Trực tràng là phần cuối của ruột già, tiếp giáp với hậu môn. Trực tràng bị đau do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như chấn thương, viêm nhiễm và các bệnh lý trực tràng – hậu môn khác.
Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây đau trực tràng thường gặp cũng như cách giảm đau trong bài viết sau.
14 nguyên nhân gây đau trực tràng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị đau trực tràng, bao gồm:
1. Chấn thương trực tràng hoặc hậu môn
Chấn thương vùng trực tràng hoặc hậu môn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau trực tràng. Bạn có thể bị thương khi thủ dâm hoặc quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất nặng nề cũng dễ gây ra các chấn thương ở khu vực này.
Ngoài đau trực tràng, chấn thương trực tràng – hậu môn còn có thể gây ra chảy máu, sưng tấy và khiến bạn gặp khó khăn trong việc đi đại tiện.
2. Đau trực tràng do bệnh trĩ
Trĩ là tình trạng phình giãn tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn. Có 2 loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Tùy vào loại trĩ mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau. Trĩ nội (búi trĩ hình thành phía trên đường lược) thường phát triển ở bên trong trực tràng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các búi trĩ có thể sa ra ngoài nếu chúng đủ lớn. Trong khi đó, trĩ ngoại (búi trĩ hình thành phía dưới đường lược) có thể đi kèm với tụ huyết khối, gây ra cảm giác cực kỳ đau đớn khi bạn ngồi hoặc đi lại.
Nhìn chung, bệnh trĩ có thể gây ra các triệu chứng sau:
Cảm giác đau vùng trực tràng – hậu môn
Ngứa hoặc kích ứng hậu môn
Sưng quanh hậu môn
Đại tiện khó khăn
Có vết máu trên giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện
3. Nứt hậu môn
Nứt hậu môn là các vết rách nhỏ trong các mô mỏng nằm dọc theo ống hậu môn. Tình trạng này rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và phụ nữ đã sinh con.
Các vết nứt này thường hình thành khi người bệnh bị táo bón hoặc tiêu chảy dài ngày. Các biểu hiện của nứt hậu môn thường bao gồm:
- Thấy máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong phân
- Ngứa quanh hậu môn
- Đau trực tràng – hậu môn
- Xuất hiện cục u nhỏ hoặc mụn thịt dư ở gần vết nứt
4. Đau hậu môn vô căn
Đau hậu môn vô căn là các cơn đau hậu môn không có nguyên nhân cụ thể, thường xảy ra do co thắt cơ dữ dội ở trong hoặc xung quanh ống hậu môn. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30-60 tuổi.
Các triệu chứng phổ biến của đau hậu môn vô căn bao gồm:
- Đau trực tràng đột ngột
- Tình trạng co thắt kéo dài trong vài giây hoặc vài phút, thậm chí lâu hơn
- Cơn đau trầm trọng hơn khi ngồi xuống
5. Hội chứng cơ nâng hậu môn (levator ani syndrome)
Hội chứng cơ nâng hậu môn là một rối loạn chức năng cơ sàn chậu. Khi đó, các cơ ở vùng xương chậu và hậu môn co thắt gây ra các cơn đau ở vùng hậu môn – trực tràng. Hội chứng này thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Ngoài đau trực tràng, hội chứng còn gây ra:
- Đau bụng trái
- Đau âm đạo
- Đầy hơi
- Đau bàng quang
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu không tự chủ
- Đau khi giao hợp
6. Rò hậu môn
Xung quanh hậu môn có các tuyến nhỏ tiết ra dầu để giữ cho da hậu môn được bôi trơn và khỏe mạnh. Nếu một trong những tuyến này bị tắc nghẽn, tình trạng áp xe quanh hậu môn có thể hình thành. Các áp xe này có thể phát triển thành các “đường hầm” nối tuyến bị nhiễm trùng với một lỗ mở ở da hậu môn. Tình trạng này được gọi là rò hậu môn.
Rò hậu môn có thể gây đau trực tràng và các vấn đề sau:
- Sưng quanh hậu môn
- Đại tiểu tiện khó khăn
- Đại tiện ra máu hoặc mủ
- Sốt
7. Hội chứng loét trực tràng đơn độc
Hội chứng loét trực tràng đơn độc là tình trạng một hoặc nhiều vết loét xuất hiện trong trực tràng. Hiện nay, giới y học vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến hội chứng hiếm gặp này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến táo bón mãn tính.
Các biểu hiện của hội chứng loét trực tràng đơn độc gồm:
- Táo bón
- Rặn khi đi đại tiện
- Đau và chảy máu trực tràng
- Cảm giác đầy hoặc áp lực ở khung chậu
- Cảm giác đi không hết phân
- Không kiểm soát được việc đi đại tiện
8. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
Mặc dù không phổ biến như các nguyên nhân khác nhưng các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục (như bệnh lậu, chlamydia, herpes, giang mai, HPV…) có thể lây lan từ bộ phận sinh dục đến trực tràng và gây đau. Các biểu hiện khác của STD bao gồm:
- Chảy máu trực tràng – hậu môn
- Ngứa
- Đau nhức
- Chảy dịch
9. Bệnh viêm đường ruột (IBD)
IBD là một nhóm các rối loạn đường ruột gây viêm, đau và chảy máu trong đường tiêu hóa, bao gồm cả trực tràng.
Hai căn bệnh IBD phổ biến nhất là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng (UC). Các triệu chứng của IBD phụ thuộc vào loại bệnh cụ thể mà bạn mắc phải, điển hình như:
- Đau bụng
- Đi ngoài ra máu
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Sốt
- Chán ăn
- Giảm cân ngoài ý muốn
10. Đau trực tràng do viêm trực tràng
Viêm trực tràng là tình trạng viêm trong niêm mạc trực tràng. Ngoài cảm giác khó chịu và đau ở trực tràng, bệnh còn gây ra các triệu chứng sau:
- Tiêu chảy
- Cảm giác đầy hoặc áp lực trong trực tràng
- Cảm giác muốn đi tiêu ngay khi vừa mới đi xong
- Chảy máu trực tràng
11. Sa trực tràng
Sa trực tràng xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ trực tràng bị nhô ra khỏi hậu môn. Tình trạng này phổ biến nhất ở người trên 50 tuổi. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn nam giới gấp 6 lần.
Ngoài đau trực tràng, sa trực tràng còn gây ra các vấn đề sau:
- Một khối mô lòi ra ngoài hậu môn
- Rò rỉ phân
- Đau khi đi tiêu
- Táo bón
- Chảy máu hậu môn
12. Áp xe trực tràng
Áp xe trực tràng là nhiễm trùng có mủ ở các tuyến hoặc khoang bao quanh trực tràng hoặc hậu môn. Các triệu chứng của áp xe trực tràng bao gồm:
- Đau khi đi tiểu
- Sốt
- Đau và sưng quanh trực tràng
13. Ứ phân
Ứ phân là tình trạng mắc kẹt phân cứng bên trong trực tràng, dẫn đến đau trực tràng. Táo bón mãn tính là nguyên nhân thường gặp nhất của chứng ứ phân.
Các triệu chứng khác của tình trạng này bao gồm:
- Đầy hơi
- Đau bụng
- Buồn nôn và nôn
14. Ung thư
Ung thư trực tràng hoặc hậu môn cũng có thể gây khó chịu ở phần trực tràng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đau trực tràng đều không phải do ung thư.
Các dấu hiệu khác của ung thư trực tràng bao gồm:
- Thay đổi thói quen đại tiện
- Cơn đau trực tràng kéo dài không dứt hoặc trở nên tồi tệ hơn
- Máu lẫn trong phân
- Giảm cân không chủ ý
Các biện pháp giúp giảm đau trực tràng
Phương pháp điều trị đau trực tràng thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đau trực tràng có thể thuyên giảm nhờ các biện pháp khắc phục sau:
- Tắm bồn sitz (tắm ngồi) hoặc ngồi trong nước ấm trong 15-20 phút
- Dùng thuốc chống viêm không kê đơn
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón
- Sử dụng thuốc làm mềm phân để giúp cho việc đi tiêu dễ dàng và ít đau hơn
- Ngồi trên đệm êm để làm giảm áp lực lên trực tràng
- Uống thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn
Khi nào bạn cần đến bệnh viện?
Tình trạng đau trực tràng thường thuyên giảm khá nhanh chóng và không cần đến điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn một ngày hoặc có các triệu chứng đi kèm sau đây, bạn nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra:
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc lan sang các khu vực khác của cơ thể
- Sốt
- Chảy máu trực tràng
- Có cục u xuất hiện ở lỗ hậu môn
- Chấn thương hậu môn
Đau trực tràng thường không phải là vấn đề quá nguy hiểm và có thể được khắc phục bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn cần can thiệp y tế. Do đó, bạn cần theo dõi cơn đau của mình và đến bệnh viện ngay khi nó không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.
Dung Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]