backup og meta

Viêm túi mật

Viêm túi mật

Viêm túi mật thường gây ra do sỏi túi mật. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây viêm túi mật hiếm gặp hơn như ung thư đường mật, giun chui ống mật. Bệnh thường gặp ở những phụ nữ trung niên tuổi mãn kinh, thừa cân béo phì. Không phải ai bị sỏi mật cũng đều bị viêm túi mật, tuy nhiên, một khi sỏi túi mật gây đau bụng thì khả năng sau này bị viêm túi mật là rất cao. Do đó, trong những trường hợp sỏi mật có triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cắt túi mật.

Tìm hiểu chung

Viêm túi mật là bệnh gì?

Viêm túi mật là tình trạng nhiễm trùng ở túi mật. Túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan, chứa mật do gan tạo ra và có chức năng tiết mật vào ruột khi thức ăn được đưa vào. Mật giúp hòa tan chất béo trong thức ăn. Nguyên nhân chính gây ra viêm túi mật là do sỏi mật bị kẹt trong ống dẫn từ túi mật đến ruột. Nếu không chữa trị kịp thời, viêm túi mật có thể dẫn đến nhiễm trùng và thủng túi mật.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi mật?

Viêm túi mật sẽ gây đau đớn ở vùng bụng bên phải (vị trí của túi mật) và gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Bệnh cũng thể hiện ở một số bộ phận khác của cơ thể. Các triệu chứng phổ biến của viêm túi mật là:

  • Đau và quặn thắt ở vùng hạ sườn phải
  • Đau lan lên ngực, lưng, hay vai phải
  • Đau hơn khi hít vào, di chuyển hoặc khi đè trên vùng bên phải của phần bụng trên
  • Ợ hơi, buồn nôn và thường nôn mửa sau bữa ăn chứa nhiều chất béo
  • Vàng da và vàng mắt
  • Hạ thân nhiệt
  • Phân nhạt màu
  • Ngứa da nếu ống mật chủ bị tắc do sỏi
  • Sốt và ớn lạnh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng nói trên hoặc bất kỳ bất thường nào làm bạn lo lắng. Trong trường hợp bạn bị đau bụng nặng không thể ngồi yên hoặc tự đến gặp bác sĩ được, hãy nói với người thân hoặc nhờ bạn bè giúp đưa bạn đến phòng cấp cứu.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm túi mật?

Sỏi mật là nguyên nhân chính gây viêm túi mật. Tuy nhiên, bị viêm túi mật không có nghĩa là bạn bị sỏi mật. Viêm túi mật còn có thể do rối loạn chức năng của túi mật gây sản sinh hoặc dự trữ quá nhiều mật. Những nguyên nhân khác gây viêm túi mật bao gồm bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh do nhiễm khuẩn và tiểu đường.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm túi mật?

Bệnh viêm túi mật có thể xảy ra ở mọi người ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Với những trường hợp nguyên nhân bệnh không phải do sỏi mật, bệnh thường xảy ra ở nam giới và người cao tuổi.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm túi mật?

Do phần lớn bệnh sỏi mật có thể dẫn tới viêm túi mật, các triệu chứng của hai loại bệnh khá tương đồng nhau. Những yếu tố nguy cơ đối với viêm túi mật cũng giống như ở bệnh sỏi mật, bao gồm:

  • Tuổi trung niên
  • Béo phì
  • Chế độ ăn giàu chất béo
  • Nhịn đói
  • Sụt hoặc tăng cân quá mức
  • Tác dụng phụ từ thuốc đặc trị
  • Đang mang thai.

Bạn không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm túi mật?

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm túi mật từ bệnh sử và khám lâm sàng. Để có kết quả chính xác hơn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang, xét nghiệm máu và siêu âm. Nếu siêu âm cho kết quả không rõ ràng, bác sĩ sẽ sử dụng một kỹ thuật X-quang đặc biệt chuyên chụp hình gan mật gọi là HIDA.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm túi mật?

Để điều trị, túi mật và sỏi mật cần được loại bỏ bằng phẫu thuật cắt túi mật. Phương pháp thông dụng nhất để cắt túi mật là nội soi. Phương pháp này cho phép bệnh nhân hồi phục trong thời gian ngắn và có thể xuất viện sớm. Đối với phẫu thuật nội soi, bác sĩ phẫu thuật rạch bốn lỗ nhỏ ở bụng, sau đó đưa dụng cụ xuyên qua những đường rạch này để cắt bỏ túi mật.

Nếu phẫu thuật nội soi không thể thực hiện, bạn cần phải được mổ hở, đòi hỏi thời gian nằm viện dài hơn.

Cắt bỏ túi mật không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bạn, ngoại trừ chứng khó tiêu thỉnh thoảng xảy ra khi ăn thức ăn nhiều chất béo trong vòng từ 6 đến 12 tháng sau khi cắt bỏ túi mật. Nhưng tình trạng này thường sẽ dần dần tự hết.

Bác sĩ cũng chỉ định thuốc để làm tan sỏi, nhưng liệu pháp này phải cần vài tháng đến vài năm mới có hiệu quả và thường hiếm khi được sử dụng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm túi mật?

Viêm túi mật có thể được hạn chế nếu bạn thực hiện theo chế độ ăn uống như sau: giảm khẩu phần ăn giàu chất béo, tăng cường chất xơ trong các bữa ăn. Ngoài ra, bạn cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng thuốc.

Nếu bạn đã hoặc đang chữa trị bệnh viêm túi mật, hãy nghe theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm soát biến chứng nếu có.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Viêm túi mật là một bệnh ngoại khoa và nếu không được điều trị phẫu thuật kịp thời, túi mật sẽ bị thủng và gây nhiễm trùng ổ bụng. Lúc này điều trị không còn đơn giản là mổ nội soi cắt túi mật nữa mà đôi khi bác sĩ phải mổ mở để rửa sạch ổ bụng. Vì thế, khi bạn gặp bị sỏi mật và có cơn đau quặn mật, mặc dù cơn đau có thể hết một cách tự nhiên – khi viên sỏi kẹt cổ túi mật tự rớt ngược lại vào lòng túi mật – nhưng bạn cũng nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cắt túi mật phòng ngừa.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Trang 245

Acute cholecystitis. http://www.merckmanuals.com/professional/hepatic_and_biliary_disorders/gallbladder_and_bile_duct_disorders/acute_cholecystitis.html?qt=cholecystitis&alt=sh 2011. Ngày truy cập 24/10/2015

Gallstones. http://digestive.niddk.nih.gov/ddiseases/pubs/gallstones/index.aspx. Ngày truy cập 24/10/2015

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Hải


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo