backup og meta

Triệu chứng bệnh mạch vành biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng bệnh mạch vành biểu hiện như thế nào?

Bệnh mạch vành hình thành và sẽ tiến triển khi các mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị tổn thương, cholesterol, canxi và chất thải chuyển hóa có thể tích tụ tại chỗ và thu hẹp lòng các động mạch vành, cản trở dòng máu nuôi cơ tim. Lưu lượng máu đến tim giảm gây ra các triệu chứng bệnh mạch vành như đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức… Nếu mạch vành bị bít tắc hoàn toàn sẽ xảy ra nhồi máu cơ tim.

Các triệu chứng không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Thậm chí, nhiều người không hề có triệu chứng và không biết mình bị bệnh cho đến khi bị nhồi máu cơ tim thật sự. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể triệu chứng bệnh mạch vành trong bài viết ngay sau đây để có thể nhận biết sớm nhằm phòng ngừa và điều trị hiệu quả nhé!

Các triệu chứng bệnh mạch vành

Lúc đầu, lưu lượng máu giảm có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi các mảng bám tiếp tục tích tụ trong động mạch vành và cản trở máu giàu oxy được cung cấp đến tim, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng như sau:

1. Đau thắt ngực

triệu chứng bệnh mạch vành là đau thắt ngực

Đau thắt ngực là triệu chứng bệnh mạch vành điển hình nhất. Các động mạch bị thu hẹp có thể gây ra đau ngực vì chúng cản trở lưu lượng máu đến cơ tim và phần còn lại của cơ thể. Bạn có thể cảm thấy bị đau thắt dữ dội, đau âm ỉ hoặc nặng ngực giống như bị ai đó bóp nghẹt.

Đau thắt ngực thường được kích hoạt hoặc nặng hơn nếu có những căng thẳng về mặt thể chất như khi tập thể dục hoặc cảm xúc như lo lắng quá độ. Cơn đau thường biến mất trong vòng vài phút và có thể thuyên giảm bằng cách nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc dãn mạch.

Đau thắt ngực thường bắt đầu ở vùng giữa ngực, phía sau xương ức. Tuy nhiên, ở một số người, cơn đau ngực lan ra đến hàm, cổ, hai bên vai, cánh tay, bụng hoặc lưng.

Triệu chứng bệnh mạch vành ở phụ nữ có thể khác biệt đôi chút, bao gồm: đau vai, cổ, bụng và/hoặc lưng; khó tiêu, ợ chua; lo lắng không rõ nguyên nhân; đổ mồ hôi lạnh.

2. Khó thở

Nếu tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể, bạn có thể bị khó thở, mệt mỏi, đặc biệt là khi phải hoạt động mạnh như leo cầu thang, tập thể dục, làm việc nặng nhọc, gắng sức.

Biến chứng bệnh mạch vành

Nhồi máu cơ tim

triệu chứng bệnh mạch vành là đau tim

Bệnh động mạch vành thường tiến triển trong thời gian dài, bạn có thể không nhận thấy triệu chứng bệnh mạch vành cho đến khi động mạch bị tắc nghẽn đáng kể hoặc xuất hiện một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).

Nhồi máu cơ tim xảy ra nếu các mảng bám chứa cholesterol bị vỡ ra, huy động thêm các chất khác và tạo thành cục máu đông, bít kín hoàn toàn động mạch vành. Lúc này, một phần cơ tim không được cung cấp máu sẽ bị tổn thương, thậm chí hoại tử. Nếu không được điều trị ngay lập tức có thể dẫn đến tử vong.

Cơn đau tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, đặc biệt là khi hoạt động thể chất hay kể cả lúc đang nghỉ ngơi.

Các triệu chứng nhồi máu cơ tim trong bệnh mạch vành có thể bao gồm:

  • Cảm thấy nặng ngực dữ dội và cơn đau từ ngực lan đến vai, cánh tay, cổ, hàm.
  • Buồn nôn
  • Choáng váng
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi lạnh.

Không giống như đau thắt ngực, các triệu chứng của nhồi máu cơ tim thường không thuyên giảm khi sử dụng thuốc hoặc nghỉ ngơi. Đôi khi, cơn nhồi máu xuất hiện mà không hề có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào.

Suy tim

Trường hợp bệnh mạch vành kéo dài mà không được điều trị hoặc cơ tim bị tổn thương sau cơn nhồi máu, thành thất trái giãn ra và cơ tim giảm chức năng, trở nên quá yếu và không thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Lâu dài dẫn đến suy tim. Suy tim nặng sẽ khiến chất lỏng tích tụ trong phổi, làm cho người bệnh ngày càng khó thở, ho khan, phù chân, báng bụng và ăn không ngon miệng.

Suy tim có thể xảy ra đột ngột (suy tim cấp tính) hoặc theo thời gian (suy tim mạn tính). Ngoài ra, việc cung cấp máu không đủ cho tim hoặc tổn thương mô tim kéo dài có thể cản trở đường dẫn truyền của các xung điện trong tim, gây ra nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim).

Đột quỵ

Một tình trạng hiếm gặp khác là nếu mảng xơ vữa trên thành động mạch vành bị vỡ ra và khi di chuyển vào não, hệ quả có thể gây ra đột quỵ. Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm:

  • Liệt một bên mặt.
  • Yếu hoặc tê chân, tay cùng bên
  • Khó nói hoặc nói lắp, nuốt sặc

Triệu chứng bệnh mạch vành nào cần đến gặp bác sĩ?

triệu chứng bệnh mạch vành khi nào cần đến gặp bác sĩ

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, chẳng hạn như huyết áp cao, mức cholesterol cao, hút thuốc lá, tiểu đường, béo phì và tiền sử gia đình mắc bệnh tim thì chưa cần đợi đến khi có triệu chứng bệnh mạch vành, hãy định kỳ đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe tim mạch.

Còn một khi đã xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, dù chỉ là thoáng qua cũng cần thăm khám ngay để sớm chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, hãy gọi cấp cứu và/hoặc nhờ sự trợ giúp ngay lập tức để đưa bạn đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu xuất hiện các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Hiểu triệu chứng bệnh mạch vành, tìm cách phòng ngừa hiệu quả

Bạn hoàn toàn có thể thay đổi lối sống để phòng ngừa và giảm thiểu các triệu chứng bệnh mạch vành. Cụ thể như sau:

  • Bỏ hút thuốc: Thuốc lá là một trong những thủ phạm gây tổn thương mạch máu nặng nề nhất.
  • Kiểm soát huyết áp thường xuyên: Thăm khám sức khỏe định kỳ và yêu cầu bác sĩ đo huyết áp ít nhất 2 năm một lần. Nếu huyết áp cao hơn bình thường hoặc có tiền sử bệnh tim mạch, nên đo hằng ngày là tốt nhất.
  • Kiểm tra mức độ cholesterol: Người trưởng thành nên làm xét nghiệm cholesterol cơ bản khi ở độ tuổi 20 và ít nhất 5 năm một lần sau đó. Nếu mức cholesterol quá cao, bạn có thể cần xét nghiệm cholesterol thường xuyên hơn để đánh giá hiệu quả kiểm soát bằng thuốc.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Duy trì hoạt động thể chất: Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và kiểm soát bệnh tiểu đường, cholesterol cao và huyết áp cao, giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Bạn nên lựa chọn các bài tập phù hợp với thể chất.
  • Lựa chọn một chế độ ăn lành mạnh: Ăn một chế độ ăn ít chất béo bão hòa, giảm muối và đường; bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, các loại đậu, cá và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng bệnh mạch vành. Giảm cân lành mạnh có thể giúp giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
  • Giảm căng thẳng: Nghỉ ngơi và thực hành các kỹ thuật lành mạnh để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như thư giãn cơ và hít thở sâu.

Sự tích tụ mảng bám trong động mạch có thể mất đến nhiều năm và các triệu chứng bệnh mạch vành xuất hiện đa dạng ở từng người. Nhận biết và chủ động phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ sức tim mạch nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Coronary artery disease. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronary-artery-disease/symptoms-causes/syc-20350613. Ngày truy cập: 29/09/2021

Symptoms-Coronary heart disease. https://www.nhs.uk/conditions/coronary-heart-disease/symptoms/. Ngày truy cập: 29/09/2021

Coronary Artery Disease. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16898-coronary-artery-disease. Ngày truy cập: 29/09/2021

Coronary Artery Disease (CAD). https://www.cdc.gov/heartdisease/coronary_ad.htm. Ngày truy cập: 29/09/2021

Coronary Heart Disease. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/coronary-heart-diseas. Ngày truy cập: 29/09/2021

Coronary Heart Disease. https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/coronary-heart-disease. Ngày truy cập: 29/09/2021

Phiên bản hiện tại

30/03/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Người bị bệnh động mạch vành nên ăn gì? | Hello Bacsi x SANOFI

Chụp mạch vành


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo