backup og meta

Dấu hiệu suy tim nặng gồm những gì? Khi nào cần cảnh giác?

Dấu hiệu suy tim nặng gồm những gì? Khi nào cần cảnh giác?

Suy tim là hậu quả cuối cùng của tất cả các bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ mắc suy tim và tử vong vì bệnh này khá cao. Bạn mới nhận chẩn đoán mà không biết có phải mình có những dấu hiệu suy tim nặng hay không? Hoặc bạn đang điều trị mà thấy triệu chứng nghiêm trọng hơn và băn khoăn liệu có phải bệnh đã nặng?

Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về các biểu hiện của suy tim nặng để giúp bạn chủ động theo dõi, thăm khám và can thiệp kịp thời.

Suy tim như thế nào là nặng?

Bạn có thể hiểu đơn giản suy tim là sự suy yếu của trái tim. Lúc này, tim không thể co bóp và bơm máu hiệu quả như bình thường được nữa. Trong khi suy tim cấp sẽ có các triệu chứng đột ngột xảy ra, nghiêm trọng ngay từ đầu và có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suy tim mạn tính lại có khuynh hướng nặng dần theo thời gian nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp.

Hiện nay, các bác sĩ chủ yếu sử dụng cách thức phân loại suy tim mạn tính của Hiệp hội Tim mạch New York. Trong đó, bệnh suy tim mạn tính được chia thành 4 giai đoạn theo mức độ nặng nhẹ của triệu chứng. Trong bài viết này sẽ đề cập đến các dấu hiệu suy tim nặng là suy tim độ III và IV theo thang phân loại này.

Dấu hiệu suy tim nặng gồm những gì?

dấu hiệu suy tim là gì?

Với bệnh nhân suy tim, triệu chứng có thể giống nhau ở các giai đoạn bệnh nhưng sẽ khác ở tần suất và mức độ. Cụ thể như sau:

  • Với suy tim độ III: Triệu chứng xuất hiện ngay khi người bệnh vận động nhẹ nhàng, khi nghỉ ngơi triệu chứng sẽ thuyên giảm. Điều này khiến họ bị hạn chế về hoạt động thể chất.
  • Với suy tim độ IV: Dấu hiệu suy tim giai đoạn cuối xảy ra ngay cả lúc nghỉ ngơi. Bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng khiến người bệnh thêm khó chịu.

Các triệu chứng cụ thể bao gồm:

  • Khó thở trong suy tim nghiêm trọng đến mức khiến bạn tỉnh giấc giữa đêm. Khó thở cũng có thể xảy ra liên tục, khó thở phải ngồi
  • Mệt mỏi, yếu đuối
  • Phù trong suy tim là phù mềm, ấn lõm; xảy ra ở chân, mắt cá chân, bàn chân và bụng
  • Tim đập nhanh hoặc đập không đều
  • Khò khè
  • Ho khan không dứt hoặc ho có đờm màu trắng hay hồng kèm theo đốm máu
  • Tăng cân nhanh do tích tụ chất lỏng trong cơ thể
  • Buồn nôn, chán ăn, chướng bụng, đau bụng
  • Khó tập trung, giảm sự tỉnh táo
  • Đau ngực nếu suy tim xảy ra sau nhồi máu cơ tim
  • Đi tiểu đêm thường xuyên

Có một điều bạn cần lưu ý về dấu hiệu suy tim nặng là chúng có thể không giống nhau giữa mỗi người. Chẳng hạn như:

  • Nếu suy tim chỉ xảy ra ở tim bên trái: Tâm thất trái không thể bơm máu ra vòng tuần hoàn lớn khiến máu ứ đọng nhiều hơn tại phổi. Hệ quả là các triệu chứng về hô hấp sẽ nổi bật hơn. Người bệnh cảm thấy khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm đầu thấp, ho khan…
  • Nếu suy tim mới chỉ xảy ra ở tim bên phải: Tâm thất phải không thể bơm đủ máu lên tuần hoàn phổi khiến máu ứ đọng trong các tĩnh mạch đưa máu từ các cơ quan trong cơ thể trở về tim nên thường xảy ra phù ngoại vi. Người bệnh đi khám do phù chân, báng bụng, đau tức hạ sườn phải, ăn khó tiêu
  • Nếu suy tim toàn bộ: Triệu chứng kết hợp cả hai.

Khi nào cần gọi cấp cứu?

dấu hiệu suy tim nặng và khi nào cần cấp cứu

Bất kể khi nào có dấu hiệu suy tim nặng hơn, bạn cần đi khám lại ngay mà không cần chờ tới lịch tái khám. Ngoài ra, khi xuất hiện triệu chứng mới, như tăng 0.5 đến 1kg trở lên chỉ trong vài ngày, tiểu ít, phù chân, khó thở hơn…, bạn cũng cần liên hệ với bác sĩ gấp. Đây có thể là do bệnh diễn tiến nặng hơn hoặc việc điều trị hiện tại không còn hiệu quả. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá và có chiến lược kiểm soát bệnh với phác đồ mới phù hợp hơn. Đồng thời, việc tìm yếu tố thúc đẩy suy tim nặng hơn cũng rất quan trọng để loại trừ cũng như phòng ngừa tái diễn trong tương lai.

Bên cạnh đó, bạn phải gọi cấp cứu ngay nếu có những biểu hiện sau đây:

  • Đau ngực dữ dội hoặc nặng hơn hoặc kéo dài trên 10 phút
  • Ngực nặng nề như bị đè ép hoặc căng cứng
  • Đau ở hàm và/hoặc lan xuống cánh tay trái
  • Đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, buồn nôn kèm theo khó thở
  • Ngất xỉu hoặc choáng váng nghiêm trọng
  • Tim đập nhanh hoặc không đều kèm theo khó thở, đau ngực hoặc ngất xỉu
  • Khó thở đột ngột, dữ dội và ho ra chất nhầy màu trắng hoặc hồng và sủi bọt.

Đây có thể là dấu hiệu suy tim nặng nhưng cũng không loại trừ những nguyên nhân khác. Bạn không nên tự chẩn đoán mà cần được nhận sự trợ giúp y tế ngay.

Nhìn chung, các dấu hiệu suy tim nặng sẽ xuất hiện ngay khi bạn chỉ vận động thể chất nhẹ nhàng hoặc thậm chí cả khi nghỉ ngơi. Điều bạn nên làm là thăm khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng suy tim trở nặng nào, để được can thiệp phù hợp ngay lập tức và tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Heart failure https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/symptoms-causes/syc-20373142 Ngày truy cập: 08/03/2024

Heart failure https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/heart-failure Ngày truy cập: 08/03/2024

Classes and Stages of Heart Failure https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/what-is-heart-failure/classes-of-heart-failure Ngày truy cập: 08/03/2024

Congestive Heart Failure https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17069-heart-failure-understanding-heart-failure Ngày truy cập: 08/03/2024

What are the stages of heart failure? https://www.health.harvard.edu/heart-health/what-are-the-stages-of-heart-failure Ngày truy cập: 08/03/2024

Heart failure https://www.healthdirect.gov.au/heart-failure Ngày truy cập: 08/03/2024

Phiên bản hiện tại

25/03/2024

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Suy tim độ 4: Bạn có thể sống khỏe được bao lâu?

Suy tim độ 3 sống được bao lâu và cách để kéo dài tuổi thọ


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 25/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo