backup og meta

Cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa bằng đường uống như thế nào?

Cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa bằng đường uống như thế nào?

Mất nước được hiểu là tình trạng mà cơ thể bạn mất nhiều chất lỏng, chất điện giải hơn mức tiêu thụ, thường là do tiêu chảy hoặc nôn mửa quá nhiều. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể rất nguy hiểm và dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu người bệnh được bù nước đúng cách và kịp thời, tỷ lệ vượt qua và sống sót đã được chứng minh là rất cao. Điều này đồng nghĩa rằng việc biết cách bù nước khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa là rất quan trọng và hữu ích.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin hướng dẫn cách bù nước bằng đường uống khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa để giúp bạn ngăn ngừa mất nước hiệu quả trong những trường hợp cần thiết.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất nước

Nôn mửa và tiêu chảy thường được biết đến là các triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nào đó. Trong một số trường hợp đáng báo động, hệ quả của cả hai tình trạng này đều có thể khiến cho cơ thể bị mất nước và mất cân bằng điện giải rất nguy hiểm. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần sớm nhận biết được các dấu hiệu cơ thể mất nước để bù nước kịp thời, cụ thể:

Dấu hiệu mất nước ở mức độ nhẹ đến trung bình

Bệnh nhân không có dấu hiệu nguy hiểm và chỉ có tối thiểu hai trong số những vấn đề sau:

  • Mắt trũng
  • Mạch nhanh
  • Khát nước quá mức
  • Môi, miệng khô
  • Da nhão không còn sự đàn hồi
  • Đi tiểu thường xuyên, nước tiểu sẫm màu
  • Tay chân lạnh
  • Khó chịu, dễ cáu kỉnh hoặc bồn chồn.

Dấu hiệu mất nước nghiêm trọng

cách bù nước khi bị tiêu chảy

Khi rơi vào tình trạng mất nước nghiêm trọng, người bệnh thường có một hoặc nhiều dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Mạch yếu hoặc không thể bắt mạch
  • Suy hô hấp
  • Hôn mê, bất tỉnh
  • Không uống được hoặc khả năng uống chất lỏng kém
  • Da nhúm lại, không có sự đàn hồi.

Đối với trường hợp này, bệnh nhân cần được nhanh chóng nhập viện để điều trị kịp thời và ngăn ngừa rủi ro do mất nước nghiêm trọng.

Cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa bằng đường uống như thế nào?

Bù nước bằng đường uống là phương pháp điều trị tình trạng mất nước được ưu tiên khi bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu mất nước điển hình. Sau đây là hướng dẫn về cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa cụ thể.

Cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa trong trường hợp mất nước nhẹ

Khi có những dấu hiệu mất nước đầu tiên như khô miệng và khát, bệnh nhân cần được bổ sung nước lọc, nước canh, nước trái cây pha loãng… Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng không cho bệnh nhân dùng những đồ uống sau để tránh khiến cho tiêu chảy trầm trọng hơn:

  • Thức uống có hàm lượng đường cao như nước ngọt, đồ uống thể thao…
  • Thức uống chứa caffeine chẳng hạn như cà phê…
  • Thuốc uống chứa cồn như rượu, bia…

Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong 4 giờ đầu tiên kể từ khi có dấu hiệu mất nước. Trong 4 giờ này, người bệnh cần được bổ sung chất lỏng với hàm lượng khoảng 75 ml/kg. Thế nhưng, cần lưu ý là chỉ nên uống từ từ bằng cách uống từng ngụm nước nhỏ sau mỗi 10 phút. Sau đó, người chăm sóc cần đánh giá lại tình trạng của người bệnh. Nếu vẫn có dấu hiệu mất nước thì cần bổ sung lặp lại hoặc chuyển sang sử dụng dung dịch bù nước và chất điện giải (Oral rehydration solution – ORS).

Cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa trong trường hợp mất nước mức độ trung bình đến nghiêm trọng

cách bù nước khi bị tiêu chảy

Đối với trường hợp mất nước có xu hướng nghiêm trọng hơn và việc bổ sung các chất lỏng thông thường không bù nước hiệu quả thì bạn có thể cân nhắc dùng ORS, còn được biết đến là dung dịch Oresol.

Đây là dung dịch bù nước và điện giải bằng đường uống hoặc bổ sung qua ống thông mũi dạ dày nếu bệnh nhân không thể tự uống được. Trong đó, ngoài nước thì ORS còn chứa thêm glucose cùng các chất điện giải quan trọng như kali và natri. ORS thường có sẵn ở dạng bột và chia thành từng gói. Vì vậy, lời khuyên này là bạn nên dùng những gói này hoặc theo loại được bác sĩ kê toa thay vì tự pha chế theo công thức riêng.

Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần cho bột ORS hòa tan cùng với 1 lượng nước sôi để nguội (theo liều lượng ghi trên bao bì) và cho người bệnh dùng. Lưu ý là không nên đun sôi dung dịch sau khi pha hoặc pha bột ORS với nước khoáng. Bởi vì nước khoáng chứa các ion điện giải nên sẽ làm sai tỷ lệ các chất điện giải có trong dung dịch. Đối với cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa bằng dung dịch ORS, bạn cần lưu ý:

  • Cho người bệnh dùng ngay khi có thể ngồi dậy và uống được. Dung dịch điện giải bù nước nên được dùng trong 24 giờ và không nên dùng nữa khi vượt qua mốc thời gian này.
  • Về liều lượng, bạn có thể cho người bệnh dùng 100 ml dung dịch bù nước và điện giải sau mỗi 5 phút cho đến khi ổn định. Bạn cũng có thể cân nhắc bổ sung ORS dựa trên cân nặng của người bệnh, khoảng 75 ml/kg trong 4 giờ.
  • Trong giai đoạn đầu của liệu pháp bù nước bằng dung dịch ORS thông qua đường uống, trung bình một người lớn có thể bổ sung đến 1000 ml ORS mỗi giờ. Đối với trẻ em thường là khoảng 20 ml/kg mỗi giờ.
  • Việc điều chỉnh lượng dung dịch và số lần uống sẽ linh hoạt dựa trên nhu cầu của người bệnh. Nếu cần thiết thì tăng lên hoặc nếu tình trạng mất nước đỡ dần thì có thể giảm đi.
  • Đối với trẻ sơ sinh bị mất nước, bạn nên duy trì việc cho con bú mẹ song song với điều trị.
  • Thận trọng khi dùng ORS vì không phải ai cũng dung nạp được dung dịch này. Nếu có những triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, khát nghiêm trọng, co giật… thì cần nhập viện vì đây có thể là dấu hiệu của tăng natri máu.

Nhìn chung, cách bù nước khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa tại nhà qua đường uống thường phù hợp với các trường hợp mất nước nhẹ, không quá nghiêm trọng. Ngược lại, nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như suy nhược, không uống được chất lỏng, thở gấp, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, không ra mồ hôi, choáng váng, hôn mê, tiêu chảy hay nôn mửa kéo dài thì nên nhanh chóng nhập viện để được điều trị bằng phương pháp truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Rehydrating After Diarrhea

https://www.beyondceliac.org/q-and-a/rehydrating-after-diarrhea/  Truy cập ngày 10/10/2022

Rehydration Therapy

https://www.cdc.gov/cholera/treatment/rehydration-therapy.html  Truy cập ngày 10/10/2022

Diarrhea Fact Sheet

https://rehydrate.org/diarrhoea/fact-sheet.htm  Truy cập ngày 10/10/2022

Oral Rehydration Solutions for the Treatment of Acute Watery Diarrhea

https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2017/1201/p700.html  Truy cập ngày 10/10/2022

How Oral Solutions Help to Manage Dehydration

https://www.healthline.com/health/oral-rehydration-solution Truy cập ngày 10/10/2022

Phiên bản hiện tại

16/10/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Ăn cay bị đau bụng có sao không? 3 vấn đề tiêu hóa cần lưu ý

Bị tiêu chảy có nên ăn trứng không? Ăn trứng khi bị tiêu chảy cần lưu ý gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 16/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo