Bạn bị đau tức hoặc đau nhói ngực bên trái và cho rằng mình bị đau tim? Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây đau ngực trái và cách điều trị mỗi trường hợp cũng khác nhau.
Cơn đau nhói ngực bên trái có thể xảy ra đột ngột và rõ ràng hoặc tiến triển âm ỉ, từ từ. Tùy vào nguyên nhân gây đau nhói ngực trái mà triệu chứng này có thể xuất hiện cùng với một số dấu hiệu bất thường khác. Trong số đó, nhồi máu cơ tim là tình trạng nghiêm trọng nhất, đe dọa tính mạng đòi hỏi người bệnh phải được cấp cứu ngay.
Đau ngực trái do nhồi máu cơ tim
Nếu nhận thấy các triệu chứng sau đây đi kèm với cơn đau tức ngực, bạn cần đi cấp cứu ngay vì đó có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim thực sự:
- Cảm giác đột ngột có áp lực đè nặng trên lồng ngực
- Cơn đau ngực lan đến cổ, hàm, cánh tay trái hoặc ra phía sau lưng
- Đau ngực đột ngột, dữ dội kèm theo khó thở, đặc biệt khi đang nghỉ ngơi
- Cơn đau kéo dài hơn 15 phút
- Vã mồ hôi nhiều
- Buồn nôn, nôn ói
- Chóng mặt, choáng váng
- Nhịp tim nhanh hoặc thở nhanh
- Lú lẫn
- Huyết áp rất thấp hoặc nhịp tim rất thấp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên thông báo với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt, ớn lạnh
- Ho ra chất nhầy (đờm) màu vàng, xanh
- Nuốt khó hay nuốt nghẹn
- Đau ngực dữ dội không cải thiện.
Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, bạn vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ.
Đau ngực bên trái là bệnh gì? Các nguyên nhân khác
Một số người có thể bị đau ngực bên trái khi tập thể dục, hít thở sâu hoặc cả khi nằm nghỉ. Tình trạng này có thể liên quan đến một số bệnh lý tiềm ẩn, nguy hiểm nhất là đau tức ngực trái có căn nguyên do mạch vành nuôi tim.
Nhìn chung, các nguyên nhân thường gặp có thể gây đau tức ngực bên trái có thể bao gồm:
Vấn đề tim mạch
Vấn đề tim mạch là nguyên nhân phổ biến gây đau tức ngực. Vậy, đau ngực trái là bệnh gì?
- Bệnh động mạch vành: Nhóm bệnh lý này gây tắc nghẽn mạch máu nuôi tim, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim, từ đó gây nên tình trạng đau thắt ngực. Cơn đau có thể lan đến cánh tay, vai, hàm hoặc lưng và thường được xuất hiện khi bạn gắng sức như tập thể dục, phấn khích hoặc cả đau buồn, stress tâm lý.
- Viêm cơ tim: Đau ngực bên trái có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ tim bị viêm. Viêm cơ tim có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện tim và cả chức năng co bóp của tim. Các trường hợp viêm cơ tim nhẹ đôi khi không xuất hiện triệu chứng hoặc những triệu chứng mơ hồ, chẳng hạn như đau ngực hoặc khó thở. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể bị đau tức ngực trái, loạn nhịp tim, khó thở kể cả khi nghỉ ngơi, phù chân, huyết áp thấp…
- Bệnh cơ tim phì đại: Căn bệnh di truyền này khiến cơ tim dày lên bất thường. Bệnh gây tắc nghẽn dòng máu trong tim và làm hạn chế lưu lượng máu ra khỏi tim. Theo thời gian, bệnh cơ tim phì đại có thể dẫn đến suy tim nếu cơ tim quá dày. Ngoài đau ngực trái, bệnh có thể gây chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu… và cả nguy cơ đột tử rất cao do rối loạn nhịp.
- Viêm màng ngoài tim: Màng ngoài tim là hai lớp mô mỏng bao quanh tim. Khi khu vực này bị viêm hoặc kích thích do các tác nhân bất thường, người bệnh có thể cảm nhận được một cơn đau nhói tim bên trái hoặc giữa ngực. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau ở một hoặc cả hai vai, sốt hay khó thở.
- Sa van 2 lá: Đây là tình trạng van 2 lá trong tim không thể đóng lại do tổn thương lá van. Bạn có thể không chỉ bị nặng vùng ngực bên trái mà còn có cảm giác đánh trống ngực hoặc chóng mặt, khó thở khi nằm đầu thấp.
- Bệnh bóc tách động mạch vành: Đây là một bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Bệnh xảy ra khi động mạch đến nuôi tim bị vỡ ra, có thể dẫn đến đau ngực dữ dội kéo dài đến lưng, cổ và bụng.
Vấn đề liên quan đến phổi
Một số vấn đề liên quan đến phổi cũng có thể gây nên tình trạng tức hoặc nhói đau ngực trái.
- Hen suyễn: Bệnh gây khó thở, thở khò khè, ho và đôi khi là đau ngực.
- Xẹp phổi: Cơn đau đột ngột ở hai bên ngực có khả năng là do xẹp phổi (căn nguyên thường là tràn khí màng phổi) gây ra. Nguyên nhân có thể là do bệnh hoặc chấn thương ở ngực.
- Viêm phổi: Đau dữ dội hoặc nhói ngực trái mạnh hơn khi hít thở sâu và ho có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị viêm phổi. Đặc biệt nghi ngờ nếu gần đây bạn bị bệnh hô hấp như viêm phế quản hoặc cúm.
- Tăng áp động mạch phổi: Tăng áp động mạch phổi là tình trạng huyết áp cao bất thường trong động mạch phổi. Khi bệnh tiến triển, tình trạng này có thể khiến bệnh nhân khó thở, phù chân và nhịp tim không đều. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến suy tim.
- Thuyên tắc phổi: Khi cục máu đông di chuyển theo mạch máu vào phổi làm hoại tử nhu mô phổi, bạn có thể bị đau ngực cấp tính kèm theo khó thở, tim đập nhanh và tụt huyết áp.
Các vấn đề về dạ dày – ruột
- Chứng ợ nóng, trào ngược axit hoặc GERD: Chứng ợ nóng có thể gây đau ngực bên trái và khó chịu khi axit từ dạ dày trào vào thực quản gây kích ứng. Chứng ợ nóng thường xảy ra khá nhanh sau khi bạn ăn hoặc khi nằm trong vòng vài giờ sau bữa ăn. Tình trạng này có thể tiến triển nghiêm trọng hơn thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Ngoài ợ nóng, ợ chua thường xuyên, bạn còn có triệu chứng đau nhói ngực, ho, thở khò khè, viêm họng mạn tính và khó nuốt.
- Thoát vị khe hoành (thoát vị gián đoạn): Thoát vị khe hoành xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên trên, qua lớp cơ lớn ngăn cách giữa ổ bụng và khoang ngực (cơ hoành). Bạn có thể không cần điều trị, nhưng hãy gặp bác sĩ nếu các triệu chứng khó chịu xuất hiện thường xuyên.
- Vấn đề thực quản: Một số vấn đề liên quan đến thực quản như rối loạn co bóp thực quản, thực quản quá mẫn, vỡ hoặc thủng thực quản có thể là nguyên nhân gây đau tức ngực bên trái.
Các nguyên nhân khác
- Căng thẳng: Ngực trái có thể bị đau nhói khi bạn căng thẳng, kích động hoặc phấn khích tột độ.
- Căng cơ và chấn thương thành ngực: Đau ngực bên trái có thể là hậu quả của việc các cơ ở ngực hoặc giữa các xương sườn bị kéo căng khi cử động quá mạnh. Bất kỳ tổn thương các lớp trên thành ngực đều có thể gây đau.
- Chèn ép dây thần kinh: Các chấn thương dây thần kinh, căng cơ gây chèn ép dây thần kinh đôi khi cũng có thể khiến bạn bị nhói ngực bên trái.
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực bên trái bằng cách nào?
Đau ngực trái không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán xác định hay loại trừ tình trạng này đầu tiên, để ngừa nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Họ cũng kiểm tra các tình trạng nguy hiểm khác liên quan đến phổi như xẹp phổi hoặc thuyên tắc phổi.
Các xét nghiệm khẩn cấp
Một số xét nghiệm bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện ngay khi bệnh nhân đến bệnh viện, bao gồm:
- Đo điện tâm đồ
- Xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ gia tăng một số men tim
- Chụp X-quang ngực
- Chụp CT ngực.
Các xét nghiệm tiếp theo
Tùy vào kết quả từ các xét nghiệm ban đầu, người bệnh có thể cần thực hiện thêm các cận lâm sàng cần thiết khác như:
- Siêu âm tim
- Trắc nghiệm gắng sức
- Chụp CT động mạch vành, chụp động mạch vành
Những phương pháp nào giúp điều trị đau ngực bên trái?
Dùng thuốc
- Thuốc giãn mạch: Nitroglycerin có tác dụng làm giãn mạch máu, nhờ đó máu lưu thông đến nuôi tim dễ dàng hơn. Một số thuốc huyết áp cũng có tác dụng này.
- Aspirin: Nếu các bác sĩ nghi ngờ cơn đau tức ngực trái của bạn liên quan đến các vấn đề do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành, bạn có thể được chỉ định sử dụng aspirin.
- Thuốc làm tan huyết khối: Nếu bạn bị đau tim, thuốc làm tan huyết khối có thể được sử dụng để làm tan những cục máu đông gây cản trở máu đến cơ tim.
- Thuốc làm loãng máu: Nếu có cục máu đông xuất hiện trong động mạch nuôi tim hoặc phổi, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc loãng máu để ngăn ngừa quá trình hình thành thêm nhiều cục máu đông khác.
- Thuốc ức chế axit: Nếu cơn đau ngực của bạn là do tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, bác sĩ có thể chỉ định thuốc làm giảm lượng axit trong dạ dày.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Nhiều trường hợp cần phải tiến hành thủ thuật, phẫu thuật để điều trị nguyên nhân nguy hiểm gây đau ngực trái, bao gồm:
- Nong mạch hoặc đặt stent: Nếu cơn đau ngực của bạn là do tắc nghẽn động mạch nuôi tim, bác sĩ có thể phải tiến hành thủ thuật nong mạch hoặc đặt stent để giúp mở rộng động mạch vành.
- Phẫu thuật bắc cầu: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng mạch máu từ một bộ phận khác để tạo ra đường đi thay thế, vượt qua vị trí mạch máu bị tắc nghẽn.
- Phẫu thuật sửa chữa bóc tách động mạch vành
- Thủ thuật dẫn lưu màng phổi và bơm áp lực làm phồng các mô phổi bị xẹp.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Cùng tham gia cộng đồng của Hello Bacsi để tìm hiểu và chia sẻ với nhau những thông tin hữu ích nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]