backup og meta

Bệnh viêm dạ dày ruột có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh viêm dạ dày ruột có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh viêm dạ dày ruột thường gây ra những triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn và đôi khi sốt.

Nhiều người thắc mắc rằng viêm dạ dày ruột có nguy hiểm không? Câu trả lời là bạn sẽ có khả năng tự lành và phục hồi nếu có thể trạng sức khỏe tốt. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi hay người có hệ miễn dịch yếu mắc viêm dạ dày ruột và không được điều trị kịp thời thì có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Do đó, cách tốt nhất là bạn nên phòng ngừa hiệu quả ngay từ bây giờ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh viêm dạ dày ruột lây lan như thế nào?

Bệnh viêm dạ dày ruột gây ra bởi một số virus (trẻ nhỏ thường mắc rotavirus, người lớn do nhiễm norovirus), vi khuẩn có hại cho đường ruột như Salmonella, E.coli, Campylobacter… Có 2 con đường chính để căn bệnh này lây lan mà bạn cần lưu ý là:

1. Ăn thực phẩm hoặc uống nước đã nhiễm khuẩn

Bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày ruột sau khi ăn thực phẩm hoặc uống nước chứa vi khuẩn có hại cho đường ruột, đặc biệt là vi khuẩn E.coli. Trong đó phải kể đến nguyên nhân khiến thực phẩm bị ô nhiễm thường là do người chế biến thức ăn không rửa tay, thực phẩm bẩn hay thực phẩm không được xử lý, bảo quản hoặc nấu chín đúng cách.

2. Chạm vào đồ vật nhiễm khuẩn

Bên cạnh việc lây lan qua đường ăn uống, nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày ruột còn có thể xảy ra khi tay bạn chạm vào đồ vật có chứa vi khuẩn. Tình trạng này thường xảy ra khi một người không rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh hoặc chăm sóc người bệnh và khiến vi trùng lan sang đồ vật.

Nếu bạn vô tình chạm vào những đồ vật này, sau đó dùng tay bốc thức ăn hoặc chế biến thức ăn hoặc để tay tiếp xúc với miệng thì sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bệnh viêm dạ dày ruột được chẩn đoán như thế nào?

chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ruột

Vì có nhiều vi khuẩn gây ra viêm dạ dày ruột nên các triệu chứng ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau, từ mức độ nhẹ đến nặng với một số biểu hiện như:

  • Tiêu chảy ra nước, thường không có máu. Chỉ có máu khi bệnh nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng
  • Đau quặn bụng
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Nhức đầu, thỉnh thoảng đau cơ
  • Mất nước, mất cân bằng điện giải
  • Sốt nhẹ.

Khi nhận thấy các triệu chứng này xuất hiện trong khoảng từ 1 – 3 ngày, triệu chứng không giảm sau khi dùng thuốc tại nhà hoặc bị đau bụng nhiều, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán đúng cách và điều trị kịp thời. Thông thường, ngoài việc thăm khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng bệnh, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp mẫu phân để làm xét nghiệm. Song song đó, bạn cũng nên cập nhật cho bác sĩ về những gì mình đã ăn, uống hoặc đã đi đến những nơi nào gần đây (nếu có) để hỗ trợ quá trình chẩn đoán chính xác hơn.

Bệnh viêm dạ dày ruột có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày ruột đều tự khỏi sau vài ngày, một số ca bệnh có thể kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng để đường ruột phục hồi. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc đối tượng mắc bệnh là trẻ em, người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu thì nên nhập viện để được bác sĩ theo dõi, chăm sóc. Các phương pháp điều trị thường là:

  • Bổ sung chất lỏng để bù cho lượng nước đã mất. Nếu bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho truyền dịch qua tĩnh mạch.
  • Bác sĩ có thể kê đơn để bạn dùng thuốc cầm tiêu chảy. Điều này tùy thuộc vào triệu chứng bạn đang gặp phải và những thông tin bạn cung cấp.
  • Nếu trường hợp của bạn nghiêm trọng và có dấu hiệu nhiễm trùng sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Cách chăm sóc, cải thiện bệnh viêm dạ dày ruột tại nhà

uống nhiều nước để cải thiện bệnh viêm dạ dày ruột

Nếu các triệu chứng của bệnh không quá nhiêm trọng thì bạn vẫn có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Những điều bạn nên lưu ý đó là:

  • Nghỉ ngơi thật nhiều.
  • Uống nhiều nước lọc, canh, súp hoặc dung dịch điện giải. Tránh thức ăn khó tiêu nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas, cà phê, trà, sữa, nước trái cây và rượu bia vì các loại đồ uống này có thể làm trầm trọng các triệu chứng.
  • Cho đến khi hết tiêu chảy, bạn không nên ăn trái cây có vỏ hay rau sống để tránh tiêu chảy nặng hơn.

Cách phòng ngừa bệnh viêm dạ dày ruột tại nhà

Hậu quả đáng lo ngại nhất của bệnh viêm dạ dày ruột là gây mất nước, muối và các khoáng chất cần thiết của cơ thể. Thậm chí, tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, bạn nên quan tâm đến các biện pháp phòng bệnh sau đây:

  • Luôn rửa tay sạch bằng xà phòng trong những trường hợp như sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thịt, cá và vật nuôi, gia cầm, trước khi chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh…
  • Rửa rau và trái cây sạch, đúng cách trước khi ăn hoặc chế biến.
  • Rửa thớt và tất cả dụng cụ nấu ăn bằng nước nóng sau khi sử dụng. Thường xuyên khử trùng bếp, vệ sinh tủ lạnh.
  • Luôn nấu chín thịt, cá… để diệt vi khuẩn gây bệnh.
  • Đối với mẹ nuôi con nhỏ, bạn cần rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã cho con và xử lý tã bẩn đúng cách để ngăn vi khuẩn lây lan.
  • Nếu phải chăm sóc người bệnh viêm dạ dày ruột, bạn nên mang găng tay khi tiếp xúc với quần áo, drap trải giường, khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân của họ và sau đó là rửa sạch tay. Ngoài ra, cần giặt riêng đồ của người bệnh bằng nước nóng.
  • Với trẻ nhỏ 2 – 6 tháng tuổi, các phụ huynh nên cho bé uống ngừa rotavirus tại các trung tâm tiêm chủng nhằm giúp trẻ giảm nguy cơ bị tiêu chảy nặng do rotavirus.

Bệnh viêm dạ dày ruột có thể trở nên nguy hiểm nếu xuất hiện các triệu chứng như phân lẫn máu, mất nước nghiêm trọng, môi khô, ít hoặc không đi tiểu được, sốt cao… Do đó, nếu gặp các triệu chứng này, bệnh nhân nên được nhập viện ngay lập tức để điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bacterial Gastroenteritis https://www.fairview.org/patient-education/89211 Truy cập ngày 22/06/2021

Viral gastroenteritis (stomach flu) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/viral-gastroenteritis/symptoms-causes/syc-20378847 Truy cập ngày 22/06/2021

Bacterial Gastroenteritis https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/b/bacterial-gastroenteritis.html Truy cập ngày 22/06/2021

Symptoms & Causes of Viral Gastroenteritis (“Stomach Flu”)

https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/viral-gastroenteritis/symptoms-causes#:~:text=In%20most%20cases%2C%20viral%20gastroenteritis,need%20treatment%20at%20a%20hospital. Truy cập ngày 22/06/2021

Gastroenteritis https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/stomach-liver-and-gastrointestinal-tract/gastroenteritis Truy cập ngày 22/06/2021

Phiên bản hiện tại

25/06/2021

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Viêm dạ dày ruột


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 25/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo