backup og meta

Hỏi đáp bác sĩ: Bệnh tim có nguy hiểm không?

Hỏi đáp bác sĩ: Bệnh tim có nguy hiểm không?

Bạn đọc hỏi:

Tôi năm nay 56 tuổi, là nữ, mới phát hiện bị bệnh tim. Hiện tại chỉ khó thở, hay hụt hơi chứ không có biểu hiện nào khác. Tôi vẫn đang uống thuốc của bệnh viện nhưng vẫn rất lo lắng. Liệu bệnh tim có nguy hiểm không, có làm giảm tuổi thọ hay không?

Minh Hương (56 tuổi)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn,

Với câu hỏi: bệnh tim có nguy hiểm không, Thạc sĩ – Bác sĩ CKI – Ngô Võ Ngọc Hương (Chuyên khoa Nội Tim mạch, BV Nhân dân 115) giải đáp như sau:

Bệnh tim là một khái niệm bao quát đề cập đến bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến tim. Theo câu hỏi của bà, vì không rõ chẩn đoán nên bác sĩ khó trả lời chính xác được bệnh tim có nguy hiểm không. Trong thực tế, bệnh tim có nhiều nhóm, trong đó có một số bệnh có thể phòng ngừa được. Các triệu chứng bệnh tim phụ thuộc vào loại bệnh tim mắc phải. Những bệnh tim thường gặp trong cộng đồng như sau:

Bệnh mạch vành

Đây là tình trạng tích tụ các mảng chất béo trong lòng động mạch, gây xơ vữa động mạch và thu hẹp hoặc tắc nghẽn dòng máu có thể dẫn đến đau ngực hay cơn nhồi máu cơ tim. Các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Đau ngực, tức ngực hay bất kỳ cảm giác khó chịu ở ngực
  • Khó thở
  • Giảm khả năng gắng sức

Bệnh tim mạch vành có nguy hiểm không

Rối loạn nhịp tim: 

Tim có thể đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Triệu chứng có thể gồm:

  • Cảm giác tim rung rinh trong lồng ngực 
  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực
  • Khó thở
  • Cảm giác lâng lâng
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu 

Suy tim: 

Bệnh tim có nguy hiểm không thì nên kể đến bệnh suy tim. Bệnh xảy ra khi cơ tim không còn đảm bảo khả năng co bóp của tim. Đây là bệnh mãn tính không thể đảo ngược được. Trong giai đoạn đầu của suy tim, người bệnh thường không có triệu chứng. Khi tình trạng xấu đi, triệu chứng suy tim có thể bao gồm:

  • Khó thở khi hoạt động hoặc khi nghỉ ngơi
  • Sưng phù chân, mắt cá chân và bàn chân
  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim bất thường, cảm thấy nhanh, đập thình thịch hoặc hồi hộp
  • Chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu

Bệnh van tim

Tim có bốn van mở và đóng nhịp nhàng để hướng dòng máu qua tim theo một chiều. Nhiều yếu tố có thể làm tổn thương van tim, dẫn đến hẹp van, hở van hay sa, rách van. Tùy thuộc vào van nào bị tổn thương và mức độ suy giảm chức năng. Người bệnh có thể cảm thấy:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Nhịp tim không đều
  • Sưng phù bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Tức ngực
  • Ngất

Phác đồ điều trị sẽ tùy thuộc vào loại bệnh tim mắc phải nhưng nhìn chung thường bao gồm:

  • Thay đổi lối sống: Ăn một chế độ ăn ít chất béo và ít muối, tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần, bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu. Duy trì các chỉ số hợp lý về cân nặng, huyết áp, mức đường huyết. Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng.
  • Dùng thuốc: Nếu chỉ thay đổi lối sống là không đủ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát bệnh tim.
  • Ngoại khoa: Nếu bệnh tim là do các tổn thương cấu trúc và dùng thuốc không đủ kiểm soát bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị các thủ thuật hoặc phẫu thuật cụ thể, như sửa chữa hay thay van tim, thông tim và đặt stent, phẫu thuật bắc cầu… 

Bệnh tim có nguy hiểm không phụ thuộc phần nào vào lối sống

Bệnh tim có nguy hiểm không thì chắc chắn là có, nếu như nó không được phát hiện và điều trị đúng cách. Lúc này, người bệnh có thể mắc phải các biến chứng gồm:

  • Suy tim: Đây là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh tim. Suy tim có thể là kết quả của nhiều dạng bệnh tim, bao gồm dị tật tim trong bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành, bệnh van tim, nhiễm trùng tim hoặc bệnh cơ tim. Người bệnh giảm khả năng gắng sức, thường xuyên khó thở, mệt mỏi. Đến suy tim giai đoạn cuối, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh cũng suy giảm một cách đáng kể.
  • Nhồi máu cơ tim: Có một cục máu đông chặn dòng máu qua mạch máu nuôi tim gây ra cơn đau tim, có thể làm hoại tử một phần cơ tim, giảm chức năng co bóp và sẽ dẫn đến suy tim. 
  • Đột quỵ: Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch cũng có thể dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ hay các cục máu đông trong tim đến não làm tắc mạch. Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu y tế – mô não bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút sau đột quỵ, để lại di chứng tàn phế suốt đời.
  • Đột tử: Đột tử là tình trạng ngừng tim đột ngột, làm mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức, thường do rối loạn nhịp tim gây ra. Nếu quan tâm đến bệnh tim có nguy hiểm không thì phải lưu ý đặc biệt tới biến chứng này vì nếu không cấp cứu ngay lập tức, khả năng tử vong rất cao.

Bệnh tim là một bệnh lý mạn tính và việc điều trị, phòng ngừa cần duy trì suốt đời. Hy vọng bác sĩ đã giải đáp giúp bà vấn đề bệnh tim có nguy hiểm không và có một chế độ chăm sóc trái tim khỏe mạnh phù hợp với bản thân mình. Lần sau, bà có thể gửi câu hỏi cụ thể hơn về tình trạng bệnh của mình để bác sĩ tư vấn thêm nhé!

>> Bạn có thể muốn xem thêm:

Bệnh tim mạch và cách điều trị hiệu quả

11 dấu hiệu bệnh tim bạn không thể bỏ qua

Trân trọng!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Phiên bản hiện tại

30/03/2023

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Những câu hỏi thường gặp về dinh dưỡng cho người cao huyết áp

Chỉ số TC HDL là gì? Hiểu để duy trì sức khỏe tim mạch


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 30/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo