Viêm ruột thừa cấp là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa vùng bụng thường gặp nhất. Bệnh tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu can thiệp muộn. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu viêm ruột thừa cấp để được điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng.
Để biết được những dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở các đối tượng khác nhau, từ trẻ em đến người lớn và cả phụ nữ mang thai, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở người lớn
1. Triệu chứng ở bụng
Đau bụng là một trong những dấu hiệu viêm ruột thừa cấp phổ biến nhất. Cơn đau này thường:
- Bắt đầu ở khu vực xung quanh rốn và di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng – gọi là hố chậu phải. Ở một số người, cơn đau ở phía dưới bên phải bụng (hố chậu phải) có thể xuất hiện đầu tiên.
- Trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Cụ thể, cơn đau tăng dần trong 24 giờ đầu, trở nên liên tục và dữ dội hơn.
- Khiến người bệnh cảm thấy đau đớn hơn khi di chuyển, hít thở sâu, bị chạm vào hay ho hoặc hắt hơi.
- Có thể đau khắp bụng nếu ruột thừa bị vỡ để muộn bị vỡ gây viêm phúc mạc toàn thể.
- Ở người già, các dấu hiệu thường không dễ nhận biết, dễ bị bỏ sót.
Ở nhiều bệnh nhân, viêm ruột thừa cấp còn gây căng cứng vùng bụng và tạo cảm giác đầy hơi. Đây thường là một dấu hiệu viêm ruột thừa cấp tiến triển và có thể cho thấy ruột thừa đã bị vỡ.
2. Các triệu chứng viêm ruột thừa cấp khác
Khi cơn đau bụng tăng lên, các triệu chứng viêm ruột thừa cấp khác có thể xuất hiện.
- Sốt nhẹ: Bệnh nhân viêm ruột thừa cấp tính thường sốt nhẹ từ 38 – 38,5 °C, cho thấy tình trạng viêm đang gia tăng. Nếu sốt cao hơn 39°C, rất có thể ruột thừa đã bị vỡ, gây viêm phúc mạc.
- Buồn nôn, nôn mửa: Buồn nôn kèm nôn nhiều chỉ ra sự phát triển của tình trạng viêm phúc mạc toàn thể sau thủng, nhưng hiếm khi là một dấu hiệu viêm ruột thừa cấp đơn giản.
- Táo bón hoặc tiêu chảy: Một số người bị táo bón và cảm thấy khó xì hơi, trong khi một số khác lại đi tiêu thường xuyên hơn bình thường.
- Chán ăn: Chán ăn thường là đặc điểm nổi bật của chứng viêm ruột thừa cấp tính.
- Triệu chứng tiết niệu: Đôi khi, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng về tiết niệu, chẳng hạn như đi tiểu thường xuyên hơn. Điều này có thể do viêm ruột thừa kích thích các dây thần kinh kết nối với bàng quang.
Dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở trẻ em
Viêm ruột thừa cấp là bệnh đau bụng cấp thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ trên 5 tuổi. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn người lớn nhưng trẻ bị viêm ruột thừa lại bị bệnh nặng hơn người lớn. Tỷ lệ biến chứng viêm phúc mạc, thủng ruột thừa thậm chí khá cao.
Dưới đây là các dấu hiệu viêm ruột thừa cấp phổ biến ở trẻ em:
- Đau bụng: Nhìn chung, đau bụng vẫn là triệu chứng chính của viêm ruột thừa cấp ở trẻ em. Cơn đau có thể di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng. Tuy nhiên, nhiều trẻ không thể mô tả cơn đau chính xác khiến cha mẹ và bác sĩ khó chẩn đoán viêm ruột thừa.
- Sốt cao: Trẻ có thể bị sốt cao khá sớm, lên đến 39°C, đồng thời có thể kèm theo các triệu chứng khác như ớn lạnh, co giật, sốc nhiễm độc.
- Các triệu chứng khác: Trẻ bị viêm ruột thừa có thể có các dấu hiệu khác như khó chịu, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, nhịp tim tăng…
Dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở phụ nữ mang thai
Việc nhận biết các dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở phụ nữ mang thai thường không dễ dàng.
Khi mang thai, tử cung phát triển có thể khiến ruột thừa bị dịch chuyển khỏi vị trí giải phẫu thông thường. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng viêm ruột thừa cấp không điển hình hoặc có những biểu hiện lâm sàng khác nhau ở từng mẹ bầu, thậm chí là có thể bị nhầm lẫn với thời điểm bắt đầu chuyển dạ.
Một số dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở mẹ bầu là:
- Đau bụng hố chậu phải kèm theo sốt
- Buồn nôn, nôn mửa
- Cảm giác đau diễn ra ở bất kỳ vị trí nào ở bên phải bụng. Điểm đau khi bác sĩ thăm khám ở hố chậu bên phải (điểm đau ruột thừa) thường bị đẩy lên trên và ra phía sau.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn nhận biết được các dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở trẻ em, người lớn và phụ nữ mang thai, từ đó kịp thời đi khám sớm trước 6 giờ sau cơn đau bụng để được chẩn đoán và điều trị. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm ở bụng để xác định chẩn đoán tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị.
[embed-health-tool-bmr]