backup og meta

Chẩn đoán bệnh mạch vành bằng những xét nghiệm nào?

Chẩn đoán bệnh mạch vành bằng những xét nghiệm nào?

Bác sĩ thường tiến hành chẩn đoán bệnh mạch vành bằng việc thăm khám sức khỏe, dựa trên triệu chứng mà bạn đang gặp phải, khai thác tiền sử bệnh cũng như yêu cầu tiến hành một số các xét nghiệm cần thiết.

Triệu chứng bệnh mạch vành có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng và không biết mình mắc bệnh cho đến khi gặp phải biến cố cấp tính như đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc ngừng tim đột ngột. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh sớm để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Ai nên làm chẩn đoán bệnh mạch vành?

Bạn nên đi thăm khám sớm và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mạch vành ngay cả khi không có triệu chứng bệnh nếu có các yếu tố nguy cơ như:

  • Có mức LDL cholesterol hoặc lipoprotein cao và mức HDL cholesterol thấp
  • Bị tăng huyết áp
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
  • Bị bệnh tiểu đường
  • Thường xuyên hút thuốc lá
  • Nam giới trên 45 tuổi hoặc phụ nữ sau tuổi mãn kinh
  • Thừa cân, béo phì
  • Ít hoạt động thể chất.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh mạch vành

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe, hỏi về các triệu chứng đang mắc phải, xem xét tiền sử bệnh, kiểm tra huyết áp và đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong tương lai của bạn.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi bạn về thói quen ăn uống, cường độ tập thể dục hàng ngày và có hút thuốc hay không. Tất cả những điều này đều là một phần trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành để giúp bác sĩ xác định bạn có các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh mạch vành hay không.

chẩn đoán bệnh mạch vành dựa trên triệu chứng

Một số xét nghiệm khác cũng có thể được bác sĩ yêu cầu để chẩn đoán bệnh mạch vành, bao gồm:

Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)

Điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện khi tim co bóp. Xét nghiệm này thường có thể giúp phát hiện bạn đã hoặc đang bị nhồi máu cơ tim, đồng thời cũng giúp bác sĩ xác định tình trạng thiếu máu cục bộ hoặc các vấn đề về nhịp tim. Đây là xét nghiệm không xâm lấn, đơn giản, ít tốn kém và khá phổ biến.

Siêu âm tim

Siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành? Câu trả lời là . Siêu âm tim có nguyên lý là sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ kiểm tra xem cấu trúc của tim, tim hoạt động như thế nào và đánh giá chức năng tổng thể của tim.

Nếu tim hoạt động kém, các thành tim co bóp yếu hơn bình thường hay buồng tim dãn ra thì chứng tỏ đã xuất hiện tổn thương hoặc bị thiếu oxy. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh mạch vành hoặc các bệnh lý về tim khác, bao gồm cả biến cố cấp tính.

chẩn đoán bệnh mạch vành bằng siêu âm tim

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cũng là chỉ định phổ biến trong chẩn đoán bệnh mạch vành. Xét nghiệm máu giúp bác sĩ kiểm tra nồng độ của các thành phần khác nhau trong máu có ảnh hưởng đến mạch vành, bao gồm: cholesterol hay triglyceride làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, protein có thể chỉ ra tình trạng viêm trên thành động mạch hoặc hoặc glucose để xác định xem bạn có bị tiểu đường hay không. Nếu các giá trị này vượt trên ngưỡng bình thường thì bạn sẽ có nguy cơ làm tăng khả năng xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch nói chung.

Kiểm tra khả năng gắng sức 

Bài kiểm tra khả năng gắng sức là phương pháp đánh giá khả năng tim hoạt động khi bị căng thẳng về mặt thể chất như khi vận động mạnh, tập thể dục hoặc nhịp tim cao. Trong quá trình này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ, đạp xe đạp cố định hay sử dụng thuốc để tim co bóp mạnh hơn và đập nhanh hơn.

Đồng thời trong lúc đó, bác sĩ sẽ tiến hành đo điện tâm đồ hoặc siêu âm tim để phát hiện ra các vấn đề về tim như cơn đau thắt ngực hoặc tắc nghẽn mạch vành.

Thông tim và chụp mạch vành (Chụp động mạch vành qua da)

Chụp động mạch vành được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch vành cho tới tới điểm hiện tại. Phương pháp này chỉ được chỉ định nếu các xét nghiệm khác cho thấy bạn có nhiều khả năng cao mắc bệnh mạch vành. Để chẩn đoán bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa một ống thông vào động mạch đùi nằm ở bẹn hay động mạch cổ tay của bạn và lên đến tim; sau đó bơm thuốc cản quang vào động mạch vành. Quá trình này được gọi là thông tim.

Sau đó, bác sĩ sẽ dùng tia X để chụp động mạch vành theo hướng dẫn của ống thông tim. Thủ thuật xâm lấn tối thiểu này được thực hiện nhằm giúp hiển thị rõ ràng mọi mạch máu và các tắc nghẽn trong mạch vành nếu có, về vị trí và mức độ gây hẹp lòng mạch. Chính vì thế, chụp động mạch vành qua da được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến mạch vành. Mặc khác, khi đánh giá mức độ hẹp nặng và trong biến cố cấp tính, phương pháp này cho phép can thiệp động mạch vành tại chỗ, bằng cách nong bóng và đặt stent mạch vành.

Chụp CT tim không xâm lấn

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách sử dụng tia X và thuốc cản quang nhằm tạo ra hình ảnh 3D chi tiết của tim đang hoạt động. Nhờ đó, hình ảnh thu nhận được có thể cho thấy sự tắc nghẽn bên trong động mạch vành. Đây cũng là dấu hiệu tiên đoán khả năng xảy ra một cơn đau tim trong tương lai.

Quét canxi mạch vành

Xét nghiệm này giúp đo lượng canxi trong thành động mạch vành. Sự tích tụ canxi có thể là dấu hiệu của xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành hoặc bệnh vi mạch vành. Quét canxi mạch vành cũng có thể giúp đánh giá nguy cơ bệnh mạch vành đối với những người hút thuốc hoặc không xuất hiện các triệu chứng về tim.

Chẩn đoán bệnh mạch vành bằng các xét nghiệm hình ảnh khác

chẩn đoán bệnh mạch vành như thế nào?

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mạch vành bằng hình ảnh khác cũng có thể được yêu cầu, bao gồm:

  • Chụp ảnh hạt nhân. Xét nghiệm này giúp tạo ra hình ảnh của tim sau khi sử dụng chất đánh dấu phóng xạ. Chụp ảnh hạt nhân giúp đo lưu lượng máu đến cơ tim của bạn khi nghỉ ngơi hoặc cả lúc hoạt động nhằm phát hiện các khu vực trong tim nhận được ít máu hơn.
  • Chụp MRI tim (chụp cộng hưởng từ). Xét nghiệm này giúp phát hiện tổn thương mô hoặc các vấn đề về lưu lượng máu trong tim hoặc động mạch vành. Đây là công cụ hữu hiệu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh vi mạch vành hoặc bệnh động mạch vành.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron tim (PET). Xét nghiệm này giúp đánh giá lưu lượng máu qua các mạch máu vành nhỏ và vào các mô tim. Đây là một loại hình chụp tim hạt nhân có thể chẩn đoán bệnh vi mạch vành.

Bệnh mạch vành có thể không được phát hiện sớm nếu không nhận ra các dấu hiệu cảnh báo từ đầu. Việc chẩn đoán bệnh mạch vành thường đòi hỏi các xét nghiệm chuyên sâu trong tim mạch để có thể phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị, theo dõi phù hợp trong từng bệnh cảnh.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Coronary artery disease. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronary-artery-disease/diagnosis-treatment/drc-20350619. Ngày truy cập: 25/10/2021

Diagnosis-Coronary heart disease. https://www.nhs.uk/conditions/coronary-heart-disease/diagnosis/. Ngày truy cập: 25/10/2021

Coronary Artery Disease. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16898-coronary-artery-disease. Ngày truy cập: 25/10/2021

Coronary Heart Disease. https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/coronary-heart-disease. Ngày truy cập: 25/10/2021

Diagnosing Coronary Artery Disease. https://nyulangone.org/conditions/coronary-artery-disease-in-adults/diagnosis. Ngày truy cập: 25/10/2021

Coronary Artery Disease Diagnosis. https://www.ucsfhealth.org/conditions/coronary-artery-disease/diagnosis. Ngày truy cập: 25/10/2021

Coronary Artery Disease (CAD). https://www.cdc.gov/heartdisease/coronary_ad.htm. Ngày truy cập: 25/10/2021

Phiên bản hiện tại

29/10/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Khám phá 4 bài thuốc dân gian trị thiếu máu cơ tim

Bệnh động mạch vành có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 29/10/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo