Ngủ đủ giấc hàng ngày là điều quan trọng để có được một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, những người không may mắc chứng suy giãn tĩnh mạch thường phải vật lộn để đi vào giấc ngủ bởi những cơn đau nhức, chuột rút khó chịu xảy ra vào ban đêm. Họ gặp nhiều khó khăn để tìm thấy một tư thế thoải mái, dễ ngủ. Vậy, đâu là tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch tốt nhất?
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây.
Suy giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch ở chân giãn ra hoặc các van tĩnh mạch bị hư hỏng. Hậu quả là máu bị ứ đọng dưới chân thay vì trở về tim như bình thường. Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, đau nhức, bị chuột rút thường xuyên. Những điều này ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày như đi, đứng, ngồi, và thậm chí là nằm ngủ.
Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ và khó ngủ ngon. Hệ lụy của việc mất ngủ kéo dài là hoạt động kém năng suất và mất tập trung vào ban ngày, tác động xấu tới cuộc sống, công việc, mối quan hệ của người bệnh.
Tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch
Nếu bị suy giãn tĩnh mạch, tư thế ngủ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của bạn. Một số cách nằm góp phần làm tăng lượng máu lưu thông đến chân, bạn đau nhức nhiều hơn và khó ngủ. Nếu lựa chọn tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch phù hợp có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ hàng đêm nhờ làm thuyên giảm triệu chứng bệnh.
Cùng điểm qua một số tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch đơn giản mà bạn nên áp dụng nhé!
Đặt gối nâng cao chân
Tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch đầu tiên mà bạn nên áp dụng là nâng cao chân lên khoảng 10cm bằng gối khi ngủ. Cách này giúp giảm lượng máu ứ đọng tại chân, đưa máu chảy về tim nhiều hơn, góp phần làm giảm đau nhức và sưng tấy. Như vậy, bạn sẽ có thể ngủ ngon hơn.
Tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch liệu có phải là nằm nghiêng?
Chưa có tài liệu nào khẳng định đây là tư thế ngủ tốt cho người suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ nghiêng bên trái giúp cải thiện lưu thông máu đến tim. Vì vậy, bạn có thể thử ngủ với tư thế này xem triệu chứng có giảm bớt và dễ ngủ hơn hay không.
Bạn cần lưu ý rằng ngủ nghiêng bên trái sẽ làm nặng hơn triệu chứng suy tim sung huyết ở một số người, hãy tránh tư thế này nếu bạn đang có bệnh tim nhé!
Những mẹo để có giấc ngủ ngon
Ngoài chú ý đến tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch, bạn cũng nên áp dụng thêm các mẹo sau đây để có giấc ngủ ngon hơn:
Mang vớ nén
Duy trì tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch phù hợp kết hợp với mang vớ nén là một cách hiệu quả để bạn ngủ ngon giấc. Vớ suy giãn tĩnh mạch tạo áp lực lên chân để hạn chế ứ đọng máu tại đây.
Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được loại vớ nén có kích thước và độ đàn hồi phù hợp với bản thân.
Tập thể dục vào ban ngày
Tập thể dục, đặc biệt là các bài vận động nhẹ nhàng cơ bắp chân như đi bộ và đạp xe, giúp cải thiện lưu thông máu, giảm triệu chứng suy giãn tĩnh mạch. Việc hoạt động thể chất cũng là chìa khóa để mỗi chúng ta có được giấc ngủ chất lượng.
Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân là một yếu tố làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch và gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch chân. Do đó, giữ cân nặng ở mức lý tưởng sẽ ngăn ngừa bệnh này nặng hơn.
Bạn có thể quan tâm: 8 bài tập phục hồi suy giãn tĩnh mạch chân
Xoa bóp chân
Trước khi lên giường và áp dụng tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch, bạn có thể dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị giãn tĩnh mạch, mỗi ngày khoảng 15 phút. Bạn có thể massage chân bằng các loại tinh dầu như hưởng thảo, oải hương để tăng cường lưu thông máu.
Ngoài ra, bạn không nên mặc quần chật hoặc ngồi bắt chéo chân vào ban ngày sẽ làm triệu chứng bệnh nặng hơn.
Bạn có thể quan tâm: [Infographic] Người bị suy giãn tĩnh mạch nên ăn gì?
Áp dụng các tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch vừa nêu trên có thể giúp giảm đau nhức và khó chịu, dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Bên cạnh đó, đừng quên điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
[embed-health-tool-heart-rate]