Nhồi máu cơ tim thường để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng không phải là không thể phòng ngừa. Thay đổi lối sống là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Chúng bao gồm: ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, kiểm soát huyết áp và một số những lưu ý khác.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim. Trong số đó, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải mà bạn không thể thay đổi được, chẳng hạn như tiền sử gia đình, giới tính hoặc tuổi tác. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống mà bạn có thể thay đổi để làm giảm nguy cơ mắc phải nhồi máu cơ tim. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!
1. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng cách kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao gây căng thẳng cho động mạch và tim, dễ dàng dẫn đến các triệu chứng nhồi máu cơ tim. Điều quan trọng là phải kiểm tra huyết áp thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần đối với hầu hết người trưởng thành và thường xuyên hơn nếu bạn mắc bệnh cao huyết áp. Chỉ số huyết áp tối ưu nhất nên duy trì là dưới 140/90 mmHg nhưng tuổi càng trẻ thì con số này nên thấp hơn, dưới 120/80mmHg là tốt nhất.
Ngoài ra, hãy thực hiện kiểm soát huyết áp ngay tại nhà bằng cách ăn nhạt, dưới 6g muối/ngày (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê). Cùng với đó bạn nên xây dựng một chế độ ăn tốt cho tim, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng và tập thể dục đều đặn (sẽ được đề cập ở phần dưới bài viết).
2. Giảm mức cholesterol xấu trong máu giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Khi mỡ máu cao kết hợp với tăng huyết áp, nguy cơ xơ vữa động mạch càng lớn. Đây là sự tích tụ của mỡ máu xấu, canxi và chất thải chuyển hóa trên thành mạch máu bị tổn thương, khiến mạch máu bị thu hẹp và dày cứng. Thông thường, xơ vữa động mạch xuất hiện ở mạch vành nuôi cơ tim, gây ra bệnh mạch vành. Nếu chẳng may có cục máu đông bín kít vị trí mạch máu vốn đã tắc hẹp này, hoặc sự tắc hẹp quá nghiêm trọng sẽ khiến cho dòng máu nuôi tim bị cắt đứt hoàn toàn, chính là chứng nhồi máu cơ tim.
Các yếu tố di truyền, bệnh tiểu đường type 2, hút thuốc, thừa cân và ít vận động đều có thể làm tăng mỡ xấu trong máu. Vì vậy, hãy giảm chất béo xấu trong chế độ ăn uống và dùng thuốc hạ mỡ máu do bác sĩ chỉ định nếu cần thiết. Chất béo xấu gồm có chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có trong mỡ động vật, nội tạng, da gia cầm, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, pate hộp, đồ chiên xào, bánh quy, sữa nguyên chất chưa tách béo và sản phẩm từ sữa nguyên chất…
3. Kiểm soát đường huyết
Bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim ở người mắc phải. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và các dây thần kinh tim, khiến tỷ lệ xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim tăng lên. Vì vậy, để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt đường huyết thông qua ăn uống và thuốc men, cũng như kiểm tra đường huyết thường xuyên nếu có bệnh tiểu đường.
4. Giảm cân hợp lý
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Vì cân nặng quá mức có thể dẫn đến các tình trạng bao gồm huyết áp cao, mỡ máu cao và bệnh tiểu đường type 2, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Đối với người béo phì, ngay cả khi giảm một số cân nhỏ cũng có thể mang đến lợi ích cho sức khỏe. Giảm trọng lượng cơ thể chỉ từ 3% đến 5% có thể giúp hạ mỡ máu, giảm đường huyết, giảm huyết áp.
Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, kiểm soát lượng calo nạp vào và tích cực tập thể dục là cách duy nhất để giảm cân lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý, từ đó góp phần phòng ngừa nhồi máu cơ tim một cách hiệu quả.
5. Ăn uống lành mạnh để phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những vũ khí tốt nhất giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Thực phẩm mà bạn nạp vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến mỡ máu, huyết áp và cả lượng đường trong máu.
Hãy tránh những món ăn có thể gây mất cân bằng chất trong cơ thể như:
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa đã được đề cập ở trên
- Đường
- Muối
- Món chiên xào, hãy thay thế bằng món luộc và hấp.
Thay vào đó bạn nên ăn:
- Nhiều rau xanh và trái cây tươi
- Các loại ngũ cốc nguyên cám
- Các chế phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo
- Thịt nạc, thịt gia cầm đã loại bỏ da
- Cá giàu axit béo omega-3
- Các loại đậu và hạt
- Dầu thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương…
6. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng việc tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện lưu thông máu huyết trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải giúp duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời làm giảm nguy cơ phát triển các tình trạng khác có thể gây căng thẳng cho tim, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường type 2.
Bạn có thể thực hiện bất kỳ môn thể thao nào ưa thích. Chỉ đơn giản như đi bộ nhanh cũng có lợi rất lớn cho sức khỏe mạch vành và cơ tim. Hãy chia đều thời gian tập luyện ra ít nhất 5 ngày trong tuần, đảm bảo không nghỉ liền 2 ngày liên tiếp.
7. Hạn chế rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, khiến nhịp tim không đều và làm tăng nguy cơ gặp phải nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Rượu cũng làm tăng lượng calo và dễ gây tăng cân. Vì vậy, đàn ông không nên uống nhiều hơn hai cốc rượu mạnh (hoặc 2 lon bia hay 2 ly rượu vang) mỗi ngày và phụ nữ không nên uống nhiều hơn một cốc.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người đã từng bị nhồi máu cơ tim tim và tiếp tục uống rượu say có nguy cơ tử vong do cơn nhồi máu cơ tim khác hoặc đột quỵ cao gấp đôi so với người bình thường.
8. Bỏ hút thuốc
Một trong những việc bạn cần làm để phòng ngừa nhồi máu cơ tim ngay hôm nay là hãy bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc và nên hạn chế ở trong môi trường có người hút thuốc thường xuyên (dù thời điểm bạn ở đó họ không hề hút). Hóa chất trong thuốc lá lưu lại trong môi trường tới 3 tháng.
Thuốc lá gây hại cho thần kinh, tim và mạch máu. Nó làm giảm lượng oxy trong máu, tăng huyết áp và tăng nhịp tim do tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Ngoài ra, hút thuốc tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch vì khiến mạch máu tổn thương rất nhiều, khiến bạn dễ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ hơn.
Nếu bạn tránh thuốc lá giảm nguy cơ mắc bệnh tim một cách đáng kể. Sau một năm không hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh tim chỉ còn khoảng một nửa so với người hút thuốc.
9. Ngủ đủ giấc
Không ngủ đủ giấc, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp, béo phì và tiểu đường. Những vấn đề sức khỏe này hoàn toàn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hầu hết người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.
Nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy liên hệ với bác sĩ để xem bạn có mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ hay không để được điều trị kịp thời. Chứng ngưng thở khi ngủ làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của cơ thể và tăng nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch.
10. Quản lý căng thẳng giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Một vài nghiên cứu đã ghi nhận mối liên quan giữa nguy cơ tăng huyết áp, bệnh mạch vành với căng thẳng trong cuộc sống. Những người bị căng thẳng đầu óc có thể ăn quá nhiều, hút thuốc thường xuyên hoặc uống nhiều rượu hơn mức bình thường, dẫn đến có hại cho tim mạch.
Hãy dành thời gian thư giãn bằng việc sắp xếp công việc hợp lý, tập thể dục, nghe nhạc, thiền định… để cải thiện sức khỏe tinh thần.
11. Khám sức khỏe định kỳ
Bạn sẽ không biết mình có vấn đề vì rất nhiều vấn đề tim mạch âm thầm diễn ra trong nhiều năm, chỉ có triệu chứng khi đã có biến chứng. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Cụ thể như sau:
- Kiểm tra huyết áp. Nếu bạn từ 18 đến 39 tuổi, hãy kiểm tra huyết áp mỗi năm một lần. Những người từ 40 tuổi trở lên và có nguy cơ bị tăng huyết áp cần đo mỗi năm 2 lần. Riêng bệnh nhân cao huyết áp nên được theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên, tốt nhất là ngày một lần.
- Kiểm tra mỡ trong máu. Người trưởng thành nên được đo mức cholesterol ít nhất từ 4-6 năm một lần. Kiểm tra cholesterol thường bắt đầu ở tuổi 20 hoặc sớm hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc bệnh tim khởi phát sớm.
- Kiểm tra đường huyết. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như thừa cân hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, hãy tiến hành kiểm tra đường huyết 3 năm/lần, đặc biệt là từ năm 45 tuổi trở đi.
Nếu bạn bị mỡ máu cao, huyết áp cao hoặc tiểu đường, hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đảm bảo uống thuốc theo đơn và áp dụng một lối sống lành mạnh ngay hôm nay.
Chủ động phòng ngừa nhồi máu cơ tim, cũng như chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim sớm sẽ giúp bạn bảo vệ tính mạng của bản thân và sống vui khỏe hơn.
[embed-health-tool-heart-rate]