backup og meta

Kênh nhĩ thất

Kênh nhĩ thất

Kênh nhĩ thất là một dạng khiếm khuyết bẩm sinh tại tim với đặc tính phức tạp và mức độ nguy hiểm cao. Nếu không được tiến hành điều trị, bệnh có thể dẫn đến suy tim và hàng loạt biến chứng nghiêm trọng khác.

Vậy nguyên nhân hình thành kênh nhĩ thất là gì? Các triệu chứng nào có thể giúp ích trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh?

Tìm hiểu chung

Kênh nhĩ thất là gì?

Kênh nhĩ thất được mô tả là một dị tật bẩm sinh, trong đó sự tổn thương xảy ra ở các cấu trúc có nguồn gốc từ gối nội mạc của tim trong thời kỳ bào thai. Gối nội mạc là một mầm nội mạc xuất hiện vào tuần thứ tư của thai kỳ, chịu trách nhiệm tạo ra vách liên nhĩ, vách liên thất và các van nhĩ thất của tim sau này.

Tổn thương liên quan gối nội mạc có thể gây ra các khiếm khuyết vách ngăn nhĩ thất và tình trạng bất thường ở van tim.

Kênh nhĩ thất được chia thành 2 dạng chính bao gồm:

  • Kênh nhĩ thất toàn phần: các vách ngăn nhĩ thất không được phát triển hoàn chỉnh dẫn đến hình thành một lỗ hổng lớn ở trung tâm tim, ngay tại vị trí giao nhau của vách liên nhĩ và vách liên thất. Đồng thời van 2 lá và van 3 lá cũng gộp thành một van nhĩ thất chung độc nhất, van chung thường có 5 lá và không thể đóng chặt. Sự biến đổi cấu trúc này cho phép máu có thể hòa trộn và lưu thông khắp bốn ngăn của tim.
  • Kênh nhĩ thất bán phần: chỉ xảy ra tình trạng thông liên nhĩ hoặc xuất hiện một lỗ hổng trên vách liên thất gần trung tâm tim. Người bị kênh nhĩ thất bán phần vẫn tồn tại đầy đủ van 2 lá và van 3 lá, tuy nhiên một trong hai van (thường là van 2 lá) có thể không đóng hoàn toàn, khiến máu rò rỉ ngược từ tâm thất trái vào tâm nhĩ trái.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của kênh nhĩ thất

Kênh nhĩ thất có thể chỉ liên quan đến hai buồng trên (tâm nhĩ) hoặc cả bốn buồng của tim. Ở cả hai trường hợp, máu đều có thể chảy thêm vào phổi. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào việc khiếm khuyết là bán phần hay toàn bộ.

Trẻ bị kênh nhĩ thất toàn phần thường phát triển triệu chứng trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh, các dấu hiệu có thể tương tự như tình trạng suy tim, bao gồm:

  • Khó thở, thở nhanh hoặc thở khò khè
  • Mệt mỏi, ngủ không ngon giấc
  • Trẻ chán ăn, bú kém, chậm tăng cân
  • Môi và da nhợt nhạt, đổi màu hơi xanh
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Nhịp tim bất thường hoặc nhanh
  • Sưng ở chân, mắt cá chân và bàn chân (phù nề)

Trong khi đó, nếu các lỗ hổng không quá lớn thì kênh nhĩ thất bán phần có thể không xuất hiện triệu chứng cho đến giai đoạn trưởng thành sớm. Đặc biệt, các triệu chứng có thể liên quan đến một số biến chứng của kênh nhĩ thất:

  • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)
  • Khó thở
  • Huyết áp cao trong phổi (tăng áp động mạch phổi)
  • Các vấn đề về van tim
  • Suy tim

Triệu chứng kênh nhĩ thất

Nguyên nhân

Nguyên nhân của kênh nhĩ thất là gì?

Hầu hết, nguyên nhân chính xác gây ra các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ vẫn chưa được khẳng định chắc chắn. Một số trường hợp trẻ mắc bệnh là do di truyền hoặc do sự biến đổi gen và nhiễm sắc thể trong cơ thể. 

Đôi khi, dị tật tim bẩm sinh cũng có thể là hậu quả của gen di truyền kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác mà người mẹ tiếp xúc trong thai kỳ, chẳng hạn như môi trường sống, thức ăn, nguồn nước, các loại thuốc sử dụng,…

Mặt khác, kênh nhĩ thất đã được ghi nhận thường gặp ở những trẻ mắc hội chứng Down, một tình trạng di truyền có liên quan đến nhiễm sắc thể 21 thừa (còn gọi là tam nhiễm sắc thể 21). 

Các yếu tố nguy cơ phát triển kênh nhĩ thất

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành khiếm khuyết kênh nhĩ thất ở trẻ sơ sinh, bao gồm:

  • Trẻ mắc hội chứng Down 
  • Mẹ mắc bệnh sởi (rubella) hoặc bệnh do virus khác trong quá trình mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ
  • Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt trong thai kỳ
  • Uống rượu, hút thuốc khi mang thai
  • Sử dụng các loại thuốc có khả năng gây độc trên thai nhi
  • Bố hoặc mẹ có dị tật tim bẩm sinh 

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán kênh nhĩ thất?

Chẩn đoán kênh nhĩ thất

Chẩn đoán kênh nhĩ thất có thể được thực hiện ngay từ trong giai đoạn mang thai bằng kỹ thuật siêu âm tim thai, giúp phát hiện các vấn đề liên quan đến cấu trúc tim và quan sát được mức độ hoạt động của tim.

Sau khi sinh, các triệu chứng của kênh nhĩ thất toàn phần thường dễ nhận thấy trong vài tuần đầu tiên. Khi đó, nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như: 

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)
  • Siêu âm tim
  • Chụp X-quang phổi 
  • Chụp X-quang ngực
  • Thông tim

Những phương pháp điều trị kênh nhĩ thất

Phẫu thuật là phương pháp điều trị được áp dụng cho cả hai dạng kênh nhĩ thất và bệnh nhân có thể phải trải qua nhiều hơn một cuộc phẫu thuật. 

Sử dụng miếng vá để đóng các lỗ khuyết là phẫu thuật được thực hiện trước nhất, các mảnh vá này sẽ tồn tại trong tim vĩnh viễn, trở thành một phần của thành tim khi lớp niêm mạc tim phát triển trên chúng.

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, những cuộc phẫu thuật tiếp theo sẽ được chỉ định phù hợp. Đối với kênh nhĩ thất bán phần, mục đích phẫu thuật can thiệp là để van 2 lá đóng chặt lại. Nếu không thể sửa chữa, van có thể cần được thay thế.

Tương tự, ở những bệnh nhân kênh nhĩ thất toàn phần, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật chia van chung nhĩ thất thành hai van riêng lẻ hoặc thay mới cả van 3 lá và van 2 lá trong trường hợp không tách được van chung.

Thời điểm phẫu thuật điều trị phụ thuộc vào thể trạng sức khỏe và cấu trúc cụ thể của tim. Nếu có thể, nên phẫu thuật trước khi phổi bị tổn thương vĩnh viễn do lượng máu được bơm lên phổi quá nhiều. Một số thuốc có thể được sử dụng để điều trị suy tim sung huyết, nhưng đó chỉ là một biện pháp ngắn hạn cho đến khi trẻ đủ điều kiện để phẫu thuật.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa kênh nhĩ thất

Di truyền là yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành các dị tật tim bẩm sinh. Để đảm bảo an toàn cho con, bố mẹ nên thăm khám và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc (còn gọi là xét nghiệm tiền sản) để kiểm tra dị tật bẩm sinh và các bệnh lý khác.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến kênh nhĩ thất có phần liên quan đến các yếu tố môi trường, chính vì thế việc kiểm soát tốt lối sống, sinh hoạt, tình trạng sức khỏe,… trong thời kỳ mang thai có thể là một biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bệnh cho trẻ. 

Kênh nhĩ thất hoặc bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác cũng đều ẩn chứa nguy cơ xuất hiện biến chứng xấu. Bệnh nhân cần tuân thủ tái khám thường xuyên để theo dõi sự tiến triển của bệnh cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bất thường. Bằng việc điều trị thích hợp, hầu hết trẻ sơ sinh mắc khiếm khuyết kênh nhĩ thất đều trưởng thành khỏe mạnh và vẫn đảm bảo được chất lượng cuộc sống.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Facts about Atrioventricular Septal Defect (AVSD). https://www.cdc.gov/ncbddd/heartdefects/avsd.html. Ngày truy cập 23/07/2021

Atrioventricular canal defect. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atrioventricular-canal-defect/symptoms-causes/syc-20361492. Ngày truy cập 23/07/2021

Complete Atrioventricular Canal defect (CAVC). https://www.heart.org/en/health-topics/congenital-heart-defects/about-congenital-heart-defects/complete-atrioventricular-canal-defect-cavc. Ngày truy cập 23/07/2021

Atrioventricular Septal Defect https://www.cincinnatichildrens.org/health/a/avsd Ngày truy cập 23/07/2021

Atrioventricular Canal Defects https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557511/ Ngày truy cập 23/07/2021

Phiên bản hiện tại

26/07/2021

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Người bị bệnh động mạch vành nên ăn gì? | Hello Bacsi x SANOFI

Bạn biết gì về bệnh tim bẩm sinh ở người lớn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 26/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo