backup og meta

Siêu âm tim

Siêu âm tim

Siêu âm tim để làm gì, biết được những thông tin gì là thắc mắc của rất nhiều người khi được bác sĩ chỉ định phải tiến hành công cụ hình ảnh học này. Mời bạn cùng tìm hiểu siêu âm tim là gì? Quy trình tiến hành và kết quả của siêu âm tim trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Siêu âm tim là gì?

Siêu âm tim là một công cụ hình ảnh học sử dụng sóng âm thanh để mô tả cấu trúc của tim. Đây là một phương tiện thiết yếu đối với các bác sĩ tim mạch để biết những thông tin về giải phẫu và chức năng của tim cũng như những mạch máu lớn đi và vào tim. Từ đó, các đặc điểm bất thường ghi nhận trên siêu âm tim sẽ tham gia vào quá trình chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tim mạch.

Tùy thuộc vào thông tin cần có để chẩn đoán đảm bảo tính chính xác, bác sĩ có thể chỉ định một trong số các loại siêu âm tim như: siêu âm tim thông thường qua lồng ngực, siêu âm tim qua thực quản, kỹ thuật Doppler, siêu âm tim gắng sức.

Siêu âm tim để làm gì?

siêu âm tim để làm gì

Bác sĩ có thể siêu âm để quan sát cấu trúc tim và kiểm tra xem tim hoạt động như thế nào. Qua đó, công cụ hình ảnh học này giúp bác sĩ:

  • Đánh giá giải phẫu và chức năng tổng thể của tim: Đánh giá kích thước, hình dạng, cấu trúc và chức năng tim cũng như các bộ phận liên quan; từ đó để biết khả năng tim vận động và bơm máu có tốt không.
  • Xác định và chẩn đoán các bệnh lý tại tim: Quan sát xem van tim có hoạt động bình thường không nhằm phát hiện các bệnh về van tim hay bất thường cấu trúc cơ tim, các vấn đề với lớp màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, cục máu đông hoặc khối u ở tim.
  • Theo dõi diễn tiến và hiệu quả điều trị các bệnh về tim: Đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị, kiểm tra xem các vấn đề ở tim có được cải thiện hơn không hay phát hiện sớm các biến chứng.

Phát hiện dị tật tim bẩm sinh: Dị tật tim bẩm sinh là những bất thường về cấu trúc hình thành trong giai đoạn bào thai và xuất hiện ngay từ khi trẻ mới được sinh ra. Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm tim để phát hiện những dị tật tim bẩm sinh, chẳng hạn như tật thông liên thất, thất phải 2 đường ra… Nếu sản phụ có các yếu tố nguy cơ thì cần khảo sát bằng siêu âm tim thai trong quá trình theo dõi thai kì.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi siêu âm tim

Đây được coi là một thủ thuật an toàn cho cả người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh, bao gồm cả bào thai trong siêu âm tim thai. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Các biến chứng và tác dụng phụ 

Siêu âm tim thông thường qua lồng ngực hoàn toàn không có nguy cơ gây ra bất kỳ biến chứng và tác dụng phụ nào. Tuy vậy, người bệnh, nhất là trẻ nhỏ, có thể cảm giác lạnh khó chịu thoáng qua khi được bôi gel lên thành ngực trước khi bác sĩ bắt đầu đặt đầu dò.

Nếu làm siêu âm tim qua thực quản, cổ họng của bạn có thể có cảm giác đau rát trong vài giờ sau đó. Tuy nhiên, hiếm khi ống siêu âm có thể làm xước niêm mạc họng trừ khi thao tác quá thô bạo. Lượng oxy trong máu sẽ được theo dõi trong suốt quá trình làm xét nghiệm để kiểm tra xem người bệnh có bất kỳ vấn đề hô hấp nào xảy ra do thuốc an thần không.

Đối với siêu âm tim khi gắng sức, việc tập thể dục hoặc dùng thuốc để kích thích tim đập nhanh hơn, mạnh hơn có thể tạm thời gây ra tình trạng nhịp tim không đều, buồn nôn, chóng mặt mà không phải do siêu âm tim gây ra. Các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như cơn đau tim, là rất hiếm gặp.

Nếu trong quá trình siêu âm có sử dụng chất cản quang, một số người có thể bị ngứa nhưng rất hiếm khi có tình trạng dị ứng nghiêm trọng.

Quy trình

Chuẩn bị trước khi thực hiện

Bạn không cần phải có sự chuẩn bị đặc biệt gì trước khi siêu âm tim thông thường qua lồng ngực. Bạn vẫn có thể ăn, uống và uống thuốc như bình thường.

Đối với siêu âm qua thực quản, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn không ăn trong 8 giờ trước đó và tháo răng giả. Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt, hãy cho bác sĩ biết, vì điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng làm siêu âm tim qua thực quản. Sau đó, bạn cũng không thể lái xe vì có thể phải uống thuốc an thần. Vì vậy, hãy sắp xếp người thân đưa bạn về nhà sau khi thực hiện thủ thuật này.

Nếu bạn phải tập thể dục bằng hình thức chạy bộ hay đạp xe đạp trong khi thực hiện siêu âm tim gắng sức, hãy mang giày thoải mái. Đồng thời, bạn cũng không được phép ăn bất cứ thứ gì trong vòng vài giờ trước khi làm siêu âm.

Quá trình siêu âm tim diễn ra như thế nào?

Hầu hết quá trình thực hiện siêu âm tim diễn ra ít hơn một giờ, thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Bác sĩ sẽ giảm ánh sáng trong phòng để hình ảnh được nhìn rõ hơn trên màn hình. Quá trình siêu âm tim có thể khác một chút tùy vào loại siêu âm được chỉ định.

Siêu âm tim qua lồng ngực tiêu chuẩn

quy trình siêu âm tim

  • Bạn sẽ bộc lộ toàn bộ vùng ngực từ thắt lưng trở lên và nằm ngửa trên giường.
  • Bác sĩ gắn các miếng dán (điện cực) vào ngực và kết nối với máy siêu âm để theo dõi điện tâm đồ.
  • Bôi một lớp gel lên đầu dò hoặc lên ngực của bạn để cải thiện sự dẫn truyền của sóng âm thanh bằng cách loại bỏ không khí giữa da và đầu dò. Bạn cần nằm nghiêng sang bên trái để cấu trúc tim theo dõi được tốt hơn.
  • Bác sĩ ấn mạnh đầu dò vào da, đồng thời di chuyển đầu dò qua lại trên ngực để sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của tim theo nhiều mặt cắt khác nhau và ghi lại trên màn hình quan sát. Nếu lực ấn mạnh làm bạn quá khó chịu, hãy nói với bác sĩ. Bạn có thể nghe thấy tiếng “vù vù” theo nhịp đập, đó là tiếng máu chảy trong tim được sóng siêu âm ghi lại.
  • Trong quá trình thực hiện, đôi khi bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nín thở trong thời gian ngắn và sau đó sẽ thở ra như bình thường.

Siêu âm tim qua thực quản

  • Cổ họng và đoạn đầu thực quản của bạn sẽ được gây tê bằng thuốc xịt hoặc bôi gel để giúp cho việc đầu dò đưa vào thực quản dễ dàng hơn.
  • Bạn có thể được tiêm một loại thuốc an thần để giúp thư giãn, đồng thời cũng được thở oxy qua mũi.
  • Một ống nội soi mềm có chứa đầu dò sẽ được dẫn xuống cổ họng và vào thực quản cho đến khi đầu dò nằm ở vị trí phía sau tim.
  • Đầu dò có khả năng xoay tròn xung quanh khu vực thực quản và dạ dày, ghi lại sóng âm thanh phản xạ từ tim. Máy tính chuyển đổi sóng âm thành hình ảnh chuyển động chi tiết các cấu trúc của tim mà bác sĩ có thể xem trên màn hình.
  • Trong suốt quá trình này, huyết áp, hàm lượng oxy trong máu và các dấu hiệu quan trọng khác cũng sẽ được theo dõi.

Siêu âm tim Doppler

Siêu âm tim Doppler thực chất là kết hợp thêm kỹ thuật Doppler với siêu âm 2D thông thường trong siêu âm tim qua lồng ngực và qua thực quản. Kỹ thuật Doppler được sử dụng để đo và đánh giá lưu lượng máu chảy qua các buồng tim và van tim cũng như trong lòng các mạch máu lớn ra vào tim. Lượng máu được bơm ra theo từng nhịp đập là một dấu hiệu cho thấy hoạt động của tim có bình thường hay không. Ngoài ra, kỹ thuật Doppler cũng giúp phát hiện vận tốc máu bất thường trong tim, các vấn đề với van tim và áp lực máu trong các động mạch liên quan. Theo đó, đây là các đặc điểm mà siêu âm tim thông thường không khảo sát được.

Siêu âm tim gắng sức

Một số vấn đề về tim, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các động mạch cung cấp máu cho cơ tim (động mạch vành), thường chỉ biểu hiện rõ khi hoạt động thể chất. Theo đó, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm tim trong điều kiện gắng sức, mô phỏng trong thực tế, để kiểm tra nhóm bệnh lý động mạch vành.

Hình ảnh của tim sẽ được siêu âm ghi lại trước (lúc nghỉ) và ngay sau khi bạn đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp cố định (lúc gắng sức). Nếu không thể tập thể dục, bạn có thể được tiêm thuốc để làm tăng nhịp tim và công co bóp cơ tim như khi đang tập thể dục.

Điều gì xảy ra sau khi siêu âm tim

Hầu hết mọi người đều có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày một cách bình thường sau khi làm siêu âm tim. Nếu kết quả siêu âm tim là bình thường, bạn có thể không cần xét nghiệm gì thêm. Trong trường hợp kết quả có vấn đề, bệnh lý có thể được xác định hoặc nếu chưa rõ ràng thì bạn có thể phải được chỉ định thực hiện thêm các cận lâm sàng cần thiết khác.

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào chẩn đoán của bác sĩ dựa trên thăm khám thực thể, các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể. Bạn có thể cần thực hiện siêu âm tim lại trong vài tháng hoặc tiến hành các cận lâm sàng để chẩn đoán nâng cao hơn như chụp cắt lớp vi tính (CT) tim mạch hoặc chụp mạch vành.

Kết quả

Kết quả siêu âm tim cho thấy điều gì?

kết quả siêu âm tim

  • Những thay đổi về kích thước tim: Các van tim bị suy yếu hoặc bị tổn thương, suy tim hay dị tật tim bẩm sinh có thể làm cho các buồng tim to ra hoặc thành tim dày dãn một cách bất thường.
  • Khả năng bơm máu: Siêu âm tim cũng cho biết tỷ lệ phần trăm máu được bơm ra từ tâm thất đổ đầy trong mỗi nhịp tim (phân suất tống máu) và thể tích máu được tim bơm trong một phút (cung lượng tim). Khi tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể có thể là dấu hiệu của suy tim.
  • Tổn thương cơ tim: Siêu âm giúp bác sĩ xác định xem tất cả các phần của thành tim có co bóp đồng bộ, tham gia vào hoạt động bơm máu của tim hay không. Đôi khi, tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim cũ có thể khiến một số vùng của cơ tim bị hoại tử và giảm hay mất sức co bóp.
  • Tổn thương van tim: Bao gồm hẹp và hở van tim, vận tốc máu qua van tim.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Vấn đề tại buồng tim, kết nối bất thường giữa tim và các mạch máu chính cũng như các dị tật tim phức tạp xuất hiện khi sinh, thậm chí còn trong giai đoạn bào thai
  • Phát hiện cục máu đông hoặc khối u trong tim
  • Bất thường màng ngoài tim

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về xét nghiệm siêu âm tim và giải đáp được thắc mắc siêu âm tim để làm gì, quá trình tiến hành như thế nào và ý nghĩa đem lại của siêu âm tim nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Echocardiogram. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/echocardiogram/about/pac-20393856. Ngày truy cập: 18/08/2021

Echocardiogram. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/16947-echocardiogram. Ngày truy cập: 18/08/2021

Echocardiogram (Echo). https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/diagnosing-a-heart-attack/echocardiogram-echo. Ngày truy cập: 18/08/2021

Echocardiogram. https://www.nhs.uk/conditions/echocardiogram/. Ngày truy cập: 18/08/2021

Echocardiography. https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/echocardiography. Ngày truy cập: 18/08/2021

Echocardiogram. https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/echocardiogram. Ngày truy cập: 18/08/2021

Phiên bản hiện tại

25/08/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về siêu âm tim thai

Đi tìm lời đáp về nguyên nhân siêu âm không thấy thai


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo