Tim đập nhanh sau khi uống cafe là một tình trạng rất phổ biến. Tình trạng uống cà phê tim đập nhanh thường do thành phần caffeine có trong cà phê kích thích cơ thể giải phóng hormone tuyến thượng thận làm tăng tốc độ và sức co bóp cơ tim.
Vậy, vì sao uống cafe bị ép tim? Uống cà phê có tốt cho tim mạch không và uống cafe tim đập nhanh phải làm sao? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp những vấn đề này với Hello Bacsi nhé!
Vì sao uống cà phê tim đập nhanh?
Nhiều người sau khi uống cà phê cảm thấy tim mình đập nhanh hơn, dồn dập hơn nhưng không biết lý do vì sao. Theo các chuyên gia, tình trạng uống cafe tim đập nhanh, hồi hộp thường đến từ caffeine trong cà phê. Caffeine có nhiều tác dụng lên hệ thần kinh trung ương cũng như tim.
Khi đi vào cơ thể, caffeine sẽ kích thích giải phóng hormone epinephrine và norepinephrine ở tuyến thượng thận. Hai hormone này sẽ tăng cường hoạt động của các tế bào và làm tăng tốc độ của các phản ứng diễn ra trong cơ thể. Không những vậy, khi các hormone được giải phóng vào máu, chúng sẽ liên kết với các thụ thể ở tim, từ đó làm tăng tốc độ và sức co bóp cơ tim. Đây cũng là lý do vì sao tim đập nhanh sau khi uống cafe.
Hầu hết mọi người đều có thể trải qua tình trạng uống cà phê tim đập nhanh nhưng với mức độ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như lượng cà phê tiêu thụ, tần suất tiêu thụ, kích thước cơ thể, sinh lý… Tình trạng này đặc biệt thường gặp nếu bạn uống các loại cà phê mạnh, cà phê nguyên chất hoặc do mới uống lần đầu, uống cà phê lúc đói.
Uống cà phê có tốt cho tim mạch không?
Việc uống cà phê tốt hay có hại cho tim mạch vẫn là một vấn đề còn vướng nhiều tranh cãi vì kết quả từ các nghiên cứu chưa nhất quán. Trong một số trường hợp và với một số đối tượng nhất định, cà phê sẽ mang lại nhiều lợi ích. Với một số đối tượng khác, loại thức uống này có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến cố tim mạch.
Theo đó, một số nghiên cứu trên bệnh nhân rối loạn nhịp tim cho thấy, việc uống cà phê có khả năng làm giảm nguy cơ mắc rung tâm nhĩ. Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy, nhóm bệnh nhân rung tâm nhĩ sử dụng cà phê có tỷ lệ phát triển các biến cố tim mạch cũng như tử vong thấp hơn so với nhóm không uống.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại cho rằng, người mắc chứng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng nên tránh dùng caffeine vì có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, caffeine cũng có khả năng gây tăng huyết áp tâm thu và tâm trương tạm thời. Vì vậy, những bệnh nhân dễ bị ảnh hưởng bởi caffeine như người bị tăng huyết áp, mắc các bệnh tim mạch nên hạn chế sử dụng vì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị và tăng nguy cơ tử vong.
Uống cafe tim đập nhanh phải làm sao?
Trên thực tế, nếu gặp phải tình trạng uống cà phê tim đập nhanh thì cách tốt nhất là bạn nên tránh loại thức uống này hoặc thay thế chúng bằng các loại thức uống khác. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn quá “đam mê” cà phê mà sợ cảm giác tim đập thình thịch, dồn dập thì có thể thử một số cách sau:
- Giảm lượng cà phê tiêu thụ: Thay vì uống 3 – 4 ly cà phê một ngày, bạn chỉ nên uống 1 hoặc 2 ly. Tuy nhiên, nếu đang “nghiện” cà phê nặng thì bạn nên giảm từ từ lượng cà phê tiêu thụ chứ không nên giảm ngay.
- Chuyển sang các loại cà phê decaf hoặc có ít caffeine: Caffeine trong cà phê là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng uống cafe bị ép tim, tim đập nhanh, hồi hộp. Vì vậy, bạn có thể giảm tác dụng của thành phần này lên cơ thể bằng cách chuyển sang dùng các dòng cà phê decaf hoặc cà phê có chứa ít caffeine hơn (như Arabica).
- Chia nhỏ lượng cà phê tiêu thụ trong ngày: Bạn hãy điều chỉnh thời gian uống cà phê để tránh tiêu thụ quá nhiều cà phê trong cùng một lúc. Thay vì uống một lượng lớn cà phê trong thời gian ngắn, hãy chia nhỏ và uống trong suốt cả ngày.
- Uống thêm nước hoặc pha loãng cà phê: Uống nước sau khi uống cà phê có thể giúp giảm tác động của caffeine trong cà phê. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha loãng cà phê với nước để giảm lượng cà phê tiêu thụ.
Tóm lại, uống cafe có thể khiến bạn bị ép tim, tim đập nhanh, hồi hộp và tăng huyết áp. Tình trạng trên thường do thành phần caffeine có trong cà phê. Nếu bạn gặp tình trạng uống cà phê tim đập nhanh nhưng vẫn không thể “từ bỏ” loại thức uống này thì có thể áp dụng một số cách mà Hello Bacsi đã hướng dẫn ở trên xem sao nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]