backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu?

Thông tin kiểm chứng bởi: Lương Lan


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/08/2023

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu?

    Đặt stent mạch vành, còn được gọi là can thiệp mạch vành qua da, là phương pháp điều trị để mở rộng các động mạch nuôi tim, giúp cải thiện triệu chứng do tình trạng tắc nghẽn động mạch, chẳng hạn như đau ngực và khó thở. Đặt stent mạch vành cũng thường được sử dụng trong cơn nhồi máu cơ tim để nhanh chóng mở các động mạch vành bị tắc, cải thiện lưu lượng máu đến tim và giảm mức độ tổn thương tim. Khi được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp này, nhiều bệnh nhân sẽ lo lắng không biết người đặt stent mạch vành sống được bao lâu?

    Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu?

    Một nghiên cứu được tiến hành trên 226 bệnh nhân (bao gồm 209 nam, 17 nữ, độ tuổi trung bình 56 ± 9 tuổi) được đặt stent mạch vành thành công cho thấy kết quả như sau: 

    • Tỷ lệ sống sót là 99,5% sau 1 năm và 97,4% sau 5 năm
    • Tỷ lệ sống sót không có biến chứng là 84,6% sau 1 năm và 65,9% sau 5 năm
    • Tỷ lệ sống sót không kèm thiếu máu cục bộ là 84,6% sau 1 năm và 44,8% sau 5 năm.

    Tuy nhiên, không ai có thể có được câu trả lời chính xác cho vấn đề người đặt stent mạch vành sống được bao lâu bởi có rất nhiều yếu tố tác động đến tiên lượng sống, bao gồm:

    • Biến chứng có thể gặp phải
    • Tình trạng sức khỏe tổng thể
    • Tuổi tác và giới tính
    • Lối sống sau khi phẫu thuật.

    người đặt stent mạch vành sống được bao lâu tùy trường hợp

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố

    Biến chứng và mức độ tổn thương tim

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu còn tùy thuộc vào có gặp biến chứng hay không và mức độ tổn thương tim. Tỷ lệ sống sót sau 1 năm không biến chứng là 75,6% đối với bệnh nhân có tổn thương phức tạp và 81,1% đối với bệnh nhân có tổn thương nhẹ hơn.

    Tỷ lệ sống sót ngắn sau khi đặt stent mạch vành chủ yếu do nguyên nhân tái hẹp. Trong một nghiên cứu khác trên 2944 bệnh nhân được đặt stent mạch vành, tỷ lệ tái hẹp là khoảng 33,2% đối với những bệnh nhân có tổn thương phức tạp và  24,9% ở những trường hợp chỉ có tổn thương nhẹ. Tổn thương càng phức tạp thì nguy cơ tái hẹp càng cao và tiên lượng sống càng kém.

    Với câu hỏi người đặt stent mạch vành sống được bao lâu, tiên lượng sẽ kém đi nếu bạn gặp phải một trong số các vấn đề sau đây:

    • Tái hẹp: Đây là biến chứng phổ biến nhất sau khi đặt stent mạch vành. Nguy cơ tái hẹp động mạch cao hơn khi sử dụng stent kim loại trần thay vì dùng stent phủ thuốc.
    • Hình thành cục máu đông: Cục máu đông có thể hình thành trong stent, làm tắc nghẽn động mạch, gây ra cơn nhồi máu cơ tim. Điều quan trọng là phải dùng aspirin kết hợp với một số loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ để giúp giảm nguy cơ đông máu.
    • Chảy máu: Bạn có thể bị chảy máu ở chân hoặc cánh tay nơi đặt ống thông. Thông thường, điều này chỉ dẫn đến vết bầm tím, nhưng đôi khi chảy máu nghiêm trọng xảy ra và có thể cần truyền máu hoặc phẫu thuật.
    • Nhồi máu cơ tim: Mặc dù hiếm gặp, nhưng bạn có thể bị nhồi máu cơ tim trong suốt quá trình thực hiện đặt stent.
    • Tổn thương động mạch vành: Động mạch vành có thể bị rách hoặc vỡ trong quá trình làm phẫu thuật. Những biến chứng này có thể cần phẫu thuật bắc cầu động mạch khẩn cấp.
    • Các vấn đề về thận: Thuốc nhuộm được sử dụng trong quá trình đặt stent mạch vành có thể gây tổn thương thận, đặc biệt ở những người đã có vấn đề về thận trước đó.
    • Đột quỵ: Đột quỵ là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp nhưng nguy hiểm trong quá trình đặt stent mạch vành. Thuốc chống đông máu được sử dụng để giảm nguy cơ đột quỵ.
    • Nhịp tim bất thường: Trong suốt quá trình thực hiện đặt stent mạch vành, tim có thể đập quá nhanh hoặc quá chậm. Tuy nhiên, những vấn đề về nhịp tim này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

    người đặt stent mạch vành sống được bao lâu tùy biến chứng

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu tùy thuộc vào tuổi tác và giới tính

    Một nghiên cứu tại Brazil được tiến hành từ năm 1999 đến 2010 trên một nhóm 19.263 bệnh nhân (trong đó có 63,6% nam giới) được phân nhóm như sau: 20-49 tuổi, 50-69 tuổi và trên 70 tuổi. Kết quả như sau:

    Tỷ lệ sống sót của nam so với nữ trong 30 ngày, 1 năm và 15 năm lần lượt là:

    • Tỷ lệ sống sót sau 30 ngày: Nam 97,3% so với nữ là 97,1%
    • Tỷ lệ sống sót sau 1 năm: Nam 93,6% so với nữ 93,4%
    • Tỷ lệ sống sót sau 15 năm: Nam 55,7% so với nữ 58,1%.

    Nam giới trong độ tuổi 20-49 có tỷ lệ sống sót cao hơn trong 9 năm theo dõi, sau đó, tỷ lệ này sẽ giảm dần sau 15 năm. Nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 50-69 có tỷ lệ sống sót gần như nhau trong 180 ngày theo dõi, sau đó, phụ nữ có tỷ lệ sống sót cao hơn.

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu phụ thuộc khá nhiều vào tuổi tác của họ. Bệnh nhân lớn tuổi có tỷ lệ sống sót thấp hơn người trẻ tuổi.

    Tình trạng sức khỏe tổng thể

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu cũng còn tùy vào sức khỏe tổng thể của từng người. Bệnh nhân hoàn toàn có thể sống sót từ 10 -15 năm nếu đáp ứng tốt với điều trị và có nền sức khỏe tổng thể tốt. Tỷ lệ sống sót đối với người không có thiếu máu cục bộ cao hơn so với những bệnh nhân đặt stent mạch vành đơn lẻ và những bệnh nhân đặt stent kèm theo bệnh lý nền nhồi máu cơ tim.

    Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những bệnh nhân nghiện hút thuốc, có các bệnh lý đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và tăng huyết áp có tiên lượng sống kém hơn trong 5 năm.

    Người bị tắc mạch vành ở nhiều vị trí, số lượng stent đặt nhiều, mức độ hẹp nặng sẽ có nguy cơ rủi ro cao hơn khi tiến hành đặt stent động mạch vành cũng như tiên lượng thời gian sống ngắn hơn.

    người đặt stent mạch vành sống được bao lâu tùy sức khỏe tổng thể

    Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu tùy vào chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật có tốt không

    Đối với hầu hết trường hợp, đặt stent mạch vành giúp cải thiện đáng kể lưu lượng máu qua động mạch vành và tim, hạn chế khả năng phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) trong tương lai.

    Tuy nhiên, đặt stent mạch vành không chữa được hoàn toàn nguyên nhân gây tắc nghẽn động mạch. Như đã nói ở trên, các động mạch vẫn có nguy cơ bị tái hẹp trong tương lai. Vì vậy, vấn đề người đặt stent mạch vành sống được bao lâu còn tùy thuộc vào lối sống và cách chăm sóc sức khỏe sau khi đặt stent mạch vành có tốt không?

    Để giữ cho trái tim khỏe mạnh và sống lâu nhất có thể sau khi đặt stent mạch vành, bạn nên duy trì các thói quen sau đây:

    • Bỏ hút thuốc lá
    • Hạn chế rượu bia
    • Giảm mức cholesterol xấu
    • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo bão hòa
    • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
    • Kiểm soát các bệnh lý nền khác theo chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và huyết áp cao
    • Tập thể dục thường xuyên
    • Nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng
    • Uống thuốc và tuân theo các chỉ định của bác sĩ.

    Hãy gọi cấp cứu hoặc thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu:

    • Vị trí đặt stent bắt đầu chảy máu hoặc sưng tấy
    • Đau hoặc khó chịu tại vị trí đặt stent
    • Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như đỏ, sưng, tiết dịch hoặc sốt
    • Có sự thay đổi về nhiệt độ hoặc màu sắc của chân hoặc cánh tay được sử dụng trong khi làm phẫu thuật
    • Mệt mỏi, yếu ớt
    • Đau ngực hoặc khó thở.

    Hi vọng bài viết này đã giải đáp được cho bạn thắc mắc người đặt stent mạch vành sống được bao lâu để bạn bớt lo lắng và biết mình nên làm gì để sống lâu, sống khỏe mạnh hơn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lương Lan


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo