có chứa nhiều chất béo như mỡ động vật, các loại thịt đỏ, thịt lợn, thịt bò… Bổ sung thêm cá trong khẩu phần ăn, rau và trái cây tươi.
- Giảm bớt lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
- Tránh sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
- Tập luyện thể dục vừa sức thường xuyên.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ hơn về căn bệnh hở van động mạch phổi. Từ đó, bạn sẽ xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe định kỳ và thường xuyên.
[embed-health-tool-heart-rate]