backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Rò động tĩnh mạch

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    Rò động tĩnh mạch

    Tìm hiểu chung

    Rò động tĩnh mạch là gì?

    Rò động tĩnh mạch, hay thông động tĩnh mạch (arteriovenous fistula), là tình trạng có một kênh nối (lỗ rò) bất thường ở giữa động mạch và tĩnh mạch.

    Bình thường, máu chảy từ động mạch đến các mao mạch rồi tới tĩnh mạch. Các chất dinh dưỡng và oxy trong máu sẽ đi từ mao mạch vào trong các mô cơ thể.

    Khi bị rò động tĩnh mạch, máu chảy trực tiếp từ động mạch đến tĩnh mạch mà bỏ qua một số mao mạch. Điều này khiến cho các mô ở vị trí mao mạch không được nhận máu từ động mạch bị thiếu dưỡng chất và oxy.

    Tình trạng trên thường xảy ra ở chân nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Các lỗ rò cũng có khi được bác sĩ phẫu thuật tạo ra trong quá trình lọc máu, chạy thận nhân tạo ở những người bị bệnh thận nặng.

    Nếu một lỗ rò lớn không được điều trị, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi vị trí lỗ rò được tạo ra khi bạn cần phải có để lọc máu.

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng rò động tĩnh mạch

    Các lỗ rò động tĩnh mạch nhỏ ở chân, tay, phổi, thận hay não thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào và người bệnh cũng không cần điều trị gì ngoài việc theo dõi thường xuyên.

    Tuy nhiên, các lỗ rò lớn có thể gây ra một số dấu hiệu và triệu chứng, như:

    • Tĩnh mạch phồng lên và có màu đỏ tía, có thể nhìn thấy rõ dưới da tương tự như tình trạng giãn tĩnh mạch
    • Sưng ở cánh tay hoặc chân
    • Hạ huyết áp
    • Mệt mỏi
    • Suy tim

    Thông động tĩnh mạch xảy ra ở phổi có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn:

    • Xuất hiện các vết màu xanh nhẹ ở da
    • Ngón tay dùi trống
    • Ho ra máu

    Khi rò động tĩnh mạch xảy ra ở đường tiêu hóa có thể gây chảy máu trong (xuất huyết nội) đường tiêu hóa.

    Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

    Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào mà nghi ngờ có liên quan đến rò động tĩnh mạch, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm tình trạng này sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm như hình thành cục máu đông, suy tim.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân rò động tĩnh mạch là gì?

    rò động tĩnh mạch 1

    Các nguyên nhân có thể dẫn đến rò động tĩnh mạch bao gồm:

    • Đặt ống thông tim. Lỗ rò có thể xuất hiện như một biến chứng của thủ thuật đặt ống thông tim. Trong quá trình đặt ống thông, một ống dài, mỏng được gọi là catheter được luồn vào trong động mạch hoặc tĩnh mạch ở háng, cổ, cánh tay để đi đến tim. Nếu đầu kim được sử dụng khi đặt ống thông đi xuyên qua động mạch và tĩnh mạch, động mạch bị giãn ra và có thể tạo nên một lỗ rò. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra.
    • Chấn thương xuyên qua da. Một lỗ rò giữa động mạch và tĩnh mạch cũng có khả năng xuất hiện sau khi bạn có một vết thương sâu, chẳng hạn như bị dao đâm. Vị trí thông động tĩnh mạch xảy ra khi vết thương nằm ở khu vực có động mạch và tĩnh mạch nằm gần nhau.
    • Rò động tĩnh mạch bẩm sinh. Một số người gặp phải tình trạng này từ khi sinh ra. Nguyên nhân chính xác gây ra chúng vẫn chưa được biết rõ.
    • Yếu tố di truyền. Rò động tĩnh mạch phổi có thể do một bệnh lý di truyền gây ra, hội chứng Osler-Weber-Rendu (hay còn gọi là bệnh giãn mao mạch xuất huyết di truyền – hereditary hemorrhagic telangiectasia). Hội chứng này làm cho các mạch máu phát triển bất thường, đặc biệt là ở phổi.
    • Tạo hình phẫu thuật. Những người bị suy thận giai đoạn cuối có thể được tạo ra một lỗ rò động tĩnh mạch thông qua quá trình phẫu thuật để giúp quá trình lọc máu dễ dàng hơn. Lỗ rò này thường được tạo ra ở cánh tay, giúp dễ dàng chèn kim lọc máu, giúp máu chảy nhanh hơn.

    Các yếu tố rủi ro gây rò động tĩnh mạch là gì?

    Ngoài các yếu tố di truyền hoặc bẩm sinh, nguy cơ bị thông động tĩnh mạch có thể tăng lên do một số yếu tố sau:

    • Đặt ống thông tim
    • Tăng huyết áp
    • Chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn
    • Một số loại thuốc, bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc chống tiêu sợi huyết
    • Tuổi tác
    • Nữ giới

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán rò động tĩnh mạch?

    Để chẩn đoán một lỗ rò xuất hiện ở tay hoặc chân, bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe dòng máu chảy ở khu vực mà họ nghi ngờ. Dòng máu chảy qua chỗ thông động tĩnh mạch sẽ tạo ra một âm thanh nghe giống tiếng bấm chuột hay tiếng máy móc hoạt động.

    Thêm vào đó, một số xét nghiệm khác cũng được chỉ định để giúp đưa ra chẩn đoán cuối cùng, bao gồm:

    • Siêu âm duplex. Đây là cách hiệu quả và phổ biến nhất giúp kiểm tra có lỗ rò động mạch ở các mạch máu ở chân hay tay hay không.
    • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Kết quả chụp CT sẽ giúp bác sĩ kiểm tra động mạch và xem máu có đi qua các mao mạch hay không.
    • Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA). Bác sĩ có thể chỉ định bạn chụp MRA khi nghi ngờ có lỗ rò động mạch nằm sâu dưới da. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ nhìn thấy các mô mềm bên trong cơ thể.

    Những phương pháp điều trị rò động tĩnh mạch

    Nếu lỗ rò nhỏ và không ra vấn đề sức khỏe đáng lưu ý nào, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đến theo dõi định kỳ mà không cần điều trị gì thêm.

    Trường hợp cần phải điều trị, bác sĩ có thể chọn một trong số các phương án như sau:

    • Nén dưới chỉ dẫn của siêu âm (ultrasound-guided compression). Sau khi nhìn thấy vị trí lỗ rò, một đầu dò siêu âm được dùng để tạo áp lực lên vị trí đó và chặn lưu lượng máu đến các mạch máu bị tổn thương. Thủ thuật này chỉ mất khoảng 10 phút nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Thông thường, chúng chỉ có tác động cho 1 trong 3 người bệnh.
    • Nút mạch nhờ ống thông (catheter embolization). Một ống thông nhỏ được đưa vào một động mạch ở gần vị trí có lỗ rò nhờ các kỹ thuật hình ảnh. Sau đó, bác sĩ đặt một vòng xoắn kim loại (coil) hoặc stent tại vị trí lỗ rò để điều hướng lại dòng chảy của máu.
    • Phẫu thuật. Các lỗ rò động tĩnh mạch lớn không thể điều trị bằng nút mạch nhờ ống thông thì có thể phải tiến hành phẫu thuật. Loại phẫu thuật bạn làm sẽ tùy thuộc vào kích thước và vị trí của lỗ rò.

    Biến chứng

    Rò động tĩnh mạch có thể gây ra những biến chứng gì?

    Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

    • Suy tim. Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất. Bởi vì máu chảy qua lỗ rò động tĩnh mạch nhanh hơn so với khi chảy qua một động mạch, mao mạch rồi tới tĩnh mạch như bình thường nên tim sẽ bơm máu nhanh hơn để bù lại tình trạng hạ huyết áp. Theo thời gian, cường độ bơm máu của tim tăng lên làm suy yếu cơ tim, dẫn đến suy tim.
    • Hình thành huyết khối (cục máu đông). Rò động tĩnh mạch ở chân có thể khiến cục máu đông hình thành, từ đó dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi sẽ gây thuyên tắc phổi, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Tùy vào vị trí của lỗ rò, bạn có thể bị đột quỵ.
    • Xuất huyết. Dị dạng động tĩnh mạch có thể gây xuất huyết ở bên trong, có khi toàn bộ hệ tiêu hóa.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo