Thụt táo bón là giải pháp “tình thế” được nhiều người lựa chọn khi gặp phải tình trạng táo bón nặng, kéo dài. Thế nhưng, thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ phương pháp này cũng như những rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện quá thường xuyên.
Thụt táo bón hay thụt hậu môn trị táo bón là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả và có tác dụng nhanh chóng đối với việc đi đại tiện. Tuy nhiên, phương pháp trị táo bón này vẫn tồn tại rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nếu thực hiện không đúng hoặc quá thường xuyên.
Thụt táo bón là gì?
Thụt táo bón, thụt trực tràng hay thụt hậu môn là phương pháp điều trị táo bón hoạt động theo cơ chế dẫn truyền dung dịch hoặc gel từ ngoài qua hậu môn vào thẳng trực tràng để kích thích nhu động ruột, làm mềm phân và tạo cảm giác đi ngoài ngay lập tức.
Thụt táo bón ở người lớn thường được chỉ định cho những trường hợp táo bón nặng, dai dẳng, việc đi ngoài hết sức khó khăn. Tuy nhiên, dù an toàn nhưng cách trị táo bón này chỉ nên dùng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và khi có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn được chỉ định trước khi nội soi hoặc phẫu thuật đại tràng, giúp làm sạch ruột; phụ nữ trước khi sinh.
Thụt táo bón được thực hiện như thế nào?
Thụt táo bón có thể được thực hiện tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi thực hiện, bạn nên mua bộ dụng cụ thụt táo bón tại nhà thuốc, tránh dùng các dụng cụ “tự chế” vì có thể gây tổn thương hậu môn.
Về dung dịch thụt táo bón, bạn có thể dùng nước ấm, nước muối sinh lý hoặc các loại thuốc thụt, thuốc bơm hậu môn không kê đơn. Hiện các loại thuốc thụt không kê đơn phổ biến được chỉ định điều trị táo bón trong thời gian ngắn thường là:
- Thuốc chứa sodium phosphate (Fleet enema, Clisma Lax, Microlax): Có tác dụng kích thích trực tràng, giúp ruột giữ nước và làm mềm phân.
- Thuốc chứa glycerol (Microclismi, Rectiofar): Có tác dụng làm mềm phân, giữ ẩm niêm mạc, giúp phân giảm độ cứng và dễ dàng đào thải ra ngoài.
Bạn có thể thụt táo bón ở gần nhà vệ sinh. Trước khi thụt, bạn cần chuẩn bị nước ấm, găng tay sạch, khăn tắm sau đó tiến hành theo các bước sau:
- Ngâm hậu môn trong nước ấm. Bạn có thể uống 1 –2 ly nước trước khi thực hiện để giảm nguy cơ mất nước
- Mang bao tay, sau đó nằm nghiêng bên trái, nâng cao mông, gập đầu gối và thả lỏng tay
- Vặn bỏ nắp thuốc và cho dung dịch thụt trực tràng vào dụng cụ thụt theo liều lượng khuyến cáo
- Sau đó, nhẹ nhàng đưa dụng cụ vào hậu môn (bạn có thể bôi một ít dầu khoáng hoặc chất bôi trơn quanh dụng cụ hoặc hậu môn để dễ dàng đưa vào)
- Ép chặt dụng cụ và đẩy dung dịch vào bên trong
- Rút dụng cụ ra và giữ nguyên tư thế cho đến khi có nhu cầu đi ngoài, thường là rất nhanh
- Đại tiện ngay khi có nhu cầu và vệ sinh hậu môn bằng nước ấm sau đó
- Vệ sinh dụng cụ thụt bằng xà phòng diệt khuẩn và để khô ráo.
Trước khi thụt bón, nhiều người sẽ rất băn khoăn không biết thụt táo bón có đau không thì nhìn chung, phương pháp này ít gây đau đớn. Một số trường hợp, khi đưa dụng cụ thụt vào hậu môn, dù đã được bôi trơn nhưng do đi ngược lại với chiều xuôi của chất thải bình thường nên cơ thể sẽ có xu hướng đẩy dị vật ra gây đau nhẹ.
Ngoài ra, khi dung dịch được đưa vào, nhiều người có thể cảm thấy đau bụng, khó chịu và muốn đi ngoài.
Rủi ro có thể gặp phải khi thụt táo bón
Dù thụt táo bón được xem là an toàn, giúp điều trị táo bón nhanh nhưng phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro nếu thực hiện quá thường xuyên:
- Mất phản xạ muốn đi vệ sinh tự nhiên, có thể bị phụ thuộc vào thuốc
- Phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột
- Rối loạn điện giải, mất nước nghiêm trọng
- Đau rát, tổn thương hậu môn, dễ dẫn đến nứt rách, viêm nhiễm, chảy máu
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về viêm đại tràng hoặc trực tràng.
Ngoài ra, các loại thuốc bơm hậu môn có thể gây ra một số tác dụng phụ như giảm kali, mất trương lực ruột, đau bụng dữ dội, tiêu chảy, tiêu chảy có máu, đau hoặc chảy máu trực tràng.
Các loại thuốc bơm hậu môn chứa sodium phosphate có thể gây nguy hiểm cho người lớn tuổi bởi có thể gây rối loạn điện giải, giảm canxi huyết, có thể dẫn đến đau đầu, phát ban, tổn thương thận, gan và thậm chí tử vong.
Lưu ý khi thực hiện để đảm bảo an toàn
Để việc thụt táo bón mang lại hiệu quả cao nhất, bạn chỉ nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ và lưu ý một số điều sau:
- Hỏi kỹ bác sĩ về các loại thuốc thụt, thuốc bơm hậu môn được sử dụng, nhất là nếu đang nôn ói, đau bụng; người cao tuổi, người mắc bệnh tim, gan, thận, tiểu đường, lú lẫn, phụ nữ mang thai và đang cho con bú
- Khi thụt táo bón, cần thực hiện nhẹ nhàng, không nên đưa dụng cụ vào quá sâu bên trong. Nếu phân đào thải ra ngoài khi đại tiện có lẫn máu thì rất có thể hậu môn đã bị tổn thương. Lúc này bạn nên đi khám.
- Tránh thụt táo bón nếu bạn đang bị tắc ruột, trĩ hoặc sa trực tràng vì có thể gây đau đớn
- Chỉ dùng đúng dung dịch thụt rửa trực tràng theo khuyến cáo của bác sĩ, tránh tự ý dùng các dung dịch thụt rửa khác như cà phê, thảo mộc, muối Epsom, dung dịch có tính axit bởi các dung dịch này có thể gây rối loạn điện giải, mất nước, viêm nhiễm hoặc bỏng…
- Trong quá trình thụt, nếu bị chóng mặt nghiêm trọng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau bụng không đi ngoài được, tiêu chảy kéo dài hoặc không đi tiểu được, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
- Không dùng thuốc thụt hậu môn cho trẻ dưới 2 tuổi, trừ khi có chỉ định của bác sĩ
- Không lạm dụng thụt quá thường xuyên.
Với những trường hợp táo bón nhẹ hoặc các triệu chứng không quá nghiêm trọng, thay vì thụt táo bón, bạn nên thực hiện các phương pháp điều trị khác như:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ trị táo bón
- Uống nhiều nước
- Tập thể dục thường xuyên
- Tạo thói quen đi đại tiện đúng giờ
- Sử dụng các loại thuốc trị táo bón đường uống như thuốc làm mềm phân, thuốc bôi trơn, thuốc nhuận tràng, thuốc thẩm thấu…
- Bổ sung lợi khuẩn thông qua chế độ ăn hoặc dùng men vi sinh.
Nhìn chung, thụt táo bón có thể là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cho người bị táo bón nặng. Tuy nhiên, đây chỉ là lựa chọn cuối cùng khi những cách khác không giúp ích được cho bạn, đừng lạm dụng để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.
[embed-health-tool-bmr]