backup og meta

Epinephrine và norepinephrine: "Phao" cấp cứu tim mạch

Epinephrine và norepinephrine: "Phao" cấp cứu tim mạch

Epinephrine và norepinephrine được sử dụng khá phổ biến trong y học nhờ chức năng cấp cứu tim mạch. Vậy, epinephrine và norepinephrine là gì và sự khác nhau giữa 2 chất này là gì?

Epinephrine và norepinephrine là 2 chất dẫn truyền thần kinh, đồng thời cũng đóng vai trò là hormone và thuộc nhóm các hợp chất có tên catecholamine. Catecholamine có nhiều loại nhưng trong cơ thể người có 3 chất chủ yếu là:

  • Epinephrine (Adrenaline)
  • Norepinephrine (Noradrenaline)
  • Dopamine

Epinephrine và norepinephrine có tác động ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể và kích thích hệ thống thần kinh trung ương. Các chất này quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Trong trường hợp khẩn cấp, epinephrine và norepinephrine có thể được xem là “phao cấp cứu” để ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Mặc dù epinephrine và norepinephrine có cấu trúc liên quan đến nhau, nhưng chúng có một số sự khác biệt về tác dụng. Sự khác biệt này là do khả năng kích thích 2 thụ thể alpha và beta trong hệ thần kinh giao cảm khác nhau.

Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu norepinephrine và epinephrine là gì, sự khác nhau giữa adrenalin và noradrenalin, vai trò của chúng trong cấp cứu tim mạch và khả năng ảnh hưởng của các chất này lên cơ thể nhé!

Epinephrine là gì?

Epinephrine còn được gọi là adrenaline. Nó chủ yếu được tạo ra ở tủy thượng thận, do đó có khả năng hoạt động giống như hormone, đồng thời có chức năng là chất dẫn truyền thần kinh nhờ vào một lượng nhỏ được tạo ra trong các sợi thần kinh.

Epinephrine có tác dụng rộng và không đặc hiệu do có khả năng kích thích cả 2 thụ thể alpha và beta của hệ thần kinh giao cảm. Epinephrine chỉ được giải phóng khi bạn gặp căng thẳng.

Epinephrine có thể tạo ra những tác động lên cơ thể bao gồm:

  • Tăng nhịp tim
  • Tăng khả năng co bóp
  • Tăng lượng đường trong máu
  • Thư giãn cơ trơn đường thở để cải thiện nhịp thở

Những tác động này nhằm mục đích cung cấp cho cơ thể bạn thêm năng lượng. Khi bạn bị căng thẳng hoặc sợ hãi, cơ thể bạn sẽ giải phóng một lượng epinephrine vào trong máu. Quá trình này được gọi là phản ứng chiến đấu-hay-bỏ chạy (fight-or-flight reaction), hay còn có tên khác là adrenaline rush.

Norepinephrine là gì?

Hormone norepinephrine là gì? Norepinephrine có tác động đặc hiệu hơn hoạt động chủ yếu trên các thụ thể alpha và chỉ kích thích thụ thể beta ở mức nhất định để tăng và duy trì huyết áp. Norepinephrine liên tục được giải phóng duy trì ở mức độ nhất định trong cơ thể.

Norepinephrine còn được gọi là noradrenaline. Vậy, noradrenaline là gì? Chất này vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh phổ biến của hệ thần kinh giao cảm. Norepinephrine có tác dụng bao gồm:

  • Tăng nhịp tim
  • Tăng tính co rút mạch máu
  • Tăng lượng đường trong máu
Epinephrine và norepinephrine đều có thể làm ảnh hưởng đến tim, lượng đường trong máu và mạch máu. Tuy nhiên, norepinephrine còn có thể làm cho các mạch máu trở nên hẹp hơn, do đó sẽ làm tăng huyết áp.

Vai trò của epinephrine và norepinephrine

epinephrine và norepinephrine

Vai trò của epinephrine

Bên cạnh việc đóng vai trò là hormone và chất dẫn truyền thần kinh, epinephrine còn được sử dụng như một phương pháp điều trị y tế ở dạng tổng hợp.

Công dụng chính của epinephrine liên quan đến việc điều trị sốc phản vệ. Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng nặng đến đường thở. Khi bị sốc phản vệ, đường thở của bạn sẽ bị thu hẹp lại, gây khó thở và thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Epinephrine có khả năng giúp giãn đường thở và co bóp tim để người bệnh có thể hô hấp trở lại.

Các tác dụng khác của epinephrine bao gồm:

• Hen suyễn: Epinephrine được sử dụng ở dạng hít có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa các cơn hen nặng.

• Ngừng tim: Nếu tim bạn đã ngừng bơm máu, một mũi tiêm epinephrine có thể kích thích tim co bóp trở lại.

• Nhiễm trùng: Nếu bạn bị nhiễm trùng nặng và không thể sản xuất đủ catecholamine, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm epinephrine cho bạn qua đường truyền tĩnh mạch (IV).

• Gây tê: Việc thêm epinephrine vào thuốc gây tê cục bộ có thể làm cho thuốc có tác dụng kéo dài hơn.

Vai trò của norepinephrine

Trong y học, norepinephrine được sử dụng để tăng và duy trì huyết áp trong các tình huống cấp tính như ngừng tim, gây tê tủy sống, nhiễm trùng máu, truyền máu, phản ứng thuốc. Bác sĩ còn sử dụng norepinephrine để điều trị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến suy nội tạng. Tình trạng nhiễm trùng này có khả năng làm hạ huyết áp đến mức nguy hiểm. Norepinephrine được sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch (IV) có thể giúp làm tăng huyết áp trở lại.

Epinephrine có thể được sử dụng để hạ huyết áp, tuy nhiên norepinephrine được sử dụng nhiều hơn do hoạt động chủ yếu trên thụ thể alpha, mang đến hiệu quả cao hơn trong việc hạ huyết áp.

Epinephrine được sử dụng chủ yếu để điều trị sốc phản vệ, ngừng tim và các cơn hen nặng. Norepinephrine được sử dụng để điều trị huyết áp thấp nguy hiểm. Ngoài ra, các loại thuốc làm tăng norepinephrine có thể giúp điều trị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và trầm cảm.

Ảnh hưởng của epinephrine và norepinephrine

epinephrine và norepinephrine

Nồng độ của epinephrine và norepinephrine có thể ảnh hưởng đến cơ thể như sau:

Cơ thể thiếu epinephrine và norepinephrine

Các yếu tố khiến cơ thể thiếu hụt epinephrine và norepinephrine bao gồm căng thẳng mãn tính, ăn uống kém dinh dưỡng, một số loại thuốc và tình trạng sức khỏe.

Một tình trạng hiếm gặp có tên là thiếu hụt dopamine beta-hydroxylase do di truyền có thể ngăn cơ thể chuyển đổi dopamine thành norepinephrine. Theo tạp chí Journal of Hypertension 07/2018, sự thiếu hụt dopamine beta-hydroxylase di truyền là do đột biến gene vận chuyển norepinephrine g237c. Tình trạng này có thể làm giảm hoạt động thần kinh giao cảm, tăng nguy cơ tổn thương cho tim và mạch máu.

Nồng độ adrenaline và noradrenaline thấp có thể dẫn đến các triệu chứng về thể chất và tinh thần như:

  • Lo lắng
  • Khó ngủ
  • Đau nửa đầu
  • Bệnh trầm cảm
  • Hạ đường huyết
  • Thay đổi huyết áp
  • Thay đổi nhịp tim

Cơ thể thừa epinephrine và norepinephrine

Tình trạng có quá nhiều epinephrine hoặc norepinephrine trong cơ thể có thể gây ra các vấn đề sau đây:

  • Lo lắng
  • Đau đầu
  • Huyết áp cao
  • Tim đập nhanh
  • Đổ quá nhiều mồ hôi

Các yếu tố nguy cơ có thể kích thích cơ thể bạn sản xuất quá nhiều epinephrine, norepinephrine hoặc cả hai bao gồm:

  • Béo phì
  • Căng thẳng liên tục
  • U tủy thượng thận (pheochromocytoma) – khối u hình thành trong tuyến thượng thận.
  • U tế bào cận hạch thần kinh (paraganglioma) – khối u hình thành ở bên ngoài tuyến thượng thận gần động mạch cảnh, dọc theo các đường thần kinh ở đầu cổ, và ở các bộ phận khác của cơ thể.

Những thông tin trên đây hi vọng có thể giúp bạn phân biệt adrenalin và noradrenalin, cũng như hiểu rõ về vai trò của epinephrine và norepinephrine trong cấp cứu tim mạch. Epinephrine có ảnh hưởng nhiều hơn đến tim, norepinephrine lại có tác dụng nhiều hơn đối với các mạch máu. Cả hai đều đóng một vai trò quan trọng như chiếc “phao” cứu hộ khi cơ thể bạn gặp tình trạng nguy cấp!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Norepinephrine (Noradrenaline). https://my.clevelandclinic.org/health/articles/22610-norepinephrine-noradrenaline. Ngày truy cập: 26/09/2023

Physiology, Noradrenergic Synapse. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK540977/. Ngày truy cập: 26/09/2023

Epinephrine (Adrenaline). https://my.clevelandclinic.org/health/articles/22611-epinephrine-adrenaline. Ngày truy cập: 26/09/2023

Epinephrine. https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/epinephrine. Ngày truy cập: 26/09/2023

Adrenal Hormones. https://www.endocrine.org/patient-engagement/endocrine-library/hormones-and-endocrine-function/adrenal-hormones. Ngày truy cập: 26/09/2023

Physiology, Catecholamines. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507716/. Ngày truy cập: 26/09/2023

The norepinephrine transporter deserves more attention. https://journals.lww.com/jhypertension/Fulltext/2018/07000/The_norepinephrine_transporter_deserves_more.7.aspx. Ngày truy cập: 26/09/2023

Phiên bản hiện tại

26/09/2023

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

8 dấu hiệu đau tim trước 1 tháng bạn nên lưu ý

Người cao tuổi bị đau tim nên làm gì để bảo vệ tim mạch?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 26/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo