Tim là cơ quan chính của hệ tuần hoàn, một mạng lưới các mạch máu bơm máu đi khắp cơ thể. Chức năng của tim kết hợp cùng với các cơ quan khác trên cơ thể sẽ giúp duy trì các hoạt động sống.
Tiền sử bệnh gia đình, tình trạng sức khỏe cá nhân và lối sống đều ảnh hưởng đến việc tim hoạt động tốt như thế nào. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn chức năng của tim là gì và những vấn đề liên quan trong bài viết này nhé!
Chức năng của tim là gì?
Trái tim là một cơ quan quan trọng trong hệ tuần hoàn. Mỗi ngày, tim đập khoảng 100.000 lần để thực hiện chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Chức năng của tim là bơm máu đến tất cả các bộ phận khác trên cơ thể thông qua một mạng lưới các mạch máu được gọi là hệ thống tuần hoàn.
Máu do tim bơm cung cấp cho cơ thể một lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để giúp các cơ quan và cơ bắp hoạt động tốt. Máu cũng mang đi carbon dioxide và các chất thải không mong muốn khác trở lại phổi để loại bỏ ra ngoài.
Mối quan hệ giữa tim với các cơ quan khác
Chức năng của tim được duy trì và phối hợp với các hệ thống cơ quan khác trên cơ thể để kiểm soát nhịp tim và ổn định huyết áp. Mối quan hệ giữa hoạt động của tim với các cơ quan khác cụ thể là:
- Hệ thần kinh: Hệ thần kinh giúp kiểm soát nhịp tim. Thần kinh gửi tín hiệu cho tim biết nên đập chậm hơn khi nghỉ ngơi và nhanh hơn khi căng thẳng.
- Hệ thống nội tiết: Hệ thống nội tiết gửi ra các hormone làm mạch máu co lại hoặc giãn ra, điều này ảnh hưởng đến huyết áp. Các hormone từ tuyến giáp cũng khiến cho tim bạn đập nhanh hơn hoặc chậm hơn.
Cấu tạo và chức năng của tim
Cấu trúc tim bao gồm nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận lại giữ một nhiệm vụ riêng, góp phần đáp ứng và duy trì chức năng của tim.
1. Thành tim
Thành tim là các cơ co lại và giãn ra để đáp ứng chức năng của tim là bơm máu đi khắp cơ thể. Thành tim có ba lớp, mỗi lớp lại giữ một chức năng khác nhau, bao gồm:
- Lớp nội tâm mạc (lớp trong cùng). Một lớp mỏng bên trong cùng tạo nên lớp niêm mạc của bốn ngăn và các van trong tim.
- Lớp cơ tim (lớp ở giữa). Đây là một lớp cơ dày ở giữa co lại và thư giãn để bơm máu đến tim.
- Lớp màng ngoài tim (lớp ngoài cùng). Màng ngoài tim là một lớp màng mỏng bao phủ toàn bộ trái tim. Nó tạo ra chất lỏng để bôi trơn trái tim và bảo vệ tim không bị cọ xát với các cơ quan lân cận khác.
2. Buồng tim
Trái tim được chia thành bốn ngăn còn được gọi là các buồng tim. Mỗi buồng tim lại giữ nhiệm vụ riêng nhằm đáp ứng chức năng của tim là bơm máu đi khắp cơ thể. Cụ thể như sau:
- Tâm nhĩ phải (buồng tim trên bên phải): Hai tĩnh mạch chủ thu thập máu nghèo oxy từ toàn bộ cơ thể mang đến tâm nhĩ phải. Sau đó, tâm nhĩ phải sẽ bơm máu đến tâm thất phải.
- Tâm thất phải (buồng tim dưới bên phải): Buồng tim này chịu trách nhiệm bơm máu nghèo oxy đến phổi thông qua động mạch phổi để phổi sẽ nạp lại oxy cho máu.
- Tâm nhĩ trái (buồng tim trên bên trái): Sau khi phổi nạp đầy oxy vào máu, các tĩnh mạch phổi đưa máu đến tâm nhĩ trái. Buồng tim này sẽ bơm máu giàu oxy đến tâm thất trái.
- Tâm thất trái (buồng tim dưới bên trái): Tâm thất trái là buồng tim lớn nhất trong trái tim. Nó chịu trách nhiệm bơm máu giàu oxy vào động mạch chủ và đến các phần còn lại của cơ thể.
3. Chức năng van tim
Van tim sẽ đóng mở nhịp nhàng theo từng nhịp đập để cho phép máu chảy qua các buồng tim một cách hợp lý. Chức năng van tim là kiểm soát, điều chỉnh lưu lượng và hướng máu qua các buồng tim. Các van tim bao gồm:
- Van ba lá điều chỉnh lưu lượng máu nghèo oxy từ tâm nhĩ phải đến tâm thất phải.
- Van động mạch phổi kiểm soát lưu lượng máu từ tâm thất phải vào động mạch phổi, mang máu đến phổi để lấy oxy.
- Van hai lá cho phép máu giàu oxy từ phổi đi từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái.
- Van động mạch chủ mở đường cho máu giàu oxy đi từ tâm thất trái vào động mạch chủ, động mạch lớn nhất của cơ thể bạn.
4. Mạch máu
Chức năng của tim là bơm máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể và máu nghèo oxy sẽ được mang trở lại tim. Chức năng này cần được thực hiện thông qua một mạng lưới phức tạp các mạch máu bao gồm:
- Động mạch mang máu giàu oxy từ tim đến các mô khác trên cơ thể. Ngoại trừ, động mạch phổi thì mang máu đi đến phổi.
- Các tĩnh mạch chịu trách nhiệm mang máu nghèo oxy trở lại tim.
- Các động mạch và tĩnh mạch được kết nối bởi các mạch máu nhỏ hơn được gọi là mao mạch. Mao mạch là nơi cơ thể bạn trao đổi máu giàu oxy và máu nghèo oxy.
5. Hệ thống điện tim
Hệ thống dẫn truyền tín hiệu điện trong tim chịu trách nhiệm giúp duy trì chức năng của tim là kiểm soát nhịp tim. Hệ thống tín hiệu điện này cho biết khi nào tim nên co lại và khi nào nên thư giãn để giữ cho máu được bơm đều đặn.
Các tín hiệu điện được gửi từ nút xoang (hay còn được gọi là máy tạo nhịp tim tự nhiên) của tim. Thông thường, nút xoang sẽ gửi tín hiệu điện với tốc độ ổn định, nhưng tốc độ này hoàn toàn có thể thay đổi tùy thuộc vào cảm xúc, hoạt động mà bạn đang thực hiện và cả khi bạn đang nghỉ ngơi, đây chính là nhịp tim.
Các tình trạng làm suy giảm chức năng của tim
Chức năng của tim cần được duy trì để đảm bảo cho mọi hoạt động sống của cơ thể. Do đó, trái tim có một tầm quan trọng đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên, tuổi tác, lối sống kém lành mạnh và một số tình trạng bệnh lý mãn tính có thể làm suy giảm chức năng tim.
Các bệnh về tim thường gặp gây ảnh hưởng đến chức năng của tim và có thể dẫn đến suy tim là:
- Bệnh van tim (hẹp van tim, hở van tim,…)
- Bệnh cơ tim (cơ tim phì đại, cơ tim giãn, cơ tim chu sinh,…)
- Bệnh lý dẫn truyền điện trong tim (Rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, ngoại tâm thu, rung nhĩ….)
- Bệnh động mạch vành (hẹp hoặc tắc mạch máu nuôi tim)
- Các bệnh ngoài tim ảnh hưởng lên tim như huyết áp cao, đái tháp đường, tăng mỡ máu,….)
Các tình trạng trên lâu ngày tiển triển cuối cùng là dẫn đến suy tim.
Những lầm tưởng phổ biến về bệnh tim
Suy giảm chức năng của tim có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề về tim. Bệnh tim mạch đang là mối quan hệ hàng đầu bởi nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí tử vong là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường mắc phải những lầm tưởng này về bệnh tim:
- Bệnh tim chỉ là bệnh của người già. KHÔNG ĐÚNG. Nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên theo tuổi tác, nhưng điều này không có nghĩa là bệnh tim không thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi.Trên thực tế, rất nhiều người trẻ tuổi và trung niên vẫn có thể mắc bệnh tim, đặc biệt là những người béo phì, mắc tiểu đường tuýp 2, và có lối sống kém lành mạnh, chẳng hạn như lười vận động, ăn uống kém khoa học, hút thuốc lá, uống rượu bia sẽ làm suy giảm chức năng của tim về lâu dài.
- Bệnh tim không ảnh hưởng đến phụ nữ khỏe mạnh. KHÔNG ĐÚNG. Bệnh tim là căn bệnh gây tử vong và xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh tim ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Đối với phụ nữ trẻ, việc sử dụng thuốc tránh thai và hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 20%.
- Bệnh tim sẽ biểu hiện triệu chứng rõ ràng. KHÔNG ĐÚNG. Trên thực tế, bệnh tim được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì bạn thường không biết mình mắc bệnh cho đến khi thăm khám sức khỏe. Bạn có thể không bao giờ gặp các triệu chứng, vì vậy, đừng đợi đến khi tim suy yếu thì mới điều trị. Chẩn đoán và điều trị bệnh tim sớm là rất quan trọng.
- Bệnh tim di truyền nên không thể phòng ngừa. KHÔNG ĐÚNG. Mặc dù những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và giữ cho trái tim khỏe mạnh bằng cách: thường xuyên vận động, kiểm soát cholesterol, ăn uống lành mạnh hơn, ổn định huyết áp, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát lượng đường trong máu và ngừng hút thuốc.
- Không nên tập thể dục khi mắc bệnh tim. KHÔNG ĐÚNG. Thiếu vận động là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sống sót sau cơn đau tim thường xuyên hoạt động thể chất và thực hiện các thay đổi tốt cho tim mạch sẽ có thể sống lâu hơn. Những người mắc bệnh tim mãn tính hoạt động thể chất với cường độ vừa phải là an toàn và có lợi. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị ít nhất 2,5 giờ hoạt động thể chất với cường độ vừa phải mỗi tuần sẽ có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chức năng của tim, cũng như cấu trúc và chức năng từng bộ phận trong trái tim. Hiểu rõ chức năng tim bạn sẽ biết rằng việc bảo vệ sức khỏe và duy trì hoạt động của tim là vô cùng quan trọng đấy nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]