Tuy không trực tiếp đe dọa tính mạng nhưng bệnh sán lá gan vẫn có nguy cơ gây nên nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
Sán lá gan là một loại giun ký sinh. Mọi người có thể mắc bệnh sán lá gan sau khi sử dụng nguyên liệu thực phẩm như cá hay rau cải xoong ở vùng nước ngọt bị nhiễm trứng giun, sán. Sau khi vào đến dạ dày, sán lá gan sẽ di chuyển từ ruột đến ống dẫn mật trong gan để cư ngụ và phát triển.
Mặc dù hầu hết người bị bệnh sán lá gan thường không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào, nhưng đôi khi cơ thể vẫn biểu hiện tình trạng khác thường liên quan đến hệ thống mật. Một số trường hợp cá biệt có thể xảy ra biến chứng lâu dài.
Triệu chứng và tác hại của bệnh sán lá gan
Trong thời gian ngắn, tác hại của sán lá gan có thể khá nghiêm trọng, biểu hiện thông qua những triệu chứng như:
- Đau bụng
- Sốt
- Buồn nôn và nôn
- Tiêu chảy
- Nổi mề đay
- Khó chịu
- Chán ăn và sụt cân
Ngoài ra, một số biến chứng hiếm gặp liên quan đến nhiễm bệnh sán lá gan nặng, bao gồm sự hình thành sỏi, nhiễm trùng tái phát của hệ thống mật và ung thư đường mật (ung thư ống mật).
Vòng đời sán lá gan diễn ra như thế nào?
Ký sinh trùng trưởng thành trú ngụ trong các ống mật nhỏ và có thể sống ở đó từ 20–30 năm. Sán sống lâu có nguy cơ gây ra tình trạng viêm mãn tính kéo dài ở ống mật, làm tiền đề dẫn đến những biến chứng phức tạp.
Khoảng 4–6 tháng sau khi định cư ở các ống dẫn mật, sán trưởng thành bắt đầu sản xuất trứng. Những quả trứng giun này sau đó sẽ di chuyển đến ruột.
Phòng bệnh
Phòng ngừa luôn là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị các vấn đề sức khỏe. Bạn cần biết rằng bệnh sán lá gan hoàn toàn có thể ngăn ngừa dễ dàng. Do đó, hãy bảo đảm bạn luôn tuân thủ quy tắc “ăn chín uống sôi” để tránh trường hợp giun có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
Những người đang đi du lịch đến các khu vực có điều kiện vệ sinh kém chắc chắn nên tránh sử dụng thực phẩm và nguồn nước có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng. Vì vậy, bạn hãy tìm những quán ăn hợp vệ sinh, không ăn ở hàng quán ven đường.
Những phương pháp điều trị bệnh sán lá gan
Sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật
Phương pháp này có thể loại bỏ hoàn toàn giun ký sinh. Bệnh sán lá gan thường sẽ được điều trị với thuốc triclabendazole để uống, thường là trong một hoặc hai liều. Hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt với biện pháp điều trị này.
Mặt khác, bác sĩ đôi khi yêu cầu phẫu thuật bởi những biến chứng lâu dài do bệnh sán lá gan gây ra, chẳng hạn như viêm đường mật (nhiễm trùng ống mật).
Giảm triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh sán lá gan cũng có thể được điều trị bằng những phương pháp truyền thống. Ví dụ như, bạn có thể dùng acetaminophen (Tylenol) để giảm đau bụng và hạ sốt. Thuốc chống buồn nôn có thể làm giảm buồn nôn và nôn.
Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp cầm chừng vì chúng không thể giải quyết vấn đề tận gốc. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán cũng như điều trị bệnh sán lá gan càng sớm càng tốt.
Nguy cơ mắc bệnh sán lá gan
Bệnh sán lá gan khá phổ biến ở một số nơi trên thế giới. Những người sinh sống ở các khu vực kém vệ sinh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Những người đi du lịch đến khu vực này cũng có khả năng nhiễm bệnh.
Vậy bệnh sán lá gan có lây không? Mặc dù bệnh này không thể lây từ người sang người, nhưng các thành viên trong gia đình vẫn có thể bị nhiễm giun. Nguyên nhân đơn giản là do ăn cùng một loại thực phẩm.
Triển vọng của bệnh sán lá gan
Triển vọng dành cho những người mắc bệnh sán lá gan cực kỳ tốt. Nhiều người có thể sống chung với loại giun ký sinh này cả đời và không bao giờ gặp phải bất kỳ triệu chứng hoặc biến chứng nào. Nếu triệu chứng xảy ra thì vẫn luôn điều trị được.
Bệnh sán lá gan không gây tử vong. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, việc nhiễm trùng có khả năng dẫn đến những biến chứng nặng như hình thành sỏi mật hay ung thư ống mật.
Phát hiện sớm nhiễm trùng sán lá gan là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa các biến chứng phát sinh. Nếu bạn gặp các triệu chứng được đề cập phía trên, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán.
[embed-health-tool-bmr]