backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau ruột thừa có cần mổ không? Khi nào có thể điều trị bằng kháng sinh?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hoàng Công Tuấn · Tim mạch · Phòng khám Bác sĩ gia đình - 115 An Tâm


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 19/10/2023

    Đau ruột thừa có cần mổ không? Khi nào có thể điều trị bằng kháng sinh?

    Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, hình ống, gắn liền với ruột già nằm ở phía dưới bên phải của bụng. Đối với tình trạng viêm ruột thừa, hầu hết người bệnh thường lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa vì đây là phương pháp an toàn, hiệu quả và điều trị bệnh dứt điểm. Tuy nhiên, việc phẫu thuật vẫn có thể không phải là lựa chọn phù hợp nhất đối với một số bệnh nhân nên nhiều người đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề đau ruột thừa có cần mổ không?

    Việc tìm hiểu câu trả lời cho vấn đề này cũng phần nào giúp bệnh nhân có được lựa chọn giải pháp điều trị viêm ruột thừa phù hợp nhất, bao gồm cả việc không phẫu thuật và thay vào đó là dùng kháng sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là bạn phải thảo luận thêm với bác sĩ để đảm bảo tính hiệu quả, an toàn trong điều trị viêm ruột thừa nhé!

    Viêm ruột thừa là gì, có nguy hiểm không?

    Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị nhiễm trùng, sưng viêm và thường gây đau dữ dội ở vùng bụng dưới bên phải. Mặc dù ai cũng có thể bị viêm ruột thừa nhưng bệnh thường phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 10 đến 30.

    Nguyên nhân dẫn đến viêm, đau ruột thừa thường là do sự tắc nghẽn trong ống ruột thừa. Sự tắc nghẽn này có thể giúp vi khuẩn sinh sôi lên nhanh chóng khiến cho ruột thừa bị viêm, sưng lên và chứa đầy mủ. Nếu không điều trị kịp thời, ruột thừa sưng lên có thể bị vỡ khiến nhiễm trùng lây lan khắp khoang bụng gây viêm phúc mạc hoặc tạo ra ổ mủ trong bụng gây áp xe rất nguy hiểm.

    Bởi vì viêm ruột thừa có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nên việc nhận biết các triệu chứng là rất quan trọng. Thông thường, viêm ruột thừa sẽ bắt đầu bằng cơn đau bụng đột ngột. Vị trí của cơn đau không cố định mà có thể xuất hiện ở vùng quanh rốn hoặc phía trên rốn. Sau đó, cơn đau sẽ di chuyển xuống phía dưới bên phải và cảm giác đau ngày càng trở nên dữ dội hơn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm buồn nôn, sốt, chán ăn, khó đại tiện hoặc tiêu chảy…

    Trên thực tế, các triệu chứng của viêm ruột thừa có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh tiêu hóa. Đối với phụ nữ, viêm ruột thừa còn có thể nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa như bệnh về buồng trứng, tử cung. Do đó, bạn cần hết sức lưu ý đến việc nhận biết các triệu chứng để nhập viện điều trị kịp thời.

    Giải đáp thắc mắc: Viêm, đau ruột thừa có cần mổ không?

    viêm đau ruột thừa có cần mổ không

    Nhìn chung, đối với vấn đề đau ruột thừa có cần mổ không? Các bác sĩ thường xem xét, cân nhắc dựa trên các triệu chứng, kết quả xét nghiệm, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Như vậy, việc có mổ ruột thừa hay không cũng sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau và bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ.

    1. Trường hợp có thể dùng kháng sinh

    Thực tế là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa khi bộ phận này bị viêm đau thường được ưu tiên. Thế nhưng, một số báo cáo cho thấy việc dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch cũng mang lại hiệu quả điều trị với một số bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhưng chưa đến mức cần phải mổ.

    Vì vậy, đối với vấn đề viêm đau ruột thừa có cần mổ không? Câu trả lời là có thể không cần mổ, thay vào đó là dùng kháng sinh đối với một số trường hợp viêm ruột thừa nhẹ, không có dấu hiệu vỡ ruột thừa, áp xe, không có sỏi phân bên trong ruột hoặc ở những bệnh nhân tuổi cao, bệnh kèm khiến bệnh nhân không thể trải qua phẫu thuật vì nguy cơ cao.… Ưu điểm của phương pháp dùng kháng sinh trong điều trị ruột thừa là giảm đau đớn cho bệnh nhân, thời gian cần để nghỉ ngơi tại nhà… cũng sẽ ít hơn so với người phải phẫu thuật.

    Tuy nhiên, nhược điểm của việc chỉ dùng kháng sinh đó là nguy cơ tái phát viêm ruột thừa, chảy máu hoặc nhiễm trùng có thể xảy ra bên trong. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và làm tăng nguy cơ nhập viện lần nữa của bệnh nhân.

    Vì vậy, trong khi các nhà nghiên cứu vẫn đang tiến hành các thử nghiệm để tìm ra đối tượng nào hưởng lợi nhất từ việc điều trị không phẫu thuật dựa trên tuổi tác, sức khỏe, xét nghiệm… thì phẫu thuật vẫn là lựa chọn ưu tiên.

    2. Đau ruột thừa có cần mổ không? Trường hợp cần phẫu thuật

    Hiện nay, việc dùng kháng sinh trong điều trị viêm ruột thừa đang được quan tâm và được đề xuất như một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, việc chỉ dùng kháng sinh không đảm bảo điều trị bệnh dứt điểm và nguy cơ nhập viện để mổ ruột thừa vẫn có thể xảy ra.

    Hơn nữa, trên thực tế thì hầu hết bệnh nhân thường bị viêm ruột thừa cấp nên việc phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp được ưu tiên và cũng là tiêu chuẩn trong điều trị đau ruột thừa. Trong đó, nếu bệnh nhân có những biến chứng như nguy cơ vỡ ruột thừa, áp xe, có sỏi phân trong ruột… thì việc phẫu thuật là giải pháp cần thiết.

    Chăm sóc sau mổ viêm ruột thừa như thế nào?

    viêm đau ruột thừa có cần mổ không

    Như đã đề cập khi trả lời vấn đề đau ruột thừa có cần mổ không? Có thể thấy rằng so với việc dùng kháng sinh, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì đây là một cuộc phẫu thuật nên các biến chứng tiềm ẩn vẫn có thể xảy ra trong một số trường hợp, chẳng hạn như nhiễm trùng vết mổ, tắc ruột, dính ruột, áp xe trong ổ bụng, viêm phúc mạc… Do đó, việc chăm sóc đúng cách sau mổ ruột thừa là rất quan trọng. Bạn nên lưu ý những điều sau đây để phục hồi sức khỏe nhanh hơn:

    • Tránh để vết mổ tiếp xúc với nước. Điều này nghĩa là bạn cần tránh tắm bồn, bơi lội… đến khi lành hẳn.
    • Khi vệ sinh vết mổ, bạn nên rửa vết thương nhẹ nhàng và lau khô. Bạn cần chú ý giữ vết thương luôn khô ráo và thay băng nếu chúng bị ướt.
    • Tránh hoạt động mạnh, khiêng vác vật nặng từ 1 đến 2 tuần sau phẫu thuật.
    • Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tránh quần áo bó sát gây ảnh hưởng đến vết thương.
    • Thời gian đầu sau phẫu thuật, bạn cần ưu tiên ăn thức ăn mềm, lỏng như cháo hoặc súp đến khi hệ tiêu hóa sẵn sàng dung nạp các thức ăn khác.
    • Uống nhiều nước, ăn chế độ ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón sau phẫu thuật.
    • Chỉ nên dùng thuốc được bác sĩ kê đơn và tránh tự ý bôi thuốc hoặc kem dưỡng lên vết mổ. Trường hợp có các triệu chứng bất thường như vết mổ sưng tấy, đỏ, đau, chảy máu, sốt cao, khó thở, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy… bạn hãy nghĩ đến nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, cần đến bệnh viện để được thăm khám, đánh giá và điều trị kịp thời.

    Nhìn chung, đối với vấn đề “viêm đau ruột thừa có cần mổ không?” thì thực tế là hầu hết bệnh nhân đều cần được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa vì đây là phương pháp an toàn và điều trị dứt điểm. Việc dùng kháng sinh thay thế nên được cân nhắc trên nhiều yếu tố. Bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp phù hợp, hiệu quả trong điều trị đau ruột thừa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Hoàng Công Tuấn

    Tim mạch · Phòng khám Bác sĩ gia đình - 115 An Tâm


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 19/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo