LDL cholesterol được xem là một loại cholesterol xấu bởi nếu tích tụ quá nhiều có khả năng gây xơ vữa động mạch và dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm. Vậy, chỉ số LDL cholesterol cao là gì, bao nhiêu là cao và làm sao giảm chỉ số này? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
LDL cholesterol là gì?
LDL cholesterol hoặc lipoprotein tỷ trọng thấp là một loại lipoprotein có trong máu của con người. Đây là các hạt được tạo thành từ lipid (chất béo) và protein mang chất béo di chuyển trong máu. Do cấu trúc của mình nên chất béo không thể tự “bơi” trong máu mà cần phải có phương tiện vận chuyển là các lipoprotein.
Các hạt LDL cholesterol chứa một lượng lớn cholesterol và chỉ một lượng nhỏ protein. Loại lipoprotein này chịu trách nhiệm vận chuyển cholesterol từ gan đến các mô trong cơ thể. Vì có vai trò vận chuyển chất béo đi đến các mô, giá trị nồng độ LDL cholesterol cao sẽ cảnh báo nguy cơ mảng bám tích tụ bên trong động mạch, gây xơ vữa động mạch và dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí tử vong.
Chỉ số LDL cholesterol bao nhiêu là cao?
Trước khi tìm hiểu LDL cholesterol cao là gì và chỉ số LDL cholesterol bao nhiêu là cao thì trước tiên bạn cần biết chỉ số LDL cholesterol bình thường sẽ nằm trong khoảng nào. Theo đó, một người trưởng thành khỏe mạnh nên giữ nồng độ LDL cholesterol trong máu ở mức dưới 100 mg/dL (miligam mỗi deciliter) là tối ưu.
Tuy nhiên, nếu bạn không mắc bệnh lý nền hoặc các yếu tố tim mạch khác thì nồng độ LDL cholesterol ở mức 100-129 mg/dL vẫn được xem là bình thường. Ngược lại, nếu bạn có tiền sử xơ vữa động mạch, mức LDL cholesterol phải dưới 70 mg/dL. Một số người cần quản lý chặt chẽ hơn nếu họ có tiền sử bệnh động mạch vành.
Chỉ số LDL cholesterol cao là khi vượt quá 130 mg/dL. Cụ thể như sau:
- Mức 130-159 mg/dL được xem là giới hạn cao
- Mức 160-189 mg/dL là cao
- Từ 190 mg/dL trở lên là rất cao.
LDL cholesterol cao có thể gây ra những biến chứng gì?
Việc LDL cholesterol cao trong thời gian dài có thể gây lắng đọng và hình thành mảng bám bên trong lòng mạch máu (xơ vữa mạch máu). Các mảng bám này sẽ làm giảm lưu lượng máu qua các động mạch và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Đau thắt ngực: Nếu động mạch cung cấp máu cho tim (động mạch vành) bị ảnh hưởng, bạn có thể bị đau thắt ngực và gặp phải các triệu chứng khác của bệnh động mạch vành.
- Bệnh động mạch ngoại biên (PAD): Bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi tình trạng xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch ở chân và tay. Các bệnh lý này gây ra nhiều vấn đề lớn ở chân, bàn chân cũng như những vị trí khác trên cơ thể.
- Tăng huyết áp: Các mảng bám cholesterol và canxi có thể khiến thành động mạch trở nên cứng và hẹp. Khi đó, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các động mạch đã xơ cứng và bị thu hẹp này, kết quả khiến huyết áp của bạn tăng cao.
- Nhồi máu cơ tim: Các mảng bám nếu bị vỡ ra sẽ gây hình thành cục máu đông tại vị trí này, từ đó ngăn chặn dòng máu hoặc gây tắc nghẽn các động mạch. Nếu lưu lượng máu đến một phần của tim bị giảm sút, bạn có thể bị nhồi máu cơ tim.
- Bệnh động mạch cảnh và đột quỵ: Khi tình trạng xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến động mạch cảnh sẽ gây bệnh động mạch cảnh. Đây là động mạch mang máu đến một phần của não. Khi các mảng bám hoặc cục máu đông làm thu hẹp động mạch này, não của bạn sẽ không thể nhận đủ máu giàu oxy. Bệnh động mạch cảnh có khả năng dẫn đến cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ.
Làm sao để giảm LDL cholesterol cao?
Nếu xét nghiệm thấy chỉ số LDL cholesterol cao, bạn chắc hẳn sẽ cảm thấy lo lắng và tự hỏi liệu bị LDL cholesterol cao nên ăn gì, làm gì để giảm chỉ số có hại này. Với nhiều người, việc thay đổi lối sống có thể tạo ra những sự khác biệt rất lớn cho sức khỏe. Dưới đây là một số phương pháp có thể giúp bạn giảm chỉ số LDL cholesterol trong máu mà không cần dùng thuốc:
- Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim: Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn Địa Trung Hải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo đó, bạn nên ăn nhiều chất béo lành mạnh từ các nguồn như dầu ô-liu, các loại hạt và tránh các chất béo không lành mạnh (như chất béo bão hòa trong thịt mỡ, sản phẩm từ sữa, đồ ngọt…).
- Tập thể dục nhiều hơn: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động thể chất có thể làm giảm mức LDL cholesterol và triglyceride, đồng thời tăng mức HDL cholesterol tốt. Vì vậy, nếu chỉ số LDL cholesterol trong máu của bạn tăng cao, hãy đặt mục tiêu dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày, vào ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Bạn hãy bắt đầu từ từ và tăng dần cường độ theo thời gian.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bị thừa cân hoặc béo phì, việc giảm 3 – 5% cân nặng có thể giúp bạn làm giảm đáng kể nồng độ LDL cholesterol.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng trong thời gian dài sẽ làm tăng nồng độ LDL cholesterol, đồng thời giảm mức HDL cholesterol tốt trong máu. Các bài tập như yoga, hít thở sâu có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng hiệu quả.
- Hạn chế hút thuốc lá và uống rượu bia: Nếu bạn đang hút thuốc hoặc có uống rượu bia thì hãy bỏ càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Ngủ đủ giấc: Người có mức LDL cholesterol cao được khuyến khích nên ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Một số loại thuốc bạn dùng hoặc các bệnh lý nền có thể làm tăng mức LDL cholesterol. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ và trao đổi với bác sĩ để kiểm soát các nguy cơ này.
Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Điều quan trọng là nếu đo thấy nồng độ LDL cholesterol trong máu cao, bạn cần tìm hiểu kỹ yếu tố nguy cơ của bản thân và tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách làm giảm chỉ số này. Các bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên để giúp bạn điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống, đồng thời kê đơn thuốc nhằm kiểm soát mức LDL cholesterol nếu cần, giúp phòng ngừa các biến cố tim mạch do xơ vữa có thể mắc phải trong tương lai. Hãy tham gia tầm soát nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn tại đây cùng Hello Bacsi nhé!
[embed-health-tool-bmi]